Tại Trung tâm báo chí được Ban tổ chức bố trí các khu vực dành cho phóng viên viết và phóng viên ảnh, phòng họp báo được bố trí 40 bàn và 40 laptop kết nối internet, hệ thống tai nghe phiên dịch 6 kênh. Tại Trung tâm báo chí còn được bố trí 6 màn hình nhỏ và 2 màn hình lớn xung quanh truyền hình trực tiếp các môn thi đấu, các nút mạng internet tốc độ cao kết nối máy tính của phóng viên, hệ thống phát sóng wifi, 5G cũng được triển khai đồng bộ, hiện đại để đảm bảo điều kiện cho phóng viên báo chí trong công tác truyền thông đưa tin về Đại hội nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Trung tâm truyền hình quốc tế là nơi sản xuất trực tiếp các chương trình trong khuôn khổ SEA Games 31 do Đài truyền hình Việt Nam điều phối và được sự hỗ trợ của các quốc gia tham dự SEA Games cũng như truyền hình quốc tế được chia thành các gian booth truyền hình nhỏ, mỗi gian có diện tích khoảng 55m2, là khu vực làm việc của các hãng truyền hình trong và ngoài nước. Trong đó có bố trí các gian tổng điều phối, sản xuất, trường quay, phòng điều hành, gian cho các hãng truyền hình đến từ Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Philippines...

Ngoài ra, khu vực giải lao, nghỉ giữa giờ, phòng ăn cho phóng viên báo chí được bố trí độc lập, có lối vào ra riêng biệt theo yêu cầu đảm bảo an ninh an toàn. Lực lượng nhân viên và kỹ thuật viên hướng dẫn có mặt 24/24 giờ tại quầy tiếp nhận và hỗ trợ thông tin kịp thời cho các phóng viên báo chí khi có yêu cầu.

Phía Trung tâm Hội nghị quốc gia cho biết công tác an ninh an toàn, phòng chống cháy nổ cũng được đảm bảo tuyệt đối cho kỳ SEA Games 31. Tất cả các lực lượng ra vào tòa nhà Trung tâm đều phải có thẻ do Ban tổ chức cấp, kiểm soát qua 2 lớp cửa an ninh đối với người và tài sản.

Đây không chỉ là nơi tiếp đón, hướng dẫn, cung cấp các thông tin và dịch vụ cần thiết cho các phóng viên tác nghiệp, mà hơn thế, còn được xem là “mái nhà chung” của các phóng viên trong suốt tiến trình tham dự SEA Games 31.