Điện Biên là vùng đất không chỉ có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đời sống văn hóa các dân tộc rất đặc sắc, mà trong những thăng trầm lịch sử của đất nước, con người và vùng đất này đã có nhiều đóng góp to lớn, góp phần quan trọng vào việc dẹp yên giặc xâm lược, mở mang bờ cõi, gìn giữ biên cương của đất nước. Trong đó, người anh hùng áo vải – Tướng quân Hoàng Công Chất được xem là biểu tượng, là niềm tin cho tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, yêu nước, chống giặc ngoại xâm ở thế kỷ 18.
Tướng quân Hoàng Công Chất tên thật là Hoàng Công Thư, sinh năm 1706, xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở người làng Hòa Xá, huyện Thư Trì, trấn Nam Sơn Hạ, nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Ông là một lãnh tụ nông dân kiệt xuất, dựng cờ khởi nghĩa chống lại triều đình mục ruỗng thời Lê – Trịnh để cứu giúp dân nghèo, bảo quốc an dân, diệt cường hào ác bá, lấy của giàu chia cho dân nghèo.
Tại vùng đất Mường Thanh, Điện Biên, tướng quân Hoàng Công Chất đã phối hợp với quân của thủ lĩnh người Thái là tướng Ngải, tướng Khanh cùng nhau chống lại giặc Phẻ, mang lại cuộc sống thái bình, an cư lạc nghiệp cho người dân, bảo vệ giang sơn gấm vóc, thái bình muôn thuở.
Nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 8km, di tích Thành Bản Phủ, thuộc xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, được xây dựng cách ngày nay hơn 200 năm. Đây là nơi ghi dấu các hoạt động nổi bật nhất của người anh hùng áo vải Hoàng Công Chất.
Lịch sử ghi lại rằng, vào những năm đầu của thế kỷ 18 xuất hiện giặc Phẻ rất mạnh và vô cùng tàn ác, từ phương Bắc tràn xuống vùng Mường Thanh, cướp phá, giết hại dân lành.
"Giặc Phẻ, là một bộ phận giặc từ phía Vân Nam, Trung Quốc và phía Thượng Lào tràn sang. Chúng đi đến đâu là gieo sầu cho nhân dân đến đấy cho nên nhân dân rất là khổ cực, nhiều người sợ hãi phải bỏ trốn sang các nơi khác để sinh sống..." - ông Đoàn Văn Ngọc, Thủ nhang Đền Hoàng Công Chất cho biết.
Giữa lúc đó có hai người đứng lên mưu tính đánh đuổi giặc Phẻ để cứu dân cứu Mường. Đó chính là ông Lò Ngải và Lò Khanh, hai thủ lĩnh người Thái đã tập hợp, lãnh đạo nhân dân các dân tộc ở Mường Thanh chống giặc, song lực còn yếu nên nghĩa quân đã chịu nhiều tổn thất, phải rút lên vùng núi cao bảo toàn lực lượng.
Vào năm 1751, nghe tin có ông tướng người Miền xuôi lên, đang đóng quân ở thượng Lào (các tỉnh giáp biên với Điện Biên). Tướng Ngải cùng tướng Khanh đã sang gặp và liên kết với nghĩa quân của Hoàng Công Chất lãnh đạo nghĩa quân cùng nhân dân các dân tộc đoàn kết một lòng tiến đánh giặc Phẻ. Trải qua nhiều trận đánh ác liệt, với tinh thần đoàn kết một lòng, chiến đấu dũng cảm và mưu trí, tướng quân Hoàng Công Chất, tướng Ngải, tướng Khanh cùng nghĩa quân đã đánh tan lũ giặc, giải phóng hoàn toàn Mường Thanh.
"Xuấn thân là giặc cướp theo cách gọi của triều đình nhưng khi lên Hưng Hóa, lực lượng của Hoàng Công Chất đã cùng nhân dân địa phương đánh đuổi được giặc Phẻ, lập lại trật tự, bảo vệ bình yên cho vùng Tây Bắc trong nhiều năm. Chỉ riêng việc này thôi cũng khiến cho nhân dân các dân tộc thiểu số Hưng Hóa tin theo lực lượng của Hoàng Công Chất. Theo một số tư liệu thì Hoàng Công Chất đã mang lại đời sống công bằng, ấm no cho nhân dân ở khu vực cai quản..." - Tiến sỹ Lê Hiến Chương, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết.
Sau chiến thắng giặc Phẻ, năm 1758, Tướng quân Hoàng Công Chất quyết định cho xây dựng thành Bản Phủ, một thành luỹ vững chắc và kiên cố làm thủ phủ của nghĩa quân. Trong khoảng thời gian từ 1758-1762, nghĩa quân Hoàng Công Chất vừa xây dựng thành Bản Phủ vùa hoạt động ra khắp 10 châu của phủ An Tây, phía bắc đến tận vùng Vân Nam (Trung Quốc), phía nam đến tận Ninh Bình, Hoà Bình, Thanh Hoá.
Công lao to lớn nhất của Tướng quân Hoàng Công Chất trong thời gian ở Mường Thanh là giữ yên bờ cõi của Tổ quốc, tránh được nạn xâm lăng, đồng thời khống chế được những cuộc nhũng nhiễu, lấn đất, cướp bóc của bọn giặc cỏ...
Ngày nay, những dấu vết còn lại của Thành Bản Phủ vẫn còn có giá trị nhiều mặt về lịch sử, văn hóa, khoa học... Sau ngày giải phóng Điện Biên 1954, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư để trùng tu, phục hồi những công trình trong di tích để tri ân nghĩa quân, đồng thời đây cũng là điểm sáng trong lịch sử bảo vệ biên cương Tổ quốc của dân tộc ta.
Tuy cuộc khởi nghĩa của Tướng quân Hoàng Công Chất cuối cùng bị thất bại trước chúa Trịnh, nhưng đây là lần đầu tiên trong lịch sử đất nước bùng lên một phong trào nông dân rộng khắp, rầm rộ và kéo dài hàng chục năm. Tưởng nhớ công ơn của người anh hùng áo nâu Hoàng Công Chất và tướng Lò Ngải, Lò Khanh, nhân dân trong vùng đã xây đền, đúc tượng để tôn thờ và hàng năm mở hội cúng tế.
Những dấu tích của Di tích Thành Bản Phủ đã thể hiện tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Tướng quân Hoàng Công Chất, nhân dân các dân tộc nơi đây đã đoàn kết một lòng đánh đuổi kẻ thù chung ra khỏi bờ cõi của đất nước, cùng nhau xây dựng Bản, Mường ấm no, hạnh phúc.
Di tích còn là một trường học cách mạng lớn, là nơi tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ người Việt Nam về truyền thống anh hùng, sự hy sinh của đồng bào các dân tộc nơi đây cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam.