“Hồi nhỏ Tùng sống ở quê An Giang, vùng nước nổi, tối ngày theo cha bắt cá, chài lưới. Quãng thời gian cuộc đời Tùng gắn với sông nước nhiều hơn trên bờ. Lúc 5 tuổi đã bơi lội giỏi lắm!”. Võ Thanh Tùng đã mở đầu câu chuyện về niềm đam mê và cái duyên gắn với bơi lội của đời mình như thế. Nhưng biến cố đã đến với chàng trai sinh năm 1985 này khi anh vừa lên 6 tuổi. Dịch sốt bại liệt quái ác đã khiến đôi chân của cậu bé đang tuổi ăn tuổi lớn dần teo tóp lại. Bất hạnh là vậy, song điều đó không đánh gục được ý chí vượt lên nghịch cảnh của Thanh Tùng. Năm 2005, khi lên nhà chị gái ở Cần Thơ để học ngành điện tử, Tùng vẫn tiếp tục niềm đam mê bơi lội của mình. Những khó khăn của cuộc sống sau khi tốt nghiệp cũng không làm mất đi niềm đam mê ấy trong Tùng. Và cũng nhờ đó, chàng sinh viên mới ra trường đã được HLV Bùi Thanh Tâm của Trường Trung cấp TDTT Thành phố Cần Thơ phát hiện và đưa về huấn luyện. Trong giải bơi lội toàn quốc cùng năm, Tùng đã xuất sắc giành 3 HCV. “Hồi đó Tùng cũng tự bỏ tiền ra tập luyện, chứ không có chế độ, điều kiện gì nhiều vì lúc đó cũng đam mê săn thành tích. Đến năm 2009 Tùng mới gặp được thầy Đổng Quốc Cường, ông đưa Tùng vào đội tuyển bơi lội Việt Nam, từ đó Tùng mới được đi thi đấu quốc tế và giành nhiều huy chương ở quốc tế, châu Á”. HLV Bùi Thanh Tâm cho biết.

Trên chặng đường đầy gian nan, thử thách khi theo thể thao chuyên nghiệp, Võ Thanh Tùng đã từng có thời điểm nghĩ đến việc bỏ cuộc nhưng rồi niềm đam mê với bơi lội đã kéo anh trở lại, để tiếp tục tỏa sáng ở những đấu trường lớn hơn: “Năm 2012, Tùng tham gia Paralympic Lodon. Năm đó thể thao NKT cũng không được tài trợ gì nhiều, cũng không hiểu về vấn đề dinh dưỡng trong tập luyện và thi đấu. Lúc đấy cũng quyết tâm để có được huy chương, nỗ lực tập gấp đôi, gấp ba nên vai bị sưng, dây chằng bị chấn thương. Tới đó thì bác sĩ bên Anh nói không thể thi đấu được, về điều trị. Năm 2012 khó khăn cực kỳ lớn. Lúc đó cũng tính nghỉ thi đấu rồi vì khi xuống bơi rất đau nhưng khi mình suy nghĩ lại, mình đã phấn đấu được thi đấu tới giải đó rồi thì tại sao mình lại bỏ cuộc. Lúc đó cũng dành dụm được tiền thưởng từ những năm trước, Tùng tự bỏ tiền túi ra điều trị ở các bệnh viện phục hồi chức năng”. Thanh Tùng chia sẻ.

Kiên trì chữa trị, tập luyện, tới gần 2 năm sau, chấn thương của Tùng mới hồi phục hoàn toàn và anh lại tiếp tục hành trình chinh phục những tấm huy chương châu lục và thế giới. Năm 2016, anh đã làm nức lòng người hâm mộ cả nước khi giành được tấm HCB tại Paralympic Rio (Brazil). “VĐV bơi lội khuyết tật mình trước năm 2016 đi quốc tế, các VĐV đẳng cấp ít khi nào họ chào hỏi mình tại vì người ta nhìn mình người ta nói mình nghèo. Cái quần bơi họ mặc lên mười mấy triệu, mình mặc cái quần hơn 300 ngàn. Người ta thi đấu chuyên nghiệp rồi, bước ra thi đấu người ta khoác lên bộ đồ là mình thua rồi. Nhưng từ khi mình được HCB năm 2016 là họ khác. Đi thi đấu quốc tế là bạn bè tới mình liền. Nhiều khi người ta nói: trời ơi, ở đây người ta tập là có HLV riêng, có bác sĩ đi theo, có hỗ trợ mát xa phục hồi, còn bay tập gì đâu mà phóng xuống rồi đùng đùng lên, tự thả lỏng cơ thể, tự phục vụ mình dù là người khuyết tật. Nói chung bạn bè VĐV người ta nể vì mình có nghị lực lớn hơn họ, khao khát chiến thắng lớn hơn họ”. Khó khăn là vậy, thiệt thòi là vậy nhưng Thanh Tùng luôn tự hào mỗi khi lá cờ Việt Nam được kéo lên ở các đấu trường quốc tế, bởi đó chính là minh chứng cho sự mạnh mẽ và nghị lực của bản thân mình cũng như nhiều VĐV khuyết tật khác của Việt Nam.

Ở tuổi 36, Võ Thanh Tùng đã có hơn chục năm gắn bó với đường đua xanh, lập nên bảng thành tích đồ sộ. Với ý chí phấn đầu không ngừng, Võ Thanh Tùng tiếp tục là cái tên sáng giá của thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic Tokyo 2020. Dù gặp nhiều khó khăn trong 2 năm biến động vì Covid-19 nhưng kình ngư người An Giang vẫn quyết tâm tạo nên dấu ấn ở kỳ thế vận hội đặc biệt này.