Doping không đơn thuần là chuyện của riêng thể thao

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị Ban Thường vụ Ủy ban Olympic Việt Nam, diễn ra vào cuối tháng 11 năm 2020. Bài học bê bối Doping kéo dài vừa xảy ra cuối năm 2020, với việc thể thao Nga bị Tòa Trọng tài Thể thao CAS cấm tham dự Thế vận hội, Đại hội Thể thao Người Khuyết tật Tokyo 2021, cũng như giải bóng đá vô địch thế giới World Cup Qatar 2022.

Còn tại nước ta, cuối năm 2019, hai VĐV cử tạ Trịnh Văn Vinh và Nguyễn Thị Phương Thanh bị phát hiện Doping. Đúng một năm sau, đến lượt hai đô cử được xếp vào diện tài năng là Nguyễn Thị Thu Trang và Bùi Đình Sáng, từng giành HCV ở giải trẻ thế giới, bị phát hiện dùng doping và nhận án cấm thi đấu bốn năm từ Liên đoàn Cử tạ quốc tế IWF, không dừng ở đó đội tuyển cử tạ Việt Nam còn nơm nớp với nỗi lo bị “tước quyền” tham dự Olympic Tokyo. Lúc này, đô cử Thạch Kim Tuấn (xếp hạng năm vòng loại Olympic của hạng 61kg nam) và Hoàng Thị Duyên (xếp hạng 7 vòng loại Olympic hạng 59kg nữ) gần như đã chắc suất đến Tokyo. Nhưng nếu án phạt được đưa ra, thể thao Việt Nam chắc chắn sẽ mất đi hai tấm vé đến Olympic Nhật Bản 2020.

Trong vòng 17 năm trở lại đây đã có đến 16 VĐV bị phát hiện sử dụng chất cấm, cả do cố tình lẫn vô ý. Doping giờ đây đã trở thành bài toán khó đối với những người làm thể thao Việt Nam. Bởi vậy, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã tuyên bố và cảnh báo rằng, nếu tiếp tục để xảy ra những vụ việc kéo dài như ở môn cử tạ, uy tín của thể thao Việt Nam sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Thể thao Việt Nam cần hành động ngay, phải tuyên chiến với doping”.

Những tấm vé đến Olympic Tokyo 2020?

Trong quá khứ, thể thao nước ta từng tham dự Olympic Rio 2016 với 23 VĐV ở 10 môn, đó cũng là kỳ Olympic thành công vang dội với một HCV, một HCB của Hoàng Xuân Vinh. Nhưng hiện tại, chúng ta mới có năm tuyển thủ giành vé đến Olympic Tokyo, cộng với án phạt lơ lửng với đội tuyển cử tạ, rõ ràng là việc giành thêm khoảng 15 suất chính thức nữa trong vòng nửa năm, là một thách thức không nhỏ. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng rất lớn đến các sự kiện thể thao trong nước và quốc tế. Một loạt các giải đấu quốc tế (vòng loại Olympic) bị hoãn và chưa biết khi nào sẽ thi đấu trở lại. Điều này đã ảnh hưởng tới lộ trình, cũng như mục tiêu của thể thao Việt Nam. Cùng với đó, kế hoạch tập huấn nước ngoài và thi đấu vòng loại của các vận động viên trọng điểm đều bị dừng lại. Năm 2020, chỉ duy nhất có một kế hoạch được triển khai được đó là tập huấn cho các đội tuyển trẻ tại các Trung tâm huấn luyện Thể thao quốc gia.

Tại Olympic này, Điền kinh Việt Nam nhắm tới việc lấy chuẩn Olympic ở các nội dung: 400m, 400m rào của nữ, tiếp sức hỗn hợp 4x400m với những niềm hy vọng là Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan. Với môn Rowing, kỳ Olympic trước dù có hai VĐV được thi đấu nhưng năm nay, đội tuyển Rowing phải cắt ngắn quá trình tập huấn tại Australia nên quá trình tập luyện của các VĐV bị ảnh hưởng đáng kể. Đấu kiếm cũng có hai gương mặt kỳ cựu là Vũ Thành An và Đỗ Thị Anh cũng chỉ luyện tập trong nước mà không có cơ hội cọ sát và thi đấu quốc tế.

Cũng như các môn thế mạnh khác, dịch COVID-19 đã khiến Liên đoàn Cầu lông thế giới (BWF) điều chỉnh phương án chọn các tay vợt tham dự Olympic Tokyo vào năm 2021. Theo cách tính của Liên đoàn Cầu lông thế giới, việc lựa chọn các tay vợt dự Olympic tới và xếp hạt giống ở môn cầu lông sẽ dựa vào bảng xếp hạng "Đường tới Tokyo", sẽ chốt ngày 18/5/2021 để làm cơ sở chọn hạt giống cũng như những tay vợt dự Olympic. Các tay vợt Việt Nam có khả năng giành vé dự Olympic 2020 như Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang, Nguyễn Thùy Linh đều phải có một chiến lược mới là tham dự những giải đấu cấp độ vừa phải để dễ tích lũy điểm. Rõ ràng, hành trình giành vé dự Olympic tới của các tay vợt Việt Nam sẽ không hề dễ dàng và khả năng không giành vé cũng đang hiển hiện.

FIFA hủy U20 World Cup 2021 – tiếc cho “Phù thủy trắng” và các học trò

Mới đây, Liên đoàn Bóng đá thế giới quyết định hủy Giải U20 World Cup diễn ra vào năm 2021. Với quyết định này, nhiều cầu thủ trẻ mất đi một sân chơi chất lượng. Kéo theo đó, số phận của Giải U19 châu Á bị đặt dấu hỏi, do không còn mang sứ mệnh xác định các anh tài dự U20 World Cup.

Đội U19 Việt Nam, đã nhận được sự đầu tư và kỳ vọng rất lớn, được dẫn dắt bởi HLV người Pháp Philippe Troussier đã có sự chuẩn bị kỳ công cho Giải U19 châu Á, với giấc mơ dự U20 World Cup, tuy nhiên thế hệ cầu thủ này phải gác lại mong ước đó. Tuy nhiên, Lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng khẳng định, U20 World Cup 2021 bị hủy không khiến cho sự quan tâm của VFF với lứa cầu thủ này giảm đi, bởi đây vẫn là lực lượng nòng cốt cho mục tiêu giành vé tới World Cup 2026. Đồng thời ngay từ bây giờ, một kế hoạch mới cho lứa U17 hiện tại cũng được xây dựng để hướng tới U20 World Cup 2023.