Vào năm 1979, sau chuyến công tác lên vùng biên giới phía Bắc, nhà thơ Dương Soái, khi đó là phóng viên của Đài phát thanh Hoàng Liên Sơn đã sáng tác bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng”. Một năm sau, năm 1980, nhạc sỹ Thuận Yến tình cờ đọc được bài thơ và đã quyết định phổ nhạc. Ca khúc này ngay lập tức được nhiều người yêu thích và trở thành bài hát nổi tiếng giai đoạn đó.
Có một chi tiết rất thú vị trong ca khúc “Gửi em ở cuối sông Hồng” chính là câu hát “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” đã nhắc tới một địa điểm rất cụ thể nằm ở địa phận huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, đó là A Mú Sung, cột cờ Lũng Pô và cột mốc 92.
Để đến cột cờ Lũng Pô, từ trung tâm tỉnh Lào Cai, chúng ta phải vượt qua 100 cây số qua những cung đường dốc quanh co, khúc khuỷu. Giữa màu xanh của bạt ngàn cây cối, cột cờ Lũng Pô hiện ra sừng sững giữa đất trời biên cương với lá đại kỳ bay phấp phới giữa nắng và gió.
“Cột cờ Lũng Pô được xây dựng từ ngày 26/03/2016, đến đầu năm 2018 thì đưa vào sử dụng. Nguồn vốn để xây dựng cột cờ là 17 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa do Tỉnh đoàn Lào Cai kêu gọi đầu tư” - chị Mò Thị Ngoan, thành viên tổ quản lý du lịch của huyện Bát Xát cho biết.
Trước đây, khi cột cờ Lũng Pô chưa được xây dựng, khu vực này vốn là trạm biên phòng A Mú Sung. Trên diện tích 2.100 mét vuông, cột cờ Lũng Pô gồm cột cờ chính cùng phần ngoại cảnh với các hạng mục sân cỏ, bãi đỗ xe, tường rào bao quanh rộng rãi và căn nhà điều hành chuyển đổi công năng từ nhà công vụ của biên phòng.
“Cột cờ Lũng Pô có những chi tiết rất thú vị. Chẳng hạn, những hàng cầu thang đi lên giống hệt với cột cờ Lũng Cú. Nếu lá cờ trên đỉnh cột cờ Lũng Cú là 54 mét vuông tượng trưng cho 54 dân tộc anh em sinh sống trên dải đất hình chữ S thì lá cờ trên đỉnh của cột cờ Lũng Pô là 25 mét vuông tượng trưng cho 25 dân tộc sinh sống ở mảnh đất Lào Cai” - anh Trần Văn Nhuệ, một người dân địa phương cho biết.
Muốn lên đỉnh cột cờ, du khách phải vượt qua 125 bậc thang thiết kế theo hình xoắn ốc. Đứng ở nơi cao nhất, chúng ta có thể phóng tầm mắt để ngắm quang cảnh hùng vĩ, bao la của núi rừng, đặc biệt là nhìn thấy dòng nước xanh của con suối Lũng Pô hòa cùng với dòng sông Hồng để chảy vào nước Việt. Anh Hà Xuân Hồng, hướng dẫn viên Công ty TNHH Lion Trip Việt Nam cho biết, công trình cột cờ Lũng Pô không chỉ có ý nghĩa quan trọng khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, mà còn là sự tôn vinh những người anh hùng đã ngã xuống vì độc lập chủ quyền biên giới Tổ quốc.
“Quý khách khi đến với cột cờ Lũng Pô đều rất yêu thích bởi đây là địa điểm tham quan mang tầm vóc lịch sử và văn hóa rất lớn của tỉnh Lào Cai. Tại đây, những người lính biên phòng và người dân A Mú Sung đã cùng nhau chiến đấu vô cùng anh dũng để giữ trọn từng tấc đất biên cương của Tổ quốc”.
Lần đầu tiên đặt chân lên cột cờ Lũng Pô, ông Mai Thế Việt, 81 tuổi, ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang không khỏi xúc động khi được tận mắt ngắm nhìn cột cờ Lũng Pô hiên ngang đứng giữa đất trời miền biên viễn: “Thật tự hào khi thấy cột cờ Lũng Pô đứng sững sững và hiên ngang nơi ba con sông hợp giang lại chảy vào đất nước Việt Nam. Mặc dù tuổi cao tôi cũng cố gắng leo lên tới đây để ngắm nhìn lá cờ Việt Nam đang tung bay trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc”.
Từ khi hoàn thành, có rất nhiều buổi lễ chào cờ trang nghiêm đã được tổ chức tại chân cột cờ Lũng Pô và cột mốc 92, biến nơi này trở thành địa chỉ đỏ mang ý nghĩa giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống uống nước nhớ nguồn.
“Mỗi một lần chào cờ ở đây đều mang lại cho mình những cảm xúc rất đặc biệt, bởi vì, đây là cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là một vinh dự lớn với mỗi người và càng làm tăng thêm lòng tự hào, tự tôn dân tộc với đất nước mình” - Bạn Trần Văn Mạnh, một đoàn viên của tỉnh Lào Cai cho biết.
Trên ngã ba sông huyền thoại, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay giữa bát ngát trời xanh Lũng Pô, soi bóng xuống dòng sông Hồng mới đẹp đẽ, thiêng liêng và kiêu hãnh làm sao. Tin rằng, Lũng Pô sẽ có nhiều khách đến thăm hơn nữa để được cảm nhận vẻ đẹp, tấm lòng mến khách và khí phách anh hùng của đất và người nơi đây.
Mời nghe âm thanh tại đây: