Nước Anh, dù tự hào là quê hương bóng đá nhưng lại có quá ít cơ hội để ăn mừng. Cho đến nay, chức vô địch World Cup 1966 vẫn là chiến tích lừng lẫy duy nhất mà Tam sư giành được. 55 năm trôi qua kể từ đó, họ mỏi mòn chờ đợi một lần nữa lên ngôi. Và khi hy vọng chuyển thành nỗi thất vọng kéo dài, lọt vào bán kết đã được coi là chiến tích lớn. Nhiều người cho rằng nước Anh quá ngạo mạn khi hát “Bóng đá đang trở về nhà”, song không phải. Bài hát này giống như một lời than thở, một bản thánh ca gửi gắm niềm tin hơn là tuyên bố cao ngạo.

Giờ thì có vẻ “bóng đá đang trở về nhà” thật. Ít nhất nó cũng đã tới ngưỡng cửa. Tam sư đã vào đến chung kết, lần đầu tiên sau 55 năm chỉ nhận lấy đau thương ở các giải đấu lớn. Những giọt nước mắt đã ngừng rơi, sau khi đã rơi quá nhiều, đến mức trở thành một phần của bóng đá Anh.

Paul Gascoigne đã khóc ở World Cup 1990, David Beckham rơi lệ tại World Cup 1998, World Cup 2006 là Frank Lampard và 2018 với Harrry Kane. Ngay cả Southgate cũng khóc, ở bán kết Euro 1996 sau khi đá hỏng quả phạt đền trong loạt luân lưu. Tiến sĩ Thomas Dixon, trong một cuốn sách, viết rằng nước mắt là đặc trưng của dân tộc Anh. Sau khi vượt qua Đan Mạch để tiến vào trận đấu cuối cùng HLV Southgate của tuyển Anh nói. "Điều hài lòng nhất là chúng tôi đã mang đến cho người hâm mộ và đất nước Anh một đêm tuyệt vời khác và cuộc hành trình của tuyển Anh còn kéo dài thêm 4 ngày nữa. Về mặt đội bóng, để vượt qua đêm nay, chúng tôi đã phải chịu đựng rất nhiều nhất là ở bán kết World Cup 2018 tại Moscow. Chúng tôi đã cố gắng làm đúng. Tôi tự hào về các cầu thủ của mình và đây là cơ hội tuyệt vời để trở thành một phần của đội bóng. Những hâm mộ đã trải qua suốt một đêm không thể tin được. Tôi biết rằng chúng tôi sẽ không thể tiến lên phía trước nếu không có họ”.

Đã đến lúc lịch sử thay đổi. Người Anh đã trưởng thành từ thất bại, biến nước mắt thành hành động và dần biết cách để giành chiến thắng. 120 phút trước Đan Mạch là minh chứng. Lần đầu tiên bị dẫn trước tại Euro 2020 nhưng Tam sư đã băng qua áp lực và đáp trả bằng hai bàn thắng. Việc Kane lao đến và đá bồi sau khi cú sút đầu tiên trên chấm phạt đền bị Kasper Schmeichel cản lại là một hình ảnh thu nhỏ khác. Họ có thể sai lầm, nhưng sẽ đứng dậy ngay sau đó để thực hiện cuộc phản kích.

Điềm tĩnh và nhẫn nại, không nản lòng trước nghịch cảnh, tuyển Anh hiện tại khác xa thế hệ trước đây. Họ cũng có thừa sự khôn ngoan để sẵn sàng chơi thực dụng khi cần, như trong khoảng thời gian cuối hiệp phụ hai. Trên hết, đội tuyển Anh này thật sự chiến đấu cùng nhau với sự ngoan cường và ý chí mạnh mẽ. Họ là một tập thể đúng nghĩa, không phải tập hợp rời rạc của các ngôi sao như quá khứ. HLV Southgate đã rất tự hào về màn trình diễn của các học trò. "Tôi rất tự hào về các cầu thủ. Thật tuyệt vời khi là một phần của lịch sử cùng họ. Chúng tôi đã lường trước rằng trận đấu với Đan Mạch sẽ không hề đơn giản. Chúng tôi đã nói với các cầu thủ rằng họ phải thể hiện sự kiên cường và chúng tôi đã làm được điều đó."

Tuyển Anh có thể chơi không thực sự thuyết phục, thực tế từ vòng bảng tới giờ, họ không quá vượt trội so với đối thủ. Nhưng quan trọng họ biết cách vượt qua từng trận đấu với từng đối thủ cụ thể. 10 năm trước, tuyển Anh là tập hợp nhiều cầu thủ xuất sắc, được xem là tốt hơn nhiều so với hiện tại. Mọi vị trí trên sân đều xuất hiện những cầu thủ chất lượng hàng đầu, nhưng họ liên tiếp thất bại. Cứ mỗi kỳ Euro hay World Cup đến, đội tuyển Anh lại là tâm điểm của sự chú ý. Những ngôi sao đắt giá, những “thần đồng” cứ thế được ra mắt rồi thất bại, cùng với sự lụi tàn theo năm tháng dưới áp lực, chỉ trích của người hâm mộ.

Bước vào EURO 2020 vẫn với dàn cầu thủ đắt giá nhất, được người hâm mộ nước nhà kỳ vọng nhất... Nhưng lần này, “Tam sư” đã không ở... trên mây. Họ có tài năng thực sự, có khát khao chiến thắng mãnh liệt, tinh thần thi đấu không bỏ cuộc cùng chiến thuật hợp lý của HLV G.Southgate. Chiến thắng trước tuyển Đức là một ví dụ. Để giành chiến thắng họ sẵn sàng trở thành một đội bóng xù xì, không cần đá đẹp, không cần tràn lên tấn công nhiều mà chỉ ru đối thủ rồi chờ thời cơ tung ra cú đấm quyết định bằng bản lĩnh của dàn cầu thủ dày dạn trận mạc của mình. Cựu tiền đạo Alan Shearer đánh giá. "Những gì xảy ra bạn đã thấy rồi đấy. Đội tuyển Anh đã đánh bại Đức và chúng tôi đã chiến thắng hết sức ấn tượng. Bạn không thể đòi hỏi gì hơn thế… lối đá tấn công hoa mỹ ư, chả là gì nếu không giành được chiến thắng. Người hâm mộ ở ngay sau lưng các cầu thủ. Đây thật sự là thời điểm của đội tuyển Anh. Anh sẽ không bao giờ có cơ hội nào tốt hơn lúc này để vô địch châu Âu."

Cùng chung nhận định HLV Kasper Hjulmand của Đan Mạch chia sẻ: "Tôi đã theo dõi Gareth dẫn dắt tuyển Anh nhiều năm liền tính đến hiện tại. Cách ông ấy làm việc cùng các cầu thủ trẻ, tham gia, hành xử, tương tác bằng các giá trị của bản thân thật xuất chúng. Vì vậy chúc mừng ông, Gareth. Tôi nghĩ ông đã làm việc tuyệt vời trong 1 công việc khó khăn. Ông ấy đã biến các tài năng trẻ của tuyển Anh thành một tập thể đoàn kết, mạnh mẽ, lỳ lợm và đầy bản lĩnh.

Tuyển Anh chịu tai tiếng về cú ngã của Stering, nhưng cầu thủ Italia cũng từng bị chỉ trích ở giải này. Điển hình là trận tứ kết với Bỉ, khi Ciro Immobile lăn lộn trong vòng cấm sau pha va chạm với Jan Vertonghen. Đồng đội của anh, Nicolo Barella tranh thủ cơ hội đột phá vào vòng cấm sút chéo góc mở tỷ số. Immobile sau đó bật dậy ăn mừng như chưa hề có gì xảy ra. Và trong lịch sử bóng đá, không thiếu những bàn thắng gây tranh cãi như vậy, trong đó nổi tiếng nhất là “bàn tay của chúa” của huyền thoại Maradona.

Ngày 12/7 tới, đội quân của Southgate sẽ bước vào trận chung kết mà xứ sương mù đã mơ ước suốt nửa thế kỷ. Đối thủ của họ là Italia, những người từng bốn lần vô địch thế giới và đang chơi thứ bóng đá hấp dẫn bậc nhất. Đó sẽ là một đêm vô cùng khó khăn, với lời nhắc nhở từ lịch sử rằng Anh đã không đánh bại Italia trong bảy lần đối đầu gần nhất tại World Cup và Euro.

Tuy nhiên, với sức mạnh cùng bản lĩnh đã được trui rèn, có nhiều cơ sở để tin Anh sẽ không còn mang tới thất vọng. Những giọt nước mắt, sự bi thương và bóng ma thất bại… tất cả cần phải kết thúc để Tam sư bước vào thời đại mới, khi “bóng đá về nhà”.