Qua bao núi thẳm rừng sâu với những ghềnh thác dữ dội mà không kém phần nên thơ, dòng sông Mã xuôi về miền đồng bằng xứ Thanh để làm nên những ruộng đồng phù sa màu mỡ. Và rồi, không chỉ góp phần làm cho văn minh Việt phát triển rực rỡ bởi nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng, sông Mã còn sản sinh ra một điệu hò vô cùng độc đáo.

Từ xa xưa, người dân xứ Thanh đã cùng con đò dọc, đò ngang chinh phục thác ghềnh sông Mã để vận chuyển hành khách, hàng hóa lên rừng, xuống biển. Quá trình lái đò ngược xuôi sông Mã, những cư dân làm nghề đã tự tạo niềm vui cho mình ngay trong những phút giây lao động nhọc nhằn, gian khó bằng những điệu hò để bày tỏ tâm tư, nỗi niềm với khách đi đò với lời ca dung dị, gần gũi.

Theo ông Vũ Công Chí, nguyên Trưởng phòng Văn nghệ quần chúng, Trung tâm văn hóa tỉnh Thanh Hóa, thường ở đâu có sông nước, ở đó có những làn điệu hò, nhưng riêng hò sông Mã mang một đặc trưng riêng: "Người ta nói sông Mã như con ngựa, sông Mẹ, sông Mạ, nó có những thác gềnh nhiều thì rất phong phú các làn điệu, trữ tình có, mạnh mẽ có, rồi liên quan đến tâm linh cũng có”.

Với ông Ngô Quang Sơn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa thì hò sông Mã là những câu hò mạnh mẽ, thắm đượm nghĩa tình. Những câu hò mỗi khi cất lên sẽ khiến người nghe cảm nhận được tâm hồn, cốt cách của người dân xứ Thanh ẩn chứa trong đó: “Mỗi làn điệu đều mang những dấu ấn riêng. Qua quá trình đưa đò sẽ phát triển ra những điệu hò, chẳng hạn hò làn ai, hò niệm phật. Những lúc xuôi ngược trên dòng sông Mã bị mắc cạn thì có hò mắc cạn, động viên nhau đẩy thuyền...”.

Sự phát triển của tàu bè, xuồng máy hiện đại đã giúp cho việc vận chuyển hàng hóa và hành khách nhanh hơn, đồng nghĩa những con đò ngang, đò dọc dần bị lùi vào quá khứ. Tuy nhiên, điệu hò sông Mã vẫn còn đó và đang "sống" cùng người dân.

Ở huyện Hà Trung có anh Nguyễn Văn Long và chị Trần Thị Huệ - Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù và hò sông Mã, là những người đang cố gắng giữ gìn và truyền lại cho các thế hệ con cháu. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng vì lòng yêu nghề nên anh chị đã không ngừng đào tạo, truyền dạy cho những người yêu thích.

"Hò sông Mã rất đa dạng về thang âm điệu thức. Những câu hò theo nhịp chèo vừa để đỡ mệt, vừa cổ vũ, trấn an, động viên tinh thần của cả người chèo đò và khách. Nếu hò sông nước miền Nam Bộ chèo để hò, thì hò sông Mã lại ngược lại - hò để chèo. Trên mỗi đoạn sông là một môi trường lao động khác nhau. Ví như sông mà phẳng lặng thì điệu hò và cách chèo đò sẽ khác chứ không phải đoạn nào cũng chèo, cũng hò giống nhau”, chị Trần Thị Huệ cho biết.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà chị Trần Thị Huệ được bà con nơi đây mệnh danh là “nghệ nhân hò sông Mã". Vốn có chất giọng trong trẻo đi vào lòng người, lại sớm được tiếp xúc với những làn điệu hò từ nhỏ, được thừa hưởng cái “gen” từ các nghệ nhân đi trước nên chị hò rất hay, mỗi khi cất lời như mời gọi, như níu kéo...

Hò sông Mã ra đời ở môi trường lao động trên sông nước, vì thế, phải trên môi trường ấy, phải có thuyền để dậm chân thì mới có thể hò hoặc vận ra những câu hò. Dậm chân chính là “tiết tấu gõ”, là xương sống của hò sông Mã mà thiếu nó thì không thành hò sông Mã đúng nghĩa được.

“Khi mà khách đã xuống đò đầy đủ rồi thì đò bắt đầu rời bến. Đò di chuyển nặng nhọc sẽ hò nhịp 1 và chân dập nhịp 1 thì đò mới xuất trình đi được. Dô khoan dô huẩy/ Dô khoan dô huẩy/ Tôi mới kể là kể từ trên bến/ Dô khoan dô huẩy/ Từ trên bến, bến rà xuôi/ Dô khoan dô huẩy/ Ơ chứ anh phu mà cầm lái/ Dô khoan dô huẩy/ Hỡi anh em ta cầm chèo/ Dô khoan dô huẩy/ Dô khoan dô huẩy” – Anh Nguyễn Văn Long nêu ví dụ.

Thời gian qua, CLB Ca trù và hò sông Mã huyện Hà Trung đã hoạt động khá tích cực. Nhờ điệu hò sông Mã mà anh Long và chị Huệ đã đoạt được những giải Nhất, giải Nhì trong các cuộc thi âm nhạc, dân ca vùng miền do huyện, tỉnh tổ chức. Cùng với đó, những làn điệu hò cổ cũng được các nghệ nhân truyền dạy lại cho thế hệ trẻ, với mong muốn gìn giữ cho mai sau:

“Làng tôi có một vài cụ ngày xưa chở đò nên bản thân tôi cũng đã ít nhiều biết các làn điệu. Tuy nhiên, khi biết CLB có nghệ nhân Kim Huệ và nghệ nhân Văn Long, những người rất tâm huyết với hò sông Mã đang muốn truyền dạy lại cho mọi người thì tôi đã tham gia. Tập hò sông Mã tuy khó, vất vả... nhưng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng” - chị Lê Thị Uyên, một thành viên của CLB chia sẻ.

Kho tàng hò sông Mã vô cùng phong phú, dù không có nhạc cụ nhưng những ca từ lúc thì đầy khí thế, lúc lại sâu lắng mang đậm vẻ mộc mạc, chân chất của những người dân sống ven sông Mã, tạo nên một thứ "tài sản" vô giá của vùng đất xứ Thanh.

Xin mời nghe âm thanh tại đây: