z3223286287037_d6ea485ba27f4d0720e4dbe2b32bc1f6.jpg

Ban đầu chỉ là những dòng trải nghiệm, review sách đầy trí tuệ trên trang cá nhân, dần dần Bình Books trở thành địa chỉ được nhiều người quan tâm tìm đến mỗi khi cần tư vấn một đầu sách hay. Thế rồi, anh bén duyên với nghiệp làm sách, bán sách. Trên các cộng đồng, hội nhóm yêu sách gọi Bình Books là “Gã khờ theo đuổi đam mê bán sách”, bởi anh tự nhận mình “chỉ bán những cuốn sách nào mình đọc, mình yêu”.

Ít ai biết rằng, xuất phát điểm của một gã làm sách như Bình lại là những ngày lăn lộn, vạ vật cầm sách đọc những khi nhàn rỗi trên công trường xây dựng, bởi anh vốn là một kỹ sư chuyên đi thiết kế các công trình cầu vượt. Hành trình nào để từ một kỹ sư trở thành người bán sách, làm sách? Các bạn sẽ được biết qua cuộc trao đổi sau đây giữa PV VOV2 và Bình Books.

Mời nghe âm thanh tại đây:

Phóng viên: Xin chào anh Bình Books! Đầu tiên anh có thể giới thiệu một chút thông tin cá nhân? Công việc chính của anh là gì? Anh theo đuổi đam mê bán sách bao lâu rồi?

Bình Books: Chào các bạn, mình là Nguyễn Tuấn Bình, học Đại học Giao thông Vận tải. Mình ra trường năm 2008. Chắc học cũng không đến nơi đến chốn nên các thầy giữ lại trường đến tận hôm nay để làm công tác giảng dạy chuyên ngành Thiết kế cầu (cười). Mình từng trải qua 13 năm đi làm thiết kế cầu, đã thiết kế nên rất nhiều cầu vượt quanh Hà Nội như cầu vượt Ô Đông Mác, cầu vượt Thái Hà – Láng Hạ - Chùa Bộc, cầu vượt Đại Cồ Việt…

Cách đây 2 năm, mình muốn thử thách trên một lĩnh vực khác nên đã quyết định nghỉ việc ở công ty thiết kế cầu mà mình đang làm lãnh đạo. Mình về nhà và thử xem sẽ đi được bao xa trên hành trình mà các bạn đang thấy đây: một người bán sách.

Phóng viên: Việc nghỉ công việc thiết kế với một người được đào tạo bài bản và vẫn gắn bó với việc giảng dạy như anh khá là bất thường. Tôi có thể hỏi lí do tại sao? Liệu có phải hoàn toàn vì đam mê với sách không?

Bình Books: Có lẽ cũng phải nói là, bản chất cuối cùng là số phận đưa đẩy hơn là con người ta có thể quyết định điều gì! Tính cách mình, mình thấy mình chỉ giỏi và hợp làm những gì mình thích, những gì tạo ra khát vọng mới cho mình.

Thường thì trước đây, mỗi khi rảnh rỗi mình cũng hay đăng về sách vở trên facebook cá nhân. Cũng không có gì đặc biệt đâu, chẳng qua lúc đó mình cảm thấy đã đến độ chín thôi. Nghề cầu thì cứ bình bình, nhưng lúc đó nghề sách mình thấy lại có những điều kiện vững chắc để phát triển.

Thế là đột ngột, tháng 1 trước Tết năm đó, mình xin nghỉ công ty cầu. Chỉ muốn nghỉ thôi! Thậm chí sau đó mình còn bị quán tính là ra khỏi nhà lại lái xe đến công ty cũ, nhưng chợt nhớ ra mình nghỉ rồi nên lại quay xe ra quán café ngồi (cười lớn).

z3223285240429_a432c7340260ed0ee710e76a6edeb750.jpg

Phóng viên: Rất thú vị! Nãy giờ tôi cũng có quan sát hoạt động của công ty sách của anh thì thấy mọi người làm việc rất năng suất, cứ liên tục trả lời đơn, thông báo địa chỉ ship cho khách, rồi đóng hàng.v.v… Anh mất bao lâu để thiết kế nên một công ty sách hoạt động hiệu quả như thế này?

Bình Books: Những gì bạn thấy hôm nay đều đi lên từ con số 0, không có gì tự nhiên mà thành! Mình vẫn nhớ những ngày đầu tiên mình thử đăng sách chắc mỗi ngày không quá 5 đơn! Nhưng những gì bạn thấy hôm nay chắc phải đến 200 đơn, đó cũng là con số trung bình mỗi ngày.

Phóng viên: Và nếu nhân với 200 ngàn mỗi quyển thì doanh số một ngày phải khoảng 4 triệu phải không?

Bình Books: Có thể hơn đấy (cười)! Về công tác quản lí tất cả quy trình chỉ hình thành nên qua thử sai và thực chiến! Tất cả những hoạt động hiện nay không hề có từ đầu tiên! Cứ gọi là hành trình 5 năm đi, thì mình mất đến 3-4 năm đầu vật vã giữa những cái đúng và sai. Những quy trình bạn thấy hôm nay thực sự chỉ thành hình vào năm cuối cùng của hành trình (tức là mới đây thôi).

Khi mình cảm thấy mọi thứ đi vào quy luật thì mới bắt đầu nghĩ đến một con đường! Đó cũng là lúc mình nhận ra rằng, làm một người kỹ sư kỹ thuật đi vào con đường bán sách này – hay bất kì công việc nào, cũng đều phải dựa vào tinh thần kỉ luật, minh bạch, rõ ràng, phân công lao động phải có tiến độ và chỉ tiêu…

Còn một điều nữa, mình thấy cái gì cũng cần đúng thời điểm! Thời bắt đầu đi làm sách mình thấy đó đúng là thời điểm của việc kinh doanh online. Những việc mà người ta hay gọi một cách mĩ miều là marketing online trên facebook, tiki… chỉ bắt đầu nở rộ 3-4 năm trở lại đây! Đến ngày nay mình cảm thấy những hiệu sách truyền thống rất khó tồn tại trong sân chơi và miếng bánh chung này nếu không thuận theo xu thế online!

Phóng viên: Anh từng viết trên page Bình Books của mình rằng, anh sẽ chỉ lựa chọn kinh doanh những đầu sách nào anh đọc – hiểu – đam mê – yêu thích. Sau 5 năm, đến thời điểm này slogan đó còn đúng không? Bởi vì giữa một thị trường sách bao la rộng lớn thế này làm sao anh có thể đọc hết và hiểu hết được?

Bình Books: Đó cũng là vấn đề của mình! Khi mình nhập ít sách thì mình có thời gian để đọc hơn! Còn bây giờ thú thật là nhiều bài đăng mình vận dụng kinh nghiệm đọc sách nhiều năm của mình để tìm ra những cuốn có giá trị! Và có những đầu sách phải thú thật luôn trên page là mình chưa từng đọc, nhưng một số đơn vị làm sách mình có quan hệ nói rằng ‘quyển này cũng được đấy’. Thế nên khi đăng mình cũng thật thà là “tôi không hiểu nhiều về quyển sách này, tại sao nó được quan tâm đến vậy?”.

z3223286445565_35c198f69fd69792310793b76ad0c8c0.jpg

Phóng viên: Như anh nói, hiện nay thị trường sách Việt Nam đang phát triển thiên về số lượng! Nhưng trong bối cảnh đó xuất hiện vấn đề: nhiều đầu sách không đạt chất lượng vì xuất bản quá dễ dàng. Chất lượng sách ngày nay đôi khi không bảo đảm như xưa, không chỉ sách nội văn mà cả ngoại văn! Những đơn vị sách dùng các công thức Pr marketing để bán được nhiều sách, khiến độc giả khi nhận và đọc sách rồi cảm thấy như bị lừa, mình đã mua phải hàng kém chất lượng. Anh có chia sẻ gì với các độc giả khi gặp phải câu chuyện này?

Bình Books: Xin chia sẻ với độc giả rằng, mua sách cũng như mua các mặt hàng nói chung, các bạn nên có hàng rào để cản lại! Một là uy tín của đơn vị làm sách. Hai là lựa chọn theo tác giả, dịch giả. Ba nữa là hệ thống đánh giá sao trên tiki, tôi thấy có 2 hệ thống đang công khai: số lượng bán của sách và đánh giá của độc giả. Bản thân tôi mỗi lần đăng sách xong cũng thích đọc những đánh giá dưới đó. Với những sách có lượng đánh giá đủ nhiều (khoảng 100 trở lên) thì tôi cảm thấy sách đó đủ tốt.

Phóng viên: Xin cảm ơn anh Bình Books về những chia sẻ vừa rồi! Chúc hiệu sách của anh ngày càng phát triển để lan tỏa nhiều hơn văn hóa đọc!