Hôm nay (24/11) tại Hà Nội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng diễn ra tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội (Hà Nội) với sự tham dự của gần 600 đại biểu từ các bộ, ngành, các văn nghệ sĩ và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội trong cả nước. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành.

Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ: Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động, sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử của dân tộc; hình thành những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững: yêu nước, cần cù, dũng cảm, tài trí, lạc quan, hòa hiếu và khoan dung.

Sau 35 năm đổi mới đất nước, các giá trị đạo đức truyền thống được giữ gìn, phát huy, đổi mới theo hướng phù hợp với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc có sự chuyển biến tích cực, tạo cơ chế xử lý hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa kinh tế-xã hội; huy động được nhiều nguồn lực giữ gìn di sản văn hóa truyền thống, nhất là một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một. Di sản văn hóa dân tộc thiểu số được quan tâm, giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Nhiều di sản văn hóa được vinh danh.

Báo cáo tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng: Trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam sau 35 năm đổi mới cho thấy, nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực; hệ thống chính sách pháp luật về văn hóa tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hoá…

"Thực tiễn đã chứng minh, những lúc đất nước khó khăn thì các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ; lòng yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam lại càng tỏa sáng...". Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Mặc dù đạt được rất nhiều kết quả quan trọng, nhưng qua 35 năm đổi mới, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam còn không ít hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thật sự thấm sâu trong các tầng lớp xã hội.

Những năm qua (khi đại dịch Covid-19 chưa bùng phát tại Việt Nam), kinh tế liên tục tăng trưởng cao, đời sống vật chất nâng lên, nhưng đời sống văn hóa tinh thần chưa phát triển tương xứng. Một số mặt đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng, lối sống thực dụng, hưởng thụ vật chất, khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội đã và đang ảnh hưởng không tốt đến giáo dục lý tưởng, đạo đức và nhân cách người Việt Nam.

Đáng chú ý, văn hóa chưa thật sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam nêu rõ: Riêng nghệ thuật sân khấu đặt ra cho những người làm nghề trách nhiệm và thách thức to lớn. Đó là phải tìm cách thoát khỏi tình trạng sân khấu đang mất trắng khán giả, nhất là sân khấu truyền thống. "Có thể thấy, nghệ thuật sân khấu Việt Nam trong công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải có những nhà hát với những trang thiết bị, cơ sở vật chất tương ứng, đặc biệt phải có đội ngũ sáng tạo và khán giả đều mang tầm tri thức của thời cách mạng công nghệ 4.0. Tại hội nghị này, tôi rất kỳ vọng vào sự đổi mới mạnh mẽ, để nền văn hóa văn nghệ được phát triển xứng tầm với phát triển đất nước".

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các tham luận của các đại biểu các tỉnh, thành xoay quanh các vấn đề như động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay; hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng môi trường văn hóa, nhiệm vụ quan trọng để phát triển văn hóa con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam và phát huy giá trị của các di sản văn hóa để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...

Từ 6 bài học kinh nghiệm được rút ra, Hội nghị Văn hóa toàn quốc thống nhất mục tiêu, định hướng và giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời gian tới. Trong đó tập trung xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Và để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, các bộ ngành địa phương, toàn ngành văn hoá tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hoá, sức mạnh và tinh thần cống hiến của toàn thể nhân dân Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 là sự kiện văn hóa-chính trị quan trọng, góp phần cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước hạnh phúc, phồn vinh.