Tràng An là một vùng đất cổ, có chiều sâu của lịch sử, chiều rộng của không gian, chiều dài của quá trình cứ trú của con người. Thế kỷ X, vùng đất này là kinh đô của Nhà nước Phong kiến Trung ương tập quyền Đại Việt (968 -1010) với 3 triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý. Trên cơ sở nền tảng di sản đô thành và đô thị Hoa Lư cổ, Ninh Bình đang hướng tới xây dựng "Đô thị Cố đô - Di sản" nhằm bảo tồn các giá trị bền vững của di sản của vùng đất Cố Đô Hoa Lư lịch sử, tạo sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và cảnh quan, giữa thiên nhiên và con người mà trong đó Quần thể danh thắng Tràng An là nơi hội tụ các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất địa mạo, cảnh quan và văn hóa.

Tại hội thảo, TS. Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, Ninh Bình là tỉnh đầu tiên và duy nhất sở hữu Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Với lợi thế này, tỉnh Ninh Bình đã và đang bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị của Di sản một cách hiệu quả, bền vững, hướng tới xây dựng Ninh Bình là trung tâm du lịch lớn của vùng và của cả nước, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, phát triển du lịch xanh, bền vững.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Du lịch vào tháng 9/2023, trong vùng lõi Di sản còn khoảng trên 100 nếp nhà có kiến trúc truyền thống tiêu biểu, được xây dựng trước năm 1945 và phân bố chủ yếu trên địa bàn hai xã Trường Yên và Ninh Xuân, huyện Hoa Lư. Dù về kiến trúc, vật liệu xây dựng có sự khác nhau, song những ngôi nhà cổ ở khắp mọi miền đất nước đều là hiện vật trực tiếp phản ánh khả năng lao động, sáng tạo, trí tưởng tượng, gu thẩm mỹ của các thế hệ đi trước trong quá trình phát triển.

"Nhà cổ từ lâu đã được coi là một loại hình di sản độc đáo, cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Tuy nhiên, hiện nay đa số các nhà ở truyền thống đã xuống cấp và đứng trước nguy cơ bị phá dỡ nếu không có biện pháp trùng tu kịp thời. Bên cạnh đó, xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý nhà ở truyền thống, từ thực trạng quản lý hiện nay, có thể thấy, người dân không muốn sống trong những ngôi nhà cổ thiếu tiện nghi trong khi cuộc sống đang "hiện đại hóa" từng ngày. Cấu trúc làng trong khu di sản cũng thể hiện biến đổi văn hóa sinh kế, lối sống của cư dân tại Tràng An trước tác động của nhiều yếu tố nội sinh và ngoại sinh" - TS. Bùi Văn Mạnh nêu thực tế.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý đã tập trung xác định cụ thể các tiêu chí nhận diện, đánh giá nhà ở truyền thống riêng cho vùng lõi di sản Tràng An. Bên cạnh phương pháp đánh giá nhận diện tiềm năng bảo tồn mà cụ thể là xác định tiêu chí đánh giá thì các nguyên tắc đảm bảo vừa bảo tồn, vừa phát triển ở khu vực đặc thù như vùng lõi di sản Tràng An là rất quan trọng.

"Dân số sinh sống ngày càng gia tăng là áp lực ảnh hưởng tới bảo tồn các thuộc tính và các giá trị của di sản, cụ thể là hoạt động kinh doanh nhà ở có phòng nghỉ cho khách du lịch thuê (homestay) ở những nơi có nhà cổ xảy ra hiện tượng phá dỡ/bỏ nhà cổ hoặc cải tạo ngôi nhà theo phong cách mới… vô hình chung làm mai một, thậm chí mất đi những ngôi nhà truyền thống có giá trị. Đáng tiếc là sự quan tâm bảo tồn nhà cổ mới chỉ "khoanh vùng" trong các làng cổ hoặc đang xuống cấp, hoặc bị chủ sở hữu phá đi xây mới. Do đó cần quan tâm nâng cao nhận thức, tạo sinh kế bền vững, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong công tác bảo tồn và quản lý giá trị di sản, để mỗi người dân tham gia gìn giữ, bảo tồn ngôi nhà của chính mình", PGS.TS.KTS Khuất Tân Hưng nêu thực tế đang diễn ra tại nhiều địa phương có nhà cổ, trong đó có Ninh Bình.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định, các làng truyền thống trong vùng lõi di sản Tràng An có những giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc được hội tụ từ quá trình lịch sử lâu đời, truyền thống văn hóa của vùng đất kinh đô xưa. Có thể nói, trước khi bước vào cuộc phục hưng văn hóa dân tộc lần thứ nhất ở thời kì Đại Việt, gắn liền với nhà Lý định đô, khởi dựng nền văn hóa Thăng Long thì đã có một giai đoạn văn hóa thời kì kinh đô Hoa Lư. Chính các làng truyền thống trong vùng lõi di sản Tràng An ngày nay, tức phạm vi của kinh đô xưa, là nơi chứa đựng, lưu giữ, hiện tồn và lan tỏa nhiều giá trị nhất.

"Trong số 25 ngôi nhà cổ được khảo sát ở xã Trường Yên (huyện Hoa Lư), một số ngôi nhà có niên đại cách đây khoảng trên dưới 100 năm, vật liệu xây dựng nhà phổ biến là gỗ, có thể thấy rõ mô hình kiến trúc truyền thống, một số ngôi nhà được trang trí hoa văn, họa tiết khá tinh xảo và được bảo vệ, lưu giữ qua thế hệ. Các giá trị lịch sử - văn hóa ấy ngày nay không còn khép kín trong mỗi con người, mỗi ngôi làng quê, đang tạo dựng động lực cho quá trình phát triển mạnh mẽ mà ngành công nghiệp văn hóa đang là đích hướng tới để vừa gìn giữ, làm giàu và phát huy các giá trị của các làng quê vùng lõi di sản Tràng An"

Tổng kết hội thảo, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho rằng, từ góc độ khoa học, Hội thảo thể hiện trách nhiệm của tỉnh Ninh Bình nói riêng và của Việt Nam nói chung với Di sản, thực hiện và tuân thủ các khuyến nghị của UNESCO, hướng đến phát triển hài hòa, bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo tồn các giá trị di sản, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững; làm tiền đề cho mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững có tính đương đại mà vẫn giữ bản sắc của vùng đất Cố đô.

Hội thảo cũng đề xuất và kiến nghị với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, trong thời gian tới cần tập trung một số vấn đề sau: Khôi phục và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân bản địa hiện đang sinh sống trong các ngôi nhà cổ, đồng thời tạo tiền đề thúc đẩy doanh thu thực tế từ phát triển du lịch; Tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình tham gia phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân gắn với bảo vệ di sản bền vững, đặc biệt với vùng lõi di sản; Cần có cơ chế trong quản lý giữ gìn cấu trúc làng xóm hiện có, giữ gìn và tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị và hạ tầng kinh tế của làng xã, phục hồi các công trình công cộng dân gian truyền thống; Đề xuất nghiên cứu các mẫu nhà mô phỏng hình thức truyền thống, tuyên truyền cho người dân nhân rộng mô hình homestay, hài hòa với không gian làng xóm; Tạo cơ chế, quyền lợi trong hợp tác công - tư; nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo tồn nhà cổ và đề cao tham vấn cộng đồng trong bảo tồn di sản.