Sau thời gian bình chọn trực tiếp từ 80 nhà báo theo dõi lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình đến từ 60 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương và trực tuyến tại địa chỉ: http://sukienvhttdl.bvhttdl.gov.vn trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; trên Báo Văn hoá điện tử và Báo điện tử Tổ quốc từ ngày 5 - 7/12/2023, Ban Tổ chức đã tổng hợp kết quả bình chọn từ hai hình thức và chọn ra 10 sự kiện tiêu biểu gồm:

1. Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam: Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Sau 80 năm, các luận điểm, quan điểm trong bản Đề cương vẫn tiếp tục được Đảng ta sáng tạo, khẳng định và hiện thực hóa. Những thành quả mà nền văn hóa Việt Nam có được hôm nay đều dựa trên các quan điểm từ bản Đề cương này.

Chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm 80 năm ra đời bản đề cương về văn hóa Việt Nam đã được Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp cùng các Ban, Bộ, ngành và địa phương tổ chức nhằm nhìn lại và tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn của bản đề cương. Điểm nhấn là Hội thảo khoa học quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” do Bộ VHTTDL, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Cùng với đó, Tuần phim kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam được tổ chức trên phạm vi toàn quốc; Triển lãm ảnh cùng chủ đề góp phần làm phong phú các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về sự kiện 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam; Lễ kỷ niệm và Chương trình nghệ thuật với chủ đề Đề cương Văn hóa Việt Nam- Những dấu ấn lịch sử để lại nhiều dấu ấn đặc biệt nhân dịp kỷ niệm trọng đại của dân tộc.

2. Lần đầu tiên tổ chức sự kiện “Tuyên dương 78 gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023” và Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc.

Có thể nói đây là một Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực đối với đội ngũ cán bộ ngành VHTTDL. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư chúc mừng Hội nghị, động viên đội ngũ cán bộ toàn ngành tiếp tục cố gắng, nỗ lực phấn đấu để đạt được những thành tựu mới. Trong thư, Tổng Bí thư tin tưởng rằng, những người làm công tác văn hóa nói chung, những gương điển hình tiên tiến được tuyên dương nói riêng cần luôn luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, phát huy vai trò tiên phong, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng, ý chí và quyết tâm xây dựng, phát triển đất nước ta ngày càng phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra”.

Cũng trong dịp kỷ niệm 78 năm ngày thành lập ngành, Bộ VHTT&DL đã lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Cán bộ Văn hóa toàn quốc. Hơn 1.000 cán bộ làm công tác văn hóa đã tham dự Hội nghị để gặp gỡ, cùng nhìn lại chặng đường đã đi qua và nhận diện các mô hình tiêu biểu trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở nhằm nhân rộng, lan tỏa trong đời sống xã hội.

3. Công nghiệp văn hóa có nhiều thành tựu nổi bật. Hội An, Đà Lạt được công nhận Thành phố sáng tạo của UNESCO. Đối với Đà Lạt, trở thành Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc là một tin vui ý nghĩa trong bối cảnh năm 2023, thành phố kỷ niệm 130 năm hình thành và phát triển. Thành phố mong muốn bên cạnh du lịch, tiềm năng của các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là âm nhạc sẽ đóng vai trò cốt lõi để thúc đẩy hội nhập quốc tế, phát triển đô thị bền vững, gắn kết các nhóm xã hội, dân tộc và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong khi đó, với nguồn vốn văn hóa giàu có, đa dạng, độc đáo được kết tinh từ lịch sử hàng trăm năm, là điểm giao thoa của nhiều nền văn hóa, Hội An được coi là nơi nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo của cộng đồng.

Năm 2023 cũng là năm ghi nhận nhiều điểm sáng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Việc tạo điều kiện tổ chức thành công 2 đêm diễn của nhóm nhạc BlackPink tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, nhiều địa chỉ như Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, làng nghề Lụa Vạn Phúc, thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái… liên tục đổi mới cách tiếp cận, khai thác để biến các lĩnh vực văn hóa thành nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, phát triển du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ đang cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong học hỏi, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; quyết tâm thực hiện mục tiêu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.

4. Tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I tại tỉnh Lai Châu, năm 2023. Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người”. Đây là minh chứng thiết thực thể hiện cụ thể hoá sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc, công tác phát triển chính sách, văn hoá, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, nhất là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; cũng như tập trung quảng bá tiềm năng, thế mạnh văn hóa, du lịch của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; thực hiện chính sách đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc.

Sự kiện còn tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc rất ít người; góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ trong việc bảo vệ văn hóa truyền thống. Đây cũng là dịp để lan tỏa, quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS, nhất là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người tới bạn bè trong nước và quốc tế; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các ban, bộ, ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

5. Việt Nam trúng cử Thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 – 2027. Ngày 22.11.2023 tại thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp, trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới (Công ước Di sản Thế giới), Việt Nam đã trúng cử trở thành Thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027. Có 173 quốc gia bỏ phiếu, 171 phiếu hợp lệ, Việt Nam đạt 121 phiếu, đứng thứ nhất trong nhóm 4 khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đứng thứ 2 trong tổng số 9 nước ở 5 khu vực được bầu, trong tổng số 195 quốc gia thành viên.

Với tư cách là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để đóng góp hơn nữa cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu và ưu tiên của Công ước Di sản Thế giới, chia sẻ các kinh nghiệm trong xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển các Di sản Thế giới tại Việt Nam như Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay đã khẳng định: “Việt Nam là điển hình thành công trong kết nối giữa phát triển kinh tế và văn hóa; và là một hình mẫu tốt về bảo tồn môi trường và phát triển du lịch bền vững”.

6. Thể thao Việt Nam lần đầu tiên dẫn đầu bảng tổng sắp khi thi đấu ở nước ngoài tại Đại hội thể thao lớn khu vực Đông Nam Á - SEA Games 32, tổ chức tại Campuchia tháng 5.2023.

Tham dự Đại hội lần này, Đoàn Thể thao Việt Nam không chỉ vượt chỉ tiêu số lượng huy chương vàng, mà một số môn thể thao và một số vận động viên đã đạt được những thành tích đặc biệt xuất sắc, phá 12 kỷ lục và thiết lập 4 kỷ lục SEA Games (02 kỷ lục môn Bơi, 4 kỷ lục môn Cử tạ, 6 kỷ lục môn Lặn và thiết lập 04 kỷ lục môn Lặn). Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều vận động viên xuất sắc ở các môn thể thao Olympic: Môn Điền kinh, vận động viên Nguyễn Thị Oanh giành 04 Huy chương Vàng các nội dung: 1.500m; 3000m vượt chướng ngại vật, 5.000m và 10.000m; môn Bơi, vận động viên Phạm Thanh Bảo giành 02 Huy chương Vàng và phá 02 kỷ lục SEA Games, vận động viên Trần Hưng Nguyên và Nguyễn Huy Hoàng giành 03 huy chương vàng. Vận động viên Nguyễn Quốc Toàn môn Cử tạ giành 01 HCV và phá 3 kỷ lục SEA Games 32 (nội dung cử giật, cử đẩy và tổng cử). Đặc biệt vận động viên trẻ nhất đoàn thể thao Việt Nam, Lê Khánh Hưng giành 01 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Bạc môn Golf. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử các môn Olympic giành được huy chương vàng tại SEA Games đánh dấu vào bản đồ thành tích của Đại hội: Golf (01 Huy chương Vàng), Bóng rổ 3 x 3 (01 Huy chương Vàng).

7. Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham dự Vòng chung kết FIFA World Cup nữ 2023. Đây là thành tích có ý nghĩa lịch sử của bóng đá nước nhà nói riêng và bóng đá Đông Nam Á nói chung. Dù không thể tạo nên bất ngờ khi thua cả 3 trận trước Mỹ, Bồ Đào Nha và Hà Lan tại vòng bảng nhưng các cô gái của chúng ta đã để lại dấu ấn đậm nét về một tinh thần Việt Nam không bao giờ từ bỏ trước khó khăn, thử thách, luôn ra sân thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo và người hâm mộ.

Quốc kỳ Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện, quốc ca Việt Nam lần đầu tiên được vang lên tại World Cup 2023 mang lại tự hào rất lớn cho hàng triệu người hâm mộ quê nhà. Thầy trò HLV Mai Đức Chung chính là niềm tự hào to lớn của bóng đá Việt Nam, họ không chỉ đại diện cho màu cờ sắc áo của Tổ quốc trên đấu trường thế giới, mà còn là những người cầm ngọn đuốc thắp sáng niềm tin thay đổi toàn diện nền bóng đá nữ của Việt Nam. Thông qua ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, HLV Mai Đức Chung và các học trò không chỉ khẳng định sự phát triển và hội nhập của bóng đá Việt Nam trên đấu trường quốc tế mà còn là những “sứ giả” quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

8. Bắn súng Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành huy chương vàng tại Đại hội Thể thao châu Á - Asian Games. Thời khắc lịch sử của bắn súng Việt Nam đã được ghi tại Asian Games 19 vào ngày 28.9.2023 khi xạ thủ Phạm Quang Huy xuất sắc trở thành xạ thủ đầu tiên mang về chiếc HCV quý giá tại đấu trường lớn nhất châu lục. Điều tuyệt vời, Quang Huy chính là con của xạ thủ lừng danh một thời của bắn súng Việt Nam - Phạm Cao Sơn (Hải Phòng), từng giành hơn 20 HCV SEA Games, mẹ anh cũng là một xạ thủ. Sinh ra trong một gia đình giầu truyền thống về thể thao, Phạm Quang Huy đã trở thành xạ thủ ghi danh vào lịch sử của bắn súng Việt Nam nói riêng và Thể thao Việt Nam nói chung.

Với điểm số 240.5, Quang Huy đã đánh bại xạ thủ Lee Won Ho (Hàn Quốc) trong loạt bắn chung kết để giành tấm huy chương vàng đầu tiên cho bắn súng Việt Nam ở đấu trường Asian Games. Đồng thời đây cũng là huy chương vàng đầu tiên của Đoàn thể thao Việt Nam tại Asian Games 19 sau nhiều ngày chờ đợi. Chiếc huy chương vàng của Phạm Quang Huy không chỉ có ý nghĩa to lớn với Bắn súng Việt Nam mà còn giúp cho Đoàn Thể thao Việt Nam giải toả “cơn khát vàng” sau 5 ngày chờ đợi. Đây cũng là chiếc HCV có ý nghĩa động viên, khích lệ tinh thần thi đấu của các VĐV trong những ngày thi đấu sau đó.

9. Ngày 14/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP về việc thực hiện áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và Nghị quyết số 128/NQ-CP nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với 13 nước được đơn phương miễn thị thực. Nghị quyết này được coi là sự “cởi trói” đúng lúc cho ngành Du lịch, phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, đồng thời phù hợp với xu thế mở cửa của các nền kinh tế trên thế giới. Các giải pháp mang tính đột phá này đã khẳng định chủ trương mở cửa đối với người nước ngoài đến Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch tới Việt Nam.

Theo đó, Nghị quyết số 127/NQ-CP về việc áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ; các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử có hiệu lực đã quy định về việc cấp thị thực điện tử (E-Visa) cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ.

Nghị quyết số 128/NQ-CP về việc nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với công dân 13 nước. Bao gồm: Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Anh và Bắc Ireland, Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus. Nghị quyết được ban hành không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Trước đó, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, thời hạn tạm trú đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được mở rộng lên 45 ngày, tăng 30 ngày so với thời hạn quy định trong Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014.

10. Du lịch Việt Nam đoạt nhiều giải thưởng của Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới năm 2023. Năm 2023, Việt Nam tiếp tục đoạt hàng loạt giải thưởng tại Lễ trao giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards- WTA). Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) vừa diễn ra tại thành phố Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) đã vinh danh Việt Nam là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới năm 2023. Đây là lần thứ 4 Việt Nam đón nhận giải thưởng danh giá này sau 3 lần trước vào năm 2019, 2020 và 2022.

Hà Nội vinh dự nhận danh hiệu “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Thế giới 2023”. Đảo ngọc Phú Quốc đạt danh hiệu “Điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới 2023”; Mộc Châu được tôn vinh là “Điểm đến thiên nhiên địa phương hàng đầu thế giới 2023”; Hà Nam giành được giải thưởng “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới 2023”; Tam Đảo đạt danh hiệu “Điểm đến thị trấn hàng đầu thế giới 2023”, cùng nhiều hạng mục giải thưởng khác dành cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch của Việt Nam.

Trước đó, ở Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương lần thứ 30 năm 2023 diễn ra tại TP.HCM tối 6.9.2023, Việt Nam đoạt hàng loạt giải thưởng du lịch hàng đầu châu Á- Thái Bình Dương 2023.

Ở cấp quốc gia, Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á 2023” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2023”. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam xuất sắc đạt danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á 2023”.

Những giải thưởng này là sự ghi nhận của bạn bè, đối tác quốc tế trên toàn thế giới đối với du lịch Việt Nam, tiếp tục là động lực để Việt Nam khai thác tiềm năng du lịch to lớn, không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; lan tỏa sức hấp dẫn, thu hút du khách quốc tế trên toàn cầu đến khám phá và trải nghiệm trọn vẹn tại Việt Nam.