Theo công bố tại Báo cáo chỉ số Hồi giáo toàn cầu năm 2022 của Công ty du lịch CrescentRating (Singapore), năm 2019 có khoảng 160 triệu khách du lịch Hồi giáo đến từ các quốc gia khác nhau (dự kiến sẽ đạt 140 triệu vào năm 2023 và dự báo tăng trưởng thị trường sẽ trở lại mức 160 triệu vào năm 2024 do sự mở rộng của du lịch quốc tế). Đến năm 2028, ước khoảng 230 triệu lượt khách du lịch Hồi giáo sẽ đi du lịch ra nước ngoài, chi tiêu sẽ lên tới 225 tỷ USD.

Bà Nguyễn Huyền Anh - Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, du lịch Hồi giáo (Du lịch Halal) đang có xu hướng dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Những năm gần đây, Việt Nam đã đón tiếp rất nhiều du khách lữ hành quốc tế là người Hồi giáo. Tuy nhiên, thị trường vô cùng tiềm năng này lại chưa thực sự được chú trọng, chưa kiến tạo cơ hội phát triển và kêu gọi đầu tư rộng rãi dịch vụ du lịch đặc thù tại các địa phương, điểm đến chính trong cả nước.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, người Hồi giáo có hơn 1,7 tỉ người, chiếm gần 1/4 dân số toàn thế giới, riêng trong khu vực Đông Nam Á hiện nay có gần 300 triệu tín đồ Hồi giáo. Người Hồi giáo rất thích đi du lịch và là nhóm có chi tiêu cho du lịch ở mức cao trên thế giới, do vậy nhiều quốc gia trên luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho nhóm khách này. "Tuy nhiên, số lượng khách quốc tế theo đạo Hồi đến nước ta còn rất khiêm tốn và du lịch Hồi giáo ở nước ta cũng chưa thực sự được quan tâm, đầu tư đúng mức, những nhu cầu dành riêng cho khách du lịch Hồi giáo chưa được đầu tư nhiều. Vì thế, du lịch Hồi giáo được xác định là thị trường du lịch tiềm năng, nằm trong nhóm thị trường mục tiêu cần được đẩy mạnh trong giai đoạn tới".

Cũng theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định cần quan tâm phát triển các thị trường mới, có tiềm năng trong đó có thị trường Trung Đông, Ấn Độ…

Ngành du lịch Việt Nam trong những năm qua cũng tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá hướng tới thị trường Hồi giáo nhằm thu hút khách du lịch từ thị trường này như: tổ chức đón các đoàn Fam trip, Press trip từ các nước Hồi giáo sang tham quan, khảo sát, quảng bá cho sản phẩm du lịch Việt Nam, giao lưu doanh nghiệp du lịch hai nước do Đại sứ quán Việt Nam tại các nước Trung Đông làm đầu mối phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và doanh nghiệp du lịch hai nước tổ chức... Tất cả những hoạt động đó đều nhằm góp phần thúc đẩy phát triển thị trường khách du lịch Hồi giáo đến Việt Nam.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều vấn đề cần đặt ra cho chính quyền Quảng Ninh và những người làm việc trong ngành dịch vụ và khách sạn để hiểu rõ về văn hóa, hành vi và nhu cầu đặc biệt của khách du lịch Hồi giáo. Ví dụ như việc khách Hồi giáo chỉ tiêu thụ thực phẩm Halal, các cơ sở phục vụ cần đáp ứng nhu cầu: có phòng cầu nguyện, hoặc nhu cầu và thời điểm đi du lịch của khách Hồi giáo là rất cao sau tháng Ramadan, tháng lễ quan trọng nhất của đạo Hồi... hay marketing du lịch đến thị trường khách Hồi giáo, mời các chuyên gia nghiên cứu về đạo Hồi tập huấn cho người lao động trong ngành du lịch...

Để có thế thu hút thị trường khách du lịch Hồi giáo, bà Nguyễn Huyền Anh - Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho rằng, trong thời gian tới, du lịch Quảng Ninh sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá và bám sát các chương trình xúc tiến của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đến thị trường tiềm năng này. Sở sẽ tham mưu tỉnh ưu tiên hợp tác phát triển hệ thống mạng lưới các đường bay thẳng đến Ấn Độ và các nước Hồi giáo. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chuyên biệt, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức đối ngoại với khách du lịch Hồi giáo cho nguồn nhân lực du lịch.

Hiện nay, du lịch Hồi giáo ở nước ta chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Những nhu cầu dành riêng cho khách du lịch Hồi giáo chưa được đầu tư nhiều. Sân bay trên cả nước chỉ có một phòng cầu nguyện cho người Hồi giáo và khu ẩm thực Halal được ra đời tại sân bay Tân Sơn Nhất, hoàn thành vào tháng 12/2022. Tuy nhiên, nơi này không dành cho tất cả khách du lịch phổ thông theo đạo Hồi mà chỉ dành cho 70 khách VIP hạng thương gia là tín đồ Hồi giáo. Con số này chiếm tỉ lệ nhỏ so với hàng ngàn du khách Hồi giáo mỗi ngày qua lại.

Tại thành phố Hồ Chí Minh hiện có 14 thánh đường Hồi giáo, nhưng chỉ có ba thánh đường nằm ở khu vực trung tâm thuận lợi cho khách du lịch cầu nguyện.

Ở các khu vực Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả khu vực Tây Nguyên như Đà Lạt, nhà hàng Halal và phòng cầu nguyện hầu như chưa có, chỉ trừ một số ít thánh đường Hồi giáo mà khách du lịch có thể nhận được sự phục vụ.