Ngày 14/12/2024, tại Hà Nội, NXB trẻ cùng gia đình tổ chức ra mắt cuốn sách "Bầu trời - Trường đại học của tôi", cuốn sách thứ 2 của Trung tướng, AHLLVTND Nguyễn Đức Soát, phi công tiêm kích huyền thoại của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam. Buổi ra mắt sách diễn ra trong không khí thân tình, ấm áp của những cái ôm, cái nắm tay thật chặt, trong tiếng cười hân hoan cùng những xúc cảm lan toả càng thấy những giá trị nhân văn sâu sắc trong cuộc đời của vị tướng đặc biệt Nguyễn Đức Soát.
Nếu như “Nhật ký phi công tiêm kích” với hơn 400 trang là cuốn nhật ký với những cảm xúc rất đời thường của một vị tướng, nơi chứa đựng tư liệu lịch sử giá trị về những trận tiêm kích với lấp lánh ẩn hiện nhiều câu chuyện tình yêu qua những câu thơ viết trong khoảng lặng giữa những đợt tấn công, phản công... thì cuốn sách “Bầu trời - Trường Đại học của tôi” lại là một “dáng vẻ” khác đi sâu vào câu chuyện “đời bay” một của phi công chiến đấu huyền thoại của Không quân Nhân dân Việt Nam, cùng với những mảnh ký ức sâu đậm, tràn đầy tình cảm về quê hương-gia đình-bạn bè.
Dày hơn 300 trang với 2 phần: Phần 1 mang tên “Đời bay” ghi lại những dấu ấn đáng nhớ, không chỉ gắn với cuộc đời của riêng ông, mà đó còn là những cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của không quân Việt Nam nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung: Những chiến dịch tập kích đường không của Mỹ ra miền Bắc, từ không chiến đến hòa giải, quá trình xuất kích bắn hạ máy bay địch, những câu chuyện từ những người phi công chiến đấu, quá trình làm chủ những chiếc máy bay huyền thoại như SU-27, bay cùng các phi công Do Thái…
Phần 2 mang tên “Quê hương và gia đình” là những trang viết đầy tình cảm về bạn bè, người thân, tuổi ấu thơ và những kỷ niệm ấm áp đã đi cùng ông trong suốt cuộc đời dù lúc trên trời hay dưới mặt đất. “Bầu trời - Trường Đại học của tôi” đã tái hiện ký ức sống động của một phi công huyền thoại, vừa là câu chuyện đời nghề, vừa là lời tri ân sâu sắc với đồng đội, quê hương và Tổ quốc.
Chia sẻ về cuốn sách, Đại tá, cựu phi công AHLLVTND Lê Thanh Đạo, nguyên Ủy viên BCHTW Đảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiếm sát Nhân dân Tối cao, người có rất nhiều điều “cùng” với Trung tướng, AHLLVTND Nguyễn Đức Soát (cùng học và chiến đấu bên nhau 9 năm, cùng bắn rơi 6 chiếc máy bay Mỹ, cùng được phong AHLLVTND một ngày) cho biết, dù là bạn thân thiết với nhau nhưng mới đầu ông cũng thắc mắc về tên cuốn sách. Nhưng sau khi đọc hết cuốn sách, ông đã hiểu được thâm ý của tác giả.
"Lính phi công chúng tôi thấm thía một điều, với những người lính ra trận ở mặt đất, có thể sẽ có người vuốt mắt, có người chôn cất mình khi chẳng may hy sinh trong lúc chiến đấu. Nhưng với người lính phi công thì thậm chí không thể có được điều cuối cùng đó. Vì thế bầu trời không chỉ là trường đại học mà còn là tất cả những gì thiêng liêng nhất của người lính phi công” – Anh hùng phi công Lê Thanh Đạo chia sẻ đầy xúc cảm.
Ông nhấn mạnh: “Cùng với tình cảm gắn bó với bầu trời, trong quyển sách này bạn đọc còn cảm nhận được tình cảm tha thiết của anh (Trung tướng Nguyễn Đức Soát) với quê hương và gia đình. Tình yêu và hạnh phúc anh có được trong cuộc sống luôn có sự gắn kết với công việc, với bầu trời. Và quê hương, gia đình đã luôn là điểm tựa để anh vươn lên. Quả thật, chính bầu trời đã là một trường đại học đặc biệt để Nguyễn Đức Soát có được điều kiện để mà trui rèn, phấn đấu, và anh xứng đáng là một sinh viên xuất sắc”.
Phát biểu tại buổi giao lưu, Thiếu tướng Phạm Anh Tuấn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, chia sẻ: “Cuốn sách khơi dậy động lực để thế hệ trẻ Việt Nam không ngừng học hỏi, lao động, sáng tạo để xây dựng quê hương đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, đối với Bộ đội Phòng không - Không quân, tác phẩm này là nguồn động lực lớn cho cán bộ, chiến sĩ tích cực học tập, nghiên cứu và làm chủ các loại khí tài hiện đại”.
Cuốn sách "Bầu trời - Trường đại học của tôi" ra mắt đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân… Không chỉ là cẩm nang mang ý nghĩa lý luận và thực tiễn, về tinh thần yêu quê hương đất nước, về phát huy sức mạnh đoàn kết trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cuốn sách cũng là tài liệu quý giá để Quân chủng Phòng không - Không quân nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn trong quá trình xây dựng, phát triển lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam là cơ sở để tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân chủng.
Còn theo nhà báo Dương Thành Truyền, nguyên Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, đại diện Nhà xuất bản Trẻ: “Khi đọc “Bầu trời- Trường Đại học của tôi” có lúc tôi tự hỏi đây là tự truyện chăng? Hay là giáo trình quân sự? Hay tài liệu lịch sử? Và tôi thấy cả 3 trong cuốn sách này. Sau khi gấp lại những trang sách, tôi có thể hình dung rõ ràng hành trình cuộc đời của một người lính, từ phi công học bay đến phi công chiến đấu, từ đại đội trưởng đến trung đoàn trưởng Không quân, từ Tư lệnh quân chủng đến Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội. Đó là con đường từ chiến đấu, chỉ huy đến lãnh đạo, không chỉ là những chiến công huy hoàng mà còn là hành trình học hỏi, rèn luyện không ngừng”.
Trong lời giới thiệu cuốn sách, nhà thơ Hữu Việt viết: “Kể câu chuyện của mình, nhưng Trung tướng Nguyễn Đức Soát “ẩn thân” tối đa, dành những trang viết hay nhất ngợi ca đồng đội, tri ân những người chỉ huy tài giỏi mà ông vô cùng khâm phục, bởi ông quan niệm rằng, chính họ là những người tác thành tình yêu bầu trời của ông được trọn vẹn. Sự khiêm nhường tinh tế ấy là phẩm chất quan trọng của người viết hồi ký, nó không hạ thấp cái-tôi tác-giả mà khiến cho người đọc nhìn nhận tác giả ở tầm cao hơn trong sự tin cậy tác phẩm.”
Về phần mình, Trung tướng, Anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát tự bạch: “Nhiều người cho rằng nghề nghiệp chỉ là một phần cuộc đời của chúng ta. Từ đáy lòng, tôi không quan niệm như vậy. Bởi, từ khi đã trở thành phi công, tôi không thể tách mình khỏi bầu trời, tưởng như bầu trời đã là môi trường sống thứ hai của mình vậy".
Thông qua cuốn sách “Bầu trời - Trường Đại học của tôi”, người đọc sẽ hiểu rõ hơn về cuộc đời lao động, học tập và chiến đấu của Trung tướng Nguyễn Đức Soát. Từ một anh lính trẻ tuổi bắt đầu học bay đến khi trở thành một phi công kỳ cựu, ông đã tham gia vào nhiều trận không chiến trở thành mốc son trong lịch sử quân sự Việt Nam, bắn hạ nhiều máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 27 tuổi. Và hơn thế, ở đó còn là những câu chuyện đầy nhân văn về giai đoạn hậu chiến - hòa giải giữa các phi công Mỹ - Việt Nam - những người từng “không đội trời chung”. Và ở đó là những câu chuyện nghề nghiệp mang tính “kỹ thuật” trong thời bình, như ông vẫn quan niệm và ví von bầu trời như trường đại học lớn của mình mà ông không ngừng học tập và không thể tách mình ra không gian ấy. Và để rồi cho đến giờ vẫn luôn là “Trời xanh xôn xao nghe anh kể chuyện/ Anh yêu trời bằng tình yêu nhân đôi” như câu thơ mà “người thơ” Nguyễn Đức Soát từng viết và nhắn nhủ.
Những dòng hồi ức về chuyện đời, chuyện nghề của Anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát tràn đầy cảm hứng, say mê, luôn được dung dưỡng trong một tình cảm lớn với Tổ quốc, song vẫn đậm đà tình nghĩa quê hương son sắt thủy chung, thực sự khơi gợi động lực cho thế hệ trẻ Việt Nam không ngừng lao động, sáng tạo trong thời kỳ hòa bình, ổn định của đất nước.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát sinh ngày 24/06/1946 tại Nam Phong, Phú Xuyên, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông nhập ngũ ngày 04/07/1965.
Ông tốt nghiệp Trường Không quân Krasnodar Liên Xô (1965-1968), Học viện Không quân Liên Xô I.Gagarin (1977-1980), Học viện Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Liên Xô mang tên nguyên soái Vorosilov (1982-1984), trở thành Tiến sĩ Khoa học Quân sự năm 2002.
Trải qua 40 năm cống hiến, gắn bó với Quân đội, ông được biết đến như một trong những phi công chiến đấu xuất sắc nhất của lực lượng Không quân Việt Nam, từng đảm nhiệm các chức vụ: Tư lệnh Quân chủng Không quân; Tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân; Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam
Hiện nay, dù tuổi đã cao nhưng ông là “vị tướng nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc” khi hơn 10 năm nay đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả Bom mìn Việt Nam để hỗ trợ cho các nạn nhân bom mìn vươn lên trong cuộc sống.