Hội thảo nằm trong khuôn khổ "Kế hoạch xây dựng Đề án phát triển Mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO", được Chính phủ Việt Nam giao Bộ VHTTDL làm đầu mối thực hiện. Các đơn vị của Bộ sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện trong giai đoạn từ năm 2021-2022. Hội thảo do bà Nguyễn Phương Hoà, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL), PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đồng chủ trì, có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lí văn hoá, đại diện chính quyền các địa phương, các nghệ sĩ, người thực hành và kinh doanh sáng tạo ở trong nước và quốc tế.

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) ra đời năm 2004 nhằm thúc đẩy

Các yếu tố sáng tạo của một thành phố được UCCN xét trên các lĩnh vực sau:

  • Thủ công mỹ nghệ
  • Nghệ thuật dân gian
  • Nghệ thuật truyền thông
  • Điện ảnh
  • Thiết kế
  • Ẩm thực
  • Văn học
  • Âm nhạc

hợp tác giữa các thành phố coi sáng tạo là yếu tố chiến lược cho sự phát triển bền vững. Hiện đã có 295 thành phố tham gia mạng lưới (trong đó, thủ đô Hà Nội của chúng ta đã là một thành viên mạng lưới từ năm 2019) cùng hướng tới một mục tiêu chung: đặt sáng tạo và các ngành Công nghiệp Văn hóa vào trung tâm của các kế hoạch phát triển ở cấp địa phương và tích cực hợp tác ở cấp quốc tế.

Khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, các thành phố cam kết chia sẻ, tạo những điều kiện tốt nhất để thực hành, đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức gắn liền với trách nhiệm, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, phát triển hợp tác giữa khu vực công - tư và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhằm tăng cường sáng tạo, sản xuất, phân phối và truyền bá về các hoạt động, hàng hóa và dịch vụ văn hóa; phát triển các không gian sáng tạo và đổi mới, mở rộng cơ hội cho những người sáng tạo và chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa; nâng cao việc tiếp cận và tham gia vào đời sống văn hóa, đặc biệt đối với các nhóm và cá nhân yếu thế và dễ bị tổn thương; lồng ghép văn hóa và sáng tạo vào các kế hoạch phát triển bền vững.

Trong phần phát biểu đề dẫn, bà Nguyễn Phương Hoà, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ VHTTDL cho biết: “Không chỉ là thương hiệu/danh hiệu, điều quan trọng là khi tham gia vào Mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO, các thành phố đã đặt văn hóa và sự sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển, chìa khoá của quy hoạch phát triển đô thị. Từ đó, khẳng định vị thế, làm cho các thành phố an toàn, có khả năng phục hồi, hòa nhập, bền vững, người dân hạnh phúc và phát triển phù hợp với tương lai”.

Hiện nay, một số thành phố, đô thị ở Việt Nam như TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long, Vũng Tàu, Đà Lạt... có nhiều tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia vào Mạng lưới theo các tiêu chí cơ bản như: xác định sáng tạo là yếu tố có tính chất chiến lược trong quá trình phát triển bền vững của thành phố ở các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường; đưa văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa vào các kế hoạch, chiến lược phát triển đô thị, trong đó tạo điều kiện cho quá trình sáng tạo, sản xuất, phân phối và giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, hoạt động văn hóa; phát triển các trung tâm sáng tạo và đổi mới; tạo điều kiện hưởng thụ các sản phẩm văn hóa cho người dân đô thị; tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế, tham gia tiến trình thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc về phát triển bền vững.

Do vậy việc xây dựng “Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO” đòi hỏi quá trình nghiên cứu tiền khả thi và tổ chức hội thảo tham vấn các bên liên quan, làm cơ sở cho việc xây dựng Đề án.

Theo kế hoạch đề ra, với sự đóng góp về chuyên môn của đội ngũ chuyên gia Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, dưới sự điều phối của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL), Đề án sẽ tập trung nghiên cứu tiềm năng, lợi thế về sáng tạo vì sự phát triển bền vững của một số thành phố của Việt Nam như: TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Hội An, Đà Lạt và Vũng Tàu. Từ đó đánh giá tổng hợp tính khả thi của việc hình thành mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO và hình thành nên lộ trình để hiện thực hoá kế hoạch này.

Hội thảo là dịp để đại diện các thành phố, các nhà nghiên cứu và những người thực hành sáng tạo ở Việt Nam trao đổi và lắng nghe những sáng kiến, kinh nghiệm và cả những lời khuyến khích, động viên của các chuyên gia quốc tế đến từ Đan Mạch và Anh về việc tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Ông Mikael Sorknaes, Quản lý dự án chính, Trưởng ban Thiết kế, Sở Phát triển chiến lược, thành phố Kolding - Thành phố sáng tạo của UNESCO, trong bài chia sẻ của mình đã dành cho Hà Nội nói riêng và các thành phố tham gia vào Đề án này nói chung một lời khuyên dựa trên kết quả tổng kết 4 năm phát triển của Kolding với vai trò là một thành phố sáng tạo về lĩnh vực thiết kế: “Các bạn nên tập trung vào việc xây dựng và phát triển năng lực và tích cực trong việc cởi mở và chia sẻ những gì bạn biết để phát triển một mạng lưới các thành phố sáng tạo ở nước bạn”.

Tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, PGS.TS. Đỗ Thị Thanh Thủy, TS. Nguyễn Thu Hà, TS. Nguyễn Thanh Hoa, ThS. Nguyễn Tuấn Anh, các chuyên gia đến từ Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình tham gia xây dựng hồ sơ cho Hà Nội – thành phố Sáng tạo về Thiết kế năm 2019 và những kết quả nghiên cứu tiền khả thi đối với một số thành phố gồm TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Đà Nẵng, Huế, Hội An…

Thể hiện rõ sự cam kết hỗ trợ và đồng hành chuyên môn trong suốt quá trình các thành phố theo đuổi mục tiêu hình tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương đại diện nhóm nghiên cứu khẳng định việc các chuyên gia VICAS tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng hồ sơ ứng cử của Hà Nội tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở lĩnh vực thiết kế là sự khởi đầu của một tầm nhìn thông qua quy trình xây dựng, triển khai hồ sơ và thực hiện cam kết của Hà Nội với hệ thống các thành phố UCNN, các thành phố khác trên toàn quốc sẽ có mẫu hình để nhân rộng các thành phố sáng tạo ở các lĩnh vực khác nhau.

"Các chuyên gia VICAS sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Hợp tác quốc tế và các địa phương sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn trong việc hình thành mạng lưới có khả năng kết nối mạnh mẽ các thành phố sáng tạo trên toàn quốc cũng như kết nối với các thành phố trên thế giới. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, các thành phố cần phải tìm ra tiếng nói chung đủ sức thuyết phục các chủ thể bao gồm chính quyền, cộng đồng sáng tạo, người dân và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo tham gia vào hành trình tìm ra các các sáng kiến có khả năng hướng thành phố đến sự phát triển bền vững dựa trên sự sáng tạo”. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh.

st1.jpg

TS. Nguyễn Quang, Cố vấn của UN Habitat, Chương trình Định cư Con người Liên hợp quốc tại Việt Nam, chia sẻ rằng ông rất vui mừng khi được biết trong thời gian sắp tới chúng ta sẽ sớm có một mạng lưới các thành phố văn hoá sáng tạo bên cạnh những mạng lưới các thành phố xanh, thành phố bao trùm. Điều này phản ánh hướng tiếp cận hoàn toàn phù hợp với hướng tiếp cận toàn cầu về phát triển bền vững hiện nay khi mà văn hoá và sáng tạo được đặt vào vị trí là sức mạnh nội sinh và động lực cho sự phát triển bền vững của một thành phố, một quốc gia.