Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, với vị trí là kinh đô của cả nước, Thăng Long không chỉ là nơi thử nghiệm tài năng dạy học của các bậc thầy, nơi học tập, rèn luyện khoa cử của biết bao lớp học trò ham học, mà còn là nơi tổ chức các kỳ thi Hội, thi Đình- các kỳ thi tuyển chọn nhân tài ở bậc học vị cao của cả nước.
"Vai trò trung tâm của Thăng Long Hà Nội trong giáo dục và khoa cử nho học suốt thời trung đại thể hiện ở hai ý lớn: Thứ nhất, đây là nơi có hệ thống trường công lớn nhất, có Văn Miếu - Quốc Tử Giám vốn là trường chỉ dành cho con của vua nhưng dần dần mở rộng ra con em của các thành phần, giai cấp xã hội. Bên cạnh đó, đây là nơi tập trung trí tuệ, đội ngũ thầy giáo giảng dạy tốt nhất. Thứ hai là ngoài Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì Thăng Long Hà Nội còn có một hệ thống trường công của các phủ huyện đào tạo, sơ tuyển những nhân tài cho các địa phương để về Văn Miếu - Quốc Tử Giám học tập tiếp hoặc là về thi cử".
Cũng theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, không chỉ có Quốc Tử Giám- trường công lập lớn nhất, trường Đại học duy nhất của cả nước trong hơn 800 năm trải qua các vương triều Lý, Trần, Hồ, Lê (gồm cả Lê sơ và Lê Trung hưng), Mạc, Thăng Long còn có một hệ thống trường tư khá nổi tiếng, góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước.

Lịch sử giáo dục khoa bảng Nho học Việt Nam được đánh dấu mốc bằng khoa thi đầu tiên năm 1075. Vào năm này, vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi Minh kinh bác học để kén chọn người tài, học rộng ra giúp nước, trực tiếp cho việc thành lập trường Quốc Tử Giám một năm sau đó (1076). Và vị Tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử khoa bảng Nho học Việt Nam chính là Lê Văn Thịnh.
Khoa thi này là bước tiến quan trọng và ý nghĩa trong lịch sử khoa cử Việt Nam, đánh dấu bước chuyển biến trọng yếu trong việc dùng Khoa cử làm phương thức chính để tuyển lựa quan lại cho bộ máy chính quyền nhà nước so với các hình thức phổ biến trước đó là Nhiệm cử (dùng con cháu quan lại cũ được tập ấm) và Tiến cử (giới thiệu người có tài đức nhưng không nhất định phải có trình độ văn hóa cao hoặc bằng cấp).
Theo TS sử học Nguyễn Hữu Tâm, chế độ chấm thi trong nền giáo dục khoa cử Nho học thời kỳ này rất nghiêm minh. Khi chấm thi thì Duyệt quyển có chế độ hồi Tỵ, tức là khi có người thân tham gia thi thì Khảo quan đó không được chấm thi. Thứ 2 là chế độ Niêm phong là phải niêm phong lại tên tuổi, họ tên, quê quán của thí sinh để cho người chấm thi không thể biết đó có phải là người thân hay những người nhờ vả mình hay không.
"Ngoài ra, để ngăn chặn tiêu cực trong các kỳ thi thì còn thêm cả chế độ Đằng lục. Tức là khi bài thi của thí sinh được đưa vào họ viết bằng bút đen thì Viện Đằng lục (những người viết chữ đẹp) sẽ chép lại y hệt chữ của thí sinh, nhưng viết bằng mực đỏ. Nhưng mà cũng lại để tránh gian lận thì lại tạo nên 1 người gọi là quan Đối độc để kiểm tra ngay những người Đằng lục. Nếu người Đằng lục viết khác đi thì quan Đối độc sẽ đếm chữ và khi đủ chữ rồi thì niêm phong lại và đưa Đằng lục màu đỏ cho quan chấm thi".

Xây dựng một chế độ chấm thi với đội ngũ quan chấm thi cũng là một nội dung quan trọng trong thời kỳ này. Để tăng cường tính nghiêm túc và chất lượng của các kỳ thi, các Khảo quan được cử vào giám sát các trường thi ở Phụng Thiên (Thăng Long) và Tứ trấn đều thuộc hạng Đại thần. Trong lịch sử khoa cử Việt Nam từng có quy định việc uống máu ăn thề nhằm ngăn ngừa những trường hợp Khảo quan có ý định lợi dụng chức vụ để tư túi cá nhân.
Nền khoa cử Nho học xưa với khoa thi đầu tiên vào năm 1075, chấm dứt với khoa thi cuối cùng vào năm 1919. Trong 844 năm tồn tại đã có 2.898 vị Đại khoa, trong đó có 45 Trạng Nguyên được ghi danh trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Một nhân vật xuất chúng từng đi qua trường thi Nho học đó là Chu Văn An bao đời nay đã được thờ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Văn Thánh miếu với tư cách là sư biểu của quốc gia.
Có thể khẳng định trong lịch sử, trường Quốc Tử Giám Thăng Long đã góp phần không nhỏ đào tạo nên một đội ngũ quan chức Nho học có trình độ, kiến thức để quản lý, điều hành đất nước.