Mới đây, Bộ Y tế đã có phản hồi về dự thảo "Phương án mở cửa hoạt động du lịch" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, trong công văn khẩn số 90/BYT-DP, Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cân nhắc bổ sung, sửa đổi một số nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19.

Công văn nêu rõ: Bộ Y tế không chấp nhận kết quả test nhanh với khách quốc tế, yêu cầu khách du lịch từ 12 tuổi trở lên, khi nhập cảnh Việt Nam bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR 72 giờ trước khi nhập cảnh, kèm chứng nhận tiêm đủ liều vaccine Covid-19 ít nhất là 14 ngày và không quá 6 tháng, hoặc có giấy chứng nhận đã khỏi bệnh.

Quy định cũng yêu cầu du khách ở lại nơi lưu trú trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh, trong đó 24 giờ đầu là bắt buộc. Trường hợp muốn di chuyển tới nơi khác thì phải xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày; trường hợp khách ở lại nơi lưu trú 72 giờ thì chỉ xét nghiệm 2 lần, vào ngày đầu tiên và ngày thứ 3 kể từ khi nhập cảnh (kết quả từ phương pháp test nhanh được công nhận). Trong khi đó, đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ chỉ nêu du khách ở tại nơi lưu trú trong 24 giờ và xét nghiệm virus SARS-CoV-2, nếu có kết quả âm tính có thể tham gia vào hoạt động du lịch ngay.

Với trẻ em dưới 12 tuổi và người có nguy cơ cao, Bộ Y tế cũng đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn. Cụ thể những người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh nền hạn chế đi du lịch. Những đối tượng này cũng phải có chứng nhận tiêm đủ mũi vaccine Covid-19 trước khi nhập cảnh Việt Nam.

Trẻ em dưới 12 tuổi bắt buộc đi du lịch cùng bố mẹ, người thân đáp ứng các quy định trên. Những trẻ đã tiêm vaccine hoặc có chứng nhận khỏi bệnh phải xét nghiệm như người lớn. Trường hợp chưa tiêm hoặc chưa mắc Covid-19 thì không được ra khỏi nơi lưu trú trong vòng 24 giờ; sau 7 ngày liên tục có kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 mới được dời nơi lưu trú. Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc xét nghiệm.

Về ứng dụng khai báo y tế, Bộ Y tế yêu cầu du khách cài và sử dụng ứng dụng PC-COVID trong suốt thời gian lưu trú tại Việt Nam và luôn đảm bảo 5K. Trong trường hợp có các triệu chứng: ho, sốt, đau họng, sổ mũi... cần báo với cơ quan y tế để cách ly theo quy định.

Với những nội dung quy định này, các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch nhận định Bộ Y tế đang siết chặt hơn với khách quốc tế và điều này sẽ cản trở việc đón khách. Ông Nguyễn Tiến Đạt- Giám dốc AZA Travel nêu quan điểm: "Tôi đánh giá phản hồi này quá mâu thuẫn. Việt Nam vẫn ghi nhận hơn 100.000 ca mắc mới mỗi ngày. Vậy khả năng khách quốc tế mắc Covid-19 từ người Việt còn cao hơn nhiều khả năng họ lây cho chúng ta. Theo Nghị quyết 128, việc du lịch nội địa đã trở nên dễ dàng hơn. Chúng ta đã xóa bỏ rào cản với khách nội. Với khách quốc tế, nếu xét theo đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, họ vẫn phải test trước khi đi du lịch thì đó đã là một khâu kiểm tra cao hơn rồi. Do đó, việc phân biệt với khách quốc tế như vậy là không nên".

Ông Phạm Hà, CEO Lux Group cũng bày tỏ sự không đồng tình với phản hồi của Bộ Y tế. Theo ông Hà, việc chính sách không nhất quán, tranh cãi quá nhiều với các đề xuất, dự thảo đang đánh mất những cơ hội lớn của Việt Nam trong việc thu hút khách quốc tế. Vì thế, khi Việt Nam chính thức mở cửa các hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới từ ngày 15/3 tới chắc sẽ khó thành công bởi chính doanh nghiệp cũng không biết thông báo thế nào với đối tác và du khách.

"Siết chặt" khách quốc tế, liệu Bộ Y tế có đang khiến du lịch nước nhà mất đi lợi thế cạnh tranh với các nước đã nhanh chân mở cửa với các quy định thông thoáng hơn?