Từ Hà Nội máu lửa...
Tháng 12 năm 1972, Hà Nội trở thành tâm điểm của cả thế giới khi phải đối mặt với chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” - cuộc ném bom ác liệt nhất của Không quân Hoa Kỳ kể từ Thế chiến thứ hai. Những “pháo đài bay” B-52 trút hàng nghìn tấn bom xuống Thủ đô. Nhưng cũng tại nơi đây, tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" một lần nữa bừng cháy.
Trong suốt 12 ngày đêm khói lửa, bộ đội phòng không bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B-52, những “pháo đài bay” tưởng chừng bất khả xâm phạm. Là một trong số ít những phóng viên chiến trường có mặt giữa mưa bom bão đạn, NSƯT, đạo diễn Phạm Việt Tùng vẫn còn nhớ như in từng khung hình ông ghi lại được trong thời khắc khốc liệt ấy.
“Tôi phải tìm một vị trí cao nhất thành phố để quay phim, và lúc đó là khách sạn Hòa Bình trên phố Lý Thường Kiệt. Tôi trèo lên tận mái, mà trên mái lại có một bể nước cạn, không có nước, ban ngày ở dưới không bơm lên được. Tôi đứng trên đó, vừa canh máy bay địch vừa quay. Mỗi khi có thông báo máy bay địch cách Hà Nội khoảng 100 cây số, tôi và anh em lại leo lên mái. Mảnh đạn, pháo nó rơi rào rào trên mặt ruộng rất nhiều, chỉ cần vào đầu một tí thôi là mình chết. Thế nhưng chúng tôi vẫn cố gắng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Đến giải phóng miền Nam hào hùng
Trong kháng chiến chống Mỹ, khi nam giới ra trận, hậu phương miền Bắc vững vàng nhờ bàn tay và trái tim của hàng triệu phụ nữ. Phong trào “Ba đảm đang” ra đời, khẳng định vai trò to lớn của phụ nữ trong sản xuất, chiến đấu và xây dựng đời sống mới. Họ thay chồng cày ruộng, lái máy, vận hành hợp tác xã, thậm chí cầm súng bảo vệ quê hương.
Bà Đặng Thị Ty, nữ dân quân Trung đội pháo 12ly7 kể lại: Phong trào “Ba đảm đang” xuất phát từ phong trào “Ba đảm nhiệm”, mà “Ba đảm nhiệm” thì lại xuất phát từ chính làng tôi (thuộc huyện Đan Phượng, Hà Nội). Có lần, nhà văn Trọng Đắc về xã để công tác, khi tôi đưa ông ấy vào xóm thấy một chị phụ nữ chồng đi bộ đội mà ở nhà lại lợp nhà bằng cách buộc rơm vào chảo đeo lên người như cái balo rồi leo lên nóc để lợp nhà, cái đó là thay chồng. Cái thay chồng thì nhiều lắm nhưng trong đó có cái đặc biệt là lợp nhà thì người ta thấy và kết luận là thay chồng làm việc gia đình”.
Những việc nhỏ bé tưởng chừng vụn vặt ấy lại chính là minh chứng lớn lao cho ý chí bền bỉ của hậu phương - ý chí không bao giờ chịu lùi bước. Chính từ lòng dân sâu bền ấy, từ những người phụ nữ "thay chồng" giữa đời thường, mà đất nước mới có được một hậu phương vững chãi đến vậy, trở thành tiền đề cho chiến thắng cuối cùng thống nhất đất nước.

Đúng 10 giờ 45 phút đội hình tiến công tiếp cận Dinh Độc Lập, xe tăng 843 dẫn đầu đã lao vào cổng phụ và bị kẹt lại. Không chần chừ, xe tăng 390 lập tức xông lên, húc đổ cánh cổng chính, mở toang "cánh cửa" lịch sử. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận nhanh chóng nhảy khỏi xe, chạy lên nóc Dinh hạ lá cờ của chính quyền Sài Gòn và kéo cao lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Tuy đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng âm vang của những ngày tháng lịch sử ấy vẫn vọng mãi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Những chiếc xe tăng từng lăn xích qua chiến trường nay đã nằm yên trong các bảo tàng, trở thành chứng tích sống động của một thời máu lửa.
Không chỉ là hiện vật, trong ký ức của người lính, người dân, hình ảnh xe tăng còn là biểu tượng của sức mạnh và niềm tin tất thắng. Từ Hà Nội máu lửa năm 1972 đến Sài Gòn hào hùng năm 1975, đó không chỉ là hành trình chiến thắng mà là hành trình của lòng dân, của khát vọng sống trong hòa bình, độc lập, tự do.