Thông tin từ Sở Du lịch, tính đến hết tháng 9/2023, Đà Nẵng có 34 đường bay gồm 8 đường bay nội địa và 26 đường bay quốc tế, trong đó có 15 đường bay trực tiếp thường kỳ và 11 đường bay trực tiếp thuê chuyến kết nối với Incheon, Daegu, Cheongju, Busan (Hàn Quốc); Bangkok, Chiangmai (Thái Lan); Kualalumpur (Malaysia), Singapore; Đài Bắc, Cao Hùng (Đài Loan, Trung Quốc); Siêm Riệp (Campuchia); Hongkong, Macao (Trung Quốc); Narita (Nhật Bản) và Viêng-Chăn (Lào). Tần suất các chuyến bay đến Đà Nẵng đạt khoảng 110-118 chuyến/ngày, trong đó có khoảng 45-48 chuyến quốc tế; 65-70 chuyến nội địa.

Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, kể từ sau dịch Covid-19, nhu cầu của khách thay đổi, cơ cấu đoàn khách cũng thay đổi, lượng khách du lịch đi theo nhóm nhỏ, nhóm gia đình chiếm tỷ lệ rất cao, khoảng 80% tổng lượt khách lưu trú tại Đà Nẵng, khách du lịch đi theo đoàn do các đơn vị lữ hành khai thác chiếm tỷ lệ 15-20% trong tổng số khách lưu trú. Bên cạnh đó, thị hiếu du khách của một số thị trường trọng điểm, tiềm năng như Hàn Quốc (đang chiếm tỷ lệ 48%) dự kiến có xu hướng dịch chuyển đến những điểm đến mới có nhiều sản phẩm mới; thị trường Trung Quốc (năm 2019 chiếm tỷ lệ 20%) chưa có dấu hiệu phục hồi; thị trường tiềm năng Ấn Độ đang gặp khó khăn trong việc mở đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng… Chưa kể, các hãng hàng không gặp khó khăn do quy định về việc cấp slot bay (kế hoạch thời gian đến hoặc đi từ một sân bay dành cho một máy bay vào một ngày, giờ nhất định).

Nhận thức được những khó khăn này sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút khách quốc tế đến Đà Nẵng nên thời gian qua, chính quyền thành phố và ngành Du lịch rất nỗ lực trong việc xúc tiến, quảng bá, kết nối để mở các đường bay mới. Như làm việc với Hãng hàng không Emirates về mở đường bay đến UAE; làm việc với Hàng hãng không Indigo, Vistara và Air India về mở lại đường bay đến Ấn Độ; phối hợp với Công ty CP Đầu tư và Khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng làm việc với đại diện Cảng hàng không Fukuoka về xúc tiến đường bay đến Fukuoka (Nhật Bản); xúc tiến mở đường bay Osaka (Nhật Bản), Cebu (Philippines)…, bà Trương Thị Hồng Hạnh thông tin.

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn đối với thị trường khách Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Thái Lan... khi sở hữu hàng loạt thế mạnh về du lịch nghỉ dưỡng biển, hội tụ các thương hiệu khách sạn nổi tiếng thế giới, các công viên giải trí chuyên đề đặc sắc, hoạt động giải trí đêm cùng văn hóa ẩm thực phong phú. Ngoài ra, Đà Nẵng còn có lợi thế kết nối đến các di sản văn hóa thế giới và được vinh danh là Điểm đến lễ hội - sự kiện hàng đầu châu Á. Vì thế, Sở Du lịch Đà Nẵng cam kết những hỗ trợ cụ thể đối với hãng hàng không khi khai thác đường bay đến Đà Nẵng như: tổ chức quảng bá đường bay mới thông qua chương trình chào đón đường bay đầu tiên và các chương trình xúc tiến nước ngoài. Là đầu mối kết nối hãng hàng không với các đơn vị kinh doanh du lịch để hình thành gói sản phẩm ưu đãi, hấp dẫn để chào bán, thu hút trao đổi khách giữa Đà Nẵng với các thành phố mở đường bay đến Đà Nẵng.

Chia sẻ với phóng viên VOV2, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, việc tìm kiếm, mở rộng thị trường khách du lịch là rất cần thiết bởi những thị trường mới này sẽ bù đắp cho những thị trường truyền thống còn thiếu hụt trước đây. Tuy nhiên, cùng với việc xúc tiến, kết nối đối tác rất cần sự tham gia của các hãng hàng không để sớm có đường bay, tạo thuận lợi cho việc đi lại của du khách. Về dài hạn, cần tập trung ngân sách quảng bá xúc tiến du lịch; xây dựng mạng lưới văn phòng đại diện ở nước ngoài để quảng bá cho du lịch Việt Nam nói chung, các địa phương trong đó có Đà Nẵng nói riêng…

Đồng quan điểm với ông Cao Trí Dũng, bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng khẳng định, ngành Du lịch thành phố sẽ tiếp tục khảo sát tìm kiếm những thị trường, phân khúc thị trường mới, tiềm năng; nghiên cứu xu hướng, thị hiếu khách du lịch tại các thị trường trọng điểm và tiềm năng; tổ chức hoạt động kích cầu du lịch phù hợp. Đặc biệt đẩy mạnh các thị trường quốc tế trọng điểm và truyền thống tại khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á kết hợp thu hút các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Australia, Mỹ và Bắc Âu; khôi phục các đường bay quốc tế thường kỳ, charter (thuê chuyến) từ Trung Quốc; đường bay Đà Nẵng - Doha (Qatar) để kết nối lại thị trường Bắc Mỹ, châu Âu; mở rộng đường bay đến Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản (Nagoya, Osaka), Philippines, Phuket, Đông Bắc Thái Lan, Gangwon (Hàn Quốc), Úc…