“Rất là lâu rồi, từ khi đại dịch Covid 19 xuất hiện cho đến nay thì đây là giải đấu đầu tiên, đợt xuất ngoại đầu tiên của em, rất lâu rồi” - chia sẻ giản dị của “kỷ lục gia” Nguyễn Thị Oanh về cảm xúc khi được tranh tài ở giải Điền kinh trong nhà châu Á 2023, vừa diễn ra ở Astana (Kazakhstan), đã lột tả niềm mong mỏi lớn nhất của mỗi VĐV. Và trong tâm trạng đầy phấn khích khi được xuất ngoại, VĐV tiêu biểu toàn quốc 2022 đã xuất sắc giành HCV trên đường chạy 1.500m nữ, thiết lập thêm một dấu son nữa cho điền kinh nước ta tại đấu trường cấp châu lục, bởi trước đó chỉ có Trương Thanh Hằng (vô địch nội dung 800m, năm 2010) và Bùi Thị Thu Thảo (vô địch nhảy xa, năm 2018). Cũng tại Kazakhstan vừa qua, Nguyễn Thị Huyền giành HCB nội dung 400m nữ, còn hai chân chạy nam Nguyễn Trung Cường, Lương Đức Phước có thêm trải nhiệm quý giá với các đối thủ hàng đầu châu Á.

Tổng cục Thể dục Thể thao cũng đã chốt danh sách đăng ký tham dự môn điền kinh SEA Games 32, gồm 19 HLV và 60 VĐV. Danh sách lần này có khá nhiều thay đổi so với kỳ Đại hội trước, Nguyễn Văn Lai, Trần Văn Đảng, Khuất Phương Anh, Quách Thị Lan, Hoàng Thị Ngọc Hoa đều vắng mặt, thay vào đó là sự trở lại của Lê Tú Chinh, Nguyễn Trung Cường, còn lại là những cái tên quen thuộc: Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng, Bùi Thị Thu Thảo, Quách Công Lịch, Trần Nhật Hoàng, Trần Đình Sơn, Nguyễn Tiến Trọng, Hoàng Nguyên Thanh... Kết thúc SEA Games 31, điền kinh Việt Nam tiếp tục giữ ngôi vị số 1 với hơn 20 HCV, song giới chuyên môn đánh giá SEA Games 32 sẽ có rất nhiều khó khăn, trước hết là việc đội tuyển hiện chỉ có kế hoạch tập huấn trong nước.

Nhìn sang đội tuyển Taewondo, 16 võ sỹ tốt nhất của nội dung đối kháng đang miệt mài tập huấn tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội. Trong số này, gương mặt số 1 Trương Thị Kim Tuyền vẫn được tạo điều kiện tốt nhất để tham dự các giải quốc tế trong năm 2023, nhằm tăng cường chuyên môn cũng như tích điểm cho nhiệm vụ giành vé dự Olympic Paris 2024. Ngoài ra, thầy trò HLV Vũ Anh Tuấn cũng đang rất hứng khởi bởi trong 2 tháng sắp tới họ sẽ có những chuyến đi đáng chờ đợi, tập huấn tại Hàn Quốc, rồi sang Philippines dự giải Vô địch Đông Nam Á.

“Đợt tập huấn này thì chúng tôi cũng để cho các em có sự va chạm với những VĐV hàng đầu của Hàn Quốc, cho các em tích lũy được thể lực và chuyên môn để thi đấu giải Đông Nam Á và SEA Games. Chúng tôi cũng phải cân đối đội hình thi đấu, một số VĐV lớn tuổi đã nghỉ, đợt này một số VĐV trẻ mới lên sẽ tham dự” - HLV Vũ Anh Tuấn cho biết.

Mới đây, Tổng cục TDTT cũng công bố quyết định triệu tập đội tuyển cờ tướng với thành phần 4 HLV, 13 VĐV, tập trung trong vòng 8 tháng để sẵn sàng làm nhiệm vụ quốc tế. Trong tâm trạng háo hức khi môn thể thao trí tuệ này sắp có lần thứ hai liên tiếp góp mặt ở SEA Games, đồng thời còn được đưa vào thi đấu chính thức tại Á vận hội 2023, HLV Võ Minh Nhất cho biết đội tuyển cờ tướng Việt Nam đề xuất đi Trung Quốc tập huấn từ 1 đến 2 tháng, điểm đến chính là Hàng Châu, Trung Quốc, nơi thi đấu ASIAD.

Tương tự, đội tuyển Bóng bàn Việt Nam cũng đã tập trung 19 tuyển thủ xuất sắc và tất cả đang tích cực tập luyện tại Hà Nội. Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cũng đã xây dựng kế hoạch đưa đội tuyển quốc gia sang tập huấn ở Trung Quốc 1 tháng, dự kiến vào trung tuần tháng 3 tới đây sẽ lên đường… Hầu hết các đội tuyển đã chốt danh sách, các chuyến tập huấn quốc tế cũng đã định hình, công tác chuẩn bị được triển khai khẩn trương, nghiêm túc, để các VĐV có được điểm rơi phong độ tốt nhất tại SEA Games 32.

“Chúng ta phải quyết tâm phấn đấu với những cái mà chúng ta đang có, nếu mà đạt 90-120 HCV thì chúng ta sẽ giữ vững vị trí trong top 3 các quốc gia tham dự SEA Games 32” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn nêu rõ.

Hội nghị trưởng đoàn SEA Games 32 vào ngày 5/3 tới đây sẽ ấn định lịch thi đấu, điều lệ từng môn và các môn thi đấu chính thức tại Đại hội. Nước chủ nhà sẽ tổ chức lễ thắp ngọn đuốc SEA Games vào ngày 21/3 tại tỉnh Siem Reap, ngọn đuốc sau đó sẽ đến Phnôm Pênh trước ngày 5/5, ngày khai mạc Đại hội. Còn thời điểm này, các nhà quản lý của ngành TDTT đang có chuyến thị sát quá trình tập luyện của các VĐV tại 4 Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia: Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hà Nội.

“Chuẩn bị lực lượng vẫn là khâu then chốt và có tinh quyết định đến việc đạt thành tích của các VĐV. Vấn đề thứ hai là chúng ta phỉ tạo cơ hội cho họ giải tỏa được việc phải đi thi đấu, tập huấn không thì chưa đủ, mà phải đi thi đấu. Việc thứ ba, để đạt được thành tích cao thì các VĐV còn phải rèn luyện ý chí và nghị lực. Và tôi nghĩ rằng, với số lượng môn thi đấu, nội dung thi đấu của SEA Games 32 tại Campuchia thì Việt Nam có thể ở trong top 3, không vấn đề gì. Còn để chuẩn bị cho ASIAD, các môn thể thao không thi đấu ở SEA Games thì sẽ chuyên biệt chuẩn bị ngay cho ASIAD” - ông Trần Đức Phấn khẳng định việc chuẩn bị cho kỳ đại hội trên đất Campuchia cũng được thực hiện liên thông với ASIAD 2023 và vòng loại Olympic Paris 2024.