Tổng kết cuộc thi, KTS Lê Việt Hà, Chủ tịch Ashui.com, đồng Trưởng ban Tổ chức cho biết, các tác phẩm dự thi năm nay tăng lên cả về số lượng và chất lượng, đa dạng từ lĩnh vực cho tới chất liệu sử dụng. Hình thức, phương thức trình bày cũng được đầu tư hơn. Cách lồng ghép các yếu tố truyền thống vừa thận trọng vừa sáng tạo và ngẫu hứng hơn chứ không chỉ bó buộc vào các yếu tố lịch sử, văn hóa truyền thống từ bao đời nay. Các tác giả quan tâm đến truyền thống theo một cách đương đại, rất mở trong suy nghĩ. “Chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin và dành thật nhiều cơ hội, điều kiện để thế hệ trẻ gánh vác trách nhiệm, thể hiện sức sáng tạo của mình cho nhiều vấn đề của đời sống hiện nay, và cả tương lai. Một ngày nào đó, sản phẩm "Designed by Vietnam" hàm chứa văn hóa - trí tuệ Việt Nam sẽ đến tận tay của bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu trên thế giới”. KTS Lê Việt Hà nhấn mạnh.

Kết quả, giải Nhất thuộc về thiết kế: “N.A.M” của tác giả Vũ Tá Linh (Hà Nội), giải Nhì với tác phẩm “Queen Chair” của nhóm SMA Studio (Hà Nội) và giải Ba là tác phẩm “Gió đánh cành tre” của Nguyễn Huỳnh Nam (Đồng Nai).

Theo Ban Tổ chức, “N.A.M” của Vũ Tá Linh đã kể một câu chuyện về phục trang rất đúng lúc. Tác phẩm là sự kết hợp các chất liệu sẵn có từ tủ quần áo của Vũ Tá Linh với những mảnh vải cổ và kỹ năng tạo tác chất liệu bằng phương pháp thủ công độc đáo. Tái sử dụng, tái thiết kế là một cách thức của lối sống bền vững. Vũ Tá Linh cũng đã thuyết phục ban giám khảo bằng sự nhất quán trong cách trình bày với bố cục chặt chẽ từ những bản phác thảo có hơi hướng cường điệu đến mẫu thật, bộ ảnh đến quyển lookbook.

Kỹ thuật sơn mài chuyển sắc làm cho thiết kế càng thanh thoát mà vẫn phảng phất nét vương giả. Các chi tiết hoàn thiện của Ghế Hoàng Hậu rất sắc sảo và chau chuốt. Một thiết kế hoàn chỉnh và có thể đi vào đời sống ngay lập tức.

Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao 5 Giải Khuyến khích cho các thiết kế: “VietMyth” của tác giả Lê Bích Trân (Thành phố Hồ Chí Minh), “Cypera Collection” của nhóm Highli (Thành phố Hồ Chí Minh), “Thúng quà của mẹ, thúng quà của bà” của Võ Quang Tỵ (Phú Yên), “Đi và Nhặt” của Ngô Hoàng Kha (Thành phố Hồ Chí Minh), “ĐA” của Hồ Trương Thanh Trúc (Thành phố Hồ Chí Minh).

Bên cạnh đó, giải Ý niệm thuộc về thiết kế “Ngủ Nghê” của tác giả Tom Trandt Minh Đạo (Thành phố Hồ Chí Minh). Giải Bình chọn trực tuyến thuộc về tác phẩm “Mài” của nhóm tác giả: Đỗ Hoàng Long, Nguyễn Trịnh Quỳnh Nhi, Phạm Trần Quỳnh Giang, Phạm Thị Phương Nhi, Phạm Văn Anh (Thành phố Hồ Chí Minh).

Đặc biệt, giải Nhất “Thiết kế sản phẩm lưu niệm về Văn Miếu - Quốc Tử Giám” thuộc về tác phẩm “Khứ hồi” của tác giả Lưu Như Ngọc (Thành phố Hồ Chí Minh). Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: Cuộc thi là một cơ hội để các nhà thiết kế trẻ có thể thỏa sức sáng tạo và thể hiện tình yêu của mình với lịch sử văn hóa giáo dục nói chung cũng như di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói riêng. Hy vọng trong thời gian tới với nền tảng về những giá trị truyền thống của di tích, các nhà thiết kế sẽ có những sản phẩm thương hiệu đặc trưng của di tích để góp phần quảng bá cho Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cũng như giúp cho chúng tôi thực hiện nhiệm vụ liên quan đến việc phát triển văn hóa…

Đáng chú ý, thiết kế được Đề cử giải thưởng EDIDA 2022 từ ELLE Decoration Vietnam là “3+ góc thưởng trà” của tác giả Nguyễn Xuân Lục (Hà Nội).