Trận derby Đông Java giữa Arema FC vs Persebaya Surabaya tại giải VĐQG Indonesia đã kết thúc bằng thảm kịch khiến ít nhất 125 người thiệt mạng. Sân vận động Kanjuruhan chìm trong khói lửa sau vụ bạo loạn do các cổ động viên Arema FC gây ra sau khi đội chủ nhà thua cuộc với tỷ số 2-3.

Theo mô tả của PSSI, hàng nghìn cổ động viên Arema FC đã tràn xuống sân vì tức giận sau thất bại. Trong nỗ lực khống chế bạo loạn, cảnh sát Indonesia sử dụng súng bắn hơi cay khiến mọi chuyện trở nên tệ hại hơn. Đám đông tháo chạy khỏi sân, giẫm đạp lên nhau khiến nhiều người thương vong. Trong khi đó, những kẻ quá khích vẫn đốt xe, đập phá sân vận động.

Ngay sau khi biết tin về thảm kịch tại Kanjuruha, chủ tịch PSSI Mochamad Iriawan đã lên tiếng xin lỗi, chia buồn đến gia đình các nạn nhân. Ông cho biết: “PSSI lấy làm tiếc về hành động của cổ động viên Arema tại sân vận động Kanjuruhan. Chúng tôi rất tiếc và gửi lời xin lỗi tới gia đình các nạn nhân và tất cả các bên vì sự cố đau buồn này. Chúng tôi cũng lập tức thành lập tổ điều tra gửi đến Malang ngay trong đêm. Thảm kịch này làm hoen ố bộ mặt của bóng đá Indonesia”.

Trong khi đó, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino khẳng định sự cố tại Indonesia là bi kịch "không thể hiểu nổi". Ông khẳng định: "Đây là một ngày đen tối cho tất cả những ai làm bóng đá và là một bi kịch không thể hiểu nổi. Tôi gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình và bạn bè của những nạn nhân đã thiệt mạng sau vụ việc thương tâm này".

Để xảy ra thảm kịch này, chắc chắn Liên đoàn bóng đá Indonesia sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề khi FIFA đưa ra án phạt.

Thống kê của trang Football-Stadiums: trước vụ hỗn loạn ở Indonesia, thế giới bóng đá từng chứng kiến 20 thảm họa khiến nhiều người chết ở các sân bóng, với con số thiệt mạng lên đến hơn 1.300 người. Sự hung hãn của người hâm mộ thường được lấy làm lý do của những vụ việc này thế nhưng có một thực tế rằng khi thảm kịch xảy ra, chúng thường không bắt nguồn từ xu hướng bạo lực của người hâm mộ, mà là sự hạn chế trong công tác kiểm soát đám đông và đảm bảo an ninh.

Trong đó, thảm họa kinh hoàng nhất, năng nề nhất trong lịch sử bóng đá phải kể đến vụ việc có đến 328 người chết, 500 người bị thương do cuộc bạo loạn của khán giả trong trận đấu tranh vé dự Olympic giữa đội tuyển Argentina và đội tuyển Peru ngày 24/5/1964. Khi trận đấu chỉ còn 6 phút và Argentina đang dẫn trước 1-0, Peru ghi bàn nhưng không được trọng tài công nhận, các cổ động viên chủ nhà tức giận ùa vào sân. Để ngăn cản cổ động viên làm loạn, cảnh sát đã bắn hơi cay vào đám đông và gây ra tình trạng hoảng loạn. Thương vong xảy ra khi các cánh cổng bao quanh sân vận động Estadio Nacional (sức chứa 53.000 người) đổ sập.

Thảm họa sân Dasharath đã xảy ra vào ngày 12/3/1988 ở Kathmandu, thủ đô Nepal trong trận đấu giữa chủ nhà Janakpur và Liberation Army của Bangladesh. Mọi thứ không có gì đáng nói cho đến khi một cơn mưa đá lớn trút xuống sân, khiến hàng ngàn người giẫm đạp lên nhau để tìm lối ra. Tuy nhiên thời điểm đó cửa sân bóng bị khóa, đám đông không thể thoát ra ngoài, gây ra một vụ giẫm đạp làm 93 người đã thiệt mạng và 100 người khác bị thương.

Mới nhất là vụ việc tại chung kết Champion League, trận đấu được mong đợi nhất bóng đá châu Âu cấp CLB, giữa hai CLB Liverpool và Real Madrid ở Paris vào tháng 5.

Bên ngoài sân vận động Stade de France, nhân viên an ninh Pháp đã bắn hơi cay vào đám đông cổ động viên - phần đông là của CLB Liverpool - đang xếp hàng dài để được vào trong. Ban tổ chức nói rằng những cổ động viên dùng vé giả để cố vào trận đấu. Dù vậy, các báo cáo cho rằng những cổ động viên này dùng vé hợp lệ, nhưng bị mắc kẹt hàng giờ do ít lối vào và thiếu nhân viên kiểm tra. Thượng nghị sĩ Laurent Lafon của Thượng viện Pháp sau đó cũng phải lên tiếng: “Với chúng tôi, rõ ràng không phải vì người hâm mộ Liverpool đến xem đội bóng mà mọi thứ trở nên tồi tệ. Chính việc phối hợp kém và nhiều sai sót của ban tổ chức đã gây ra hỗn loạn.”

Nước Anh được coi là khởi nguồn của bóng đá cũng là nơi khai sinh ra khái niệm "hooligan" (CĐV quá khích). Trong lịch sử bóng đá anh cũng từng xảy ra rất nhiều những vụ bạo loạn dẫn đến nhưng thảm hoạ thương tâm, nhưng hooligan không phải là nguyên nhân duy nhất. Những cuộc điều tra sau đó cho thấy chất lượng xây dựng tồi, khả năng ứng phó kém cỏi của cảnh sát mới là nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa. Đích thân thủ tướng Anh khi đó là ông David Cameron cũng đã lên tiếng xin lỗi gia đình các nạn nhân và minh oan cho cộng đồng người hâm mộ. Từ năm 2012 đến nay số hooligan ở Anh không thuyên giảm. Tuy vậy, sự quản lý chặt chẽ của giới an ninh khiến những cuộc bạo động, xô xát của các CĐV đôi lúc còn xảy ra nhưng luôn có giới hạn chừng mực.

Bản thân bóng đá Anh cũng đã trải qua những cuộc cách mạng vĩ đại. Tiêu chuẩn về các sân vận động được xem xét kỹ lưỡng, tình trạng đảm bảo an ninh ngày càng được thắt chặt và văn minh trên sân bóng ngày càng được nâng cao.

Bóng đá châu Âu nói chung và Anh nói riêng giờ đây trở thành tiêu chuẩn cho cả thế giới. Bài học nhìn nhận trách nhiệm và sửa sai của người Anh là điều mà các nền bóng đá trên thế giới phải học hỏi và áp dụng để phù hợp khả năng thực tế của mỗi quốc gia./.