Nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi, tạo ra đột phá trong việc phát triển du lịch cũng như khắc phục các tồn tại, hạn chế của ngành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về du lịch vào tháng 3/2023, qua đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Nghị quyết đã xác định 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: (1) Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững, (2) Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, (3) Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia, (4) Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, (5) Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, (6) Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và (7) Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết: Nghị quyết số 82/NQ-CP là một bước quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với ngành Du lịch, sự chủ động, hành động quyết liệt, có trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương cũng như sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm cao trong việc đồng hành cùng ngành du lịch vượt qua khó khăn của cộng đồng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và toàn thể nhân dân trong cả nước. Tất cả đều hướng tới mục tiêu để ngành du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm theo hướng “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn gian - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo ông Vũ Thế Bình- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Nghị quyết 82 đã nêu rõ những nhiệm vụ mà ngành phải thực hiện để đẩy nhanh sự phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững. Nhận thức được tầm quan trọng cũng như thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình, Hiệp hội Du lịch đã vận động các doanh nghiệp để triển khai Nghị quyết này, vạch ra những vấn đề cụ thể trong các lĩnh vực: điều chỉnh lại thị trường, xây dựng các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động của ngành, triển khai xúc tiến du lịch, đặc biệt là đi vào các nhánh sản phẩm cụ thể, thích ứng với thị trường, nhằm thu hút khách quốc tế.
Tại hội nghị, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng chia sẻ sự chủ động của ngành du lịch địa phương trong việc triển khai Nghị quyết 82 và được cộng đồng doanh nghiệp nhiệt tình hưởng ứng.
"Đây là một trong những nghị quyết cụ thể hóa chủ trương phát triển du lịch trở thành một trong những trụ cột của thành phố và Đà Nẵng cũng xác định du lịch là một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế nên chúng tôi đã tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết này đến cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó chúng tôi đã triển khai hàng loạt các hành động cho Nghị quyết này bằng việc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan xúc tiến du lịch địa phương thiết kế, định hướng hệ sinh thái sản phẩm mới phù hợp với cấu trúc ngành đã thay đổi cơ bản sau đại dịch. Qua đó chuẩn bị các nhóm sản phẩm hướng đến nhu cầu chuyên sâu, nhỏ lẻ, tăng trải nghiệm, tăng giá trị cho du khách. Cụ thể 5 trụ cột sản phẩm đã được Đà Nẵng xác định là: sản phẩm nghỉ dưỡng biển, du lịch di sản kết nối với Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam; du lịch MICE vì Đà Nẵng đã 2 lần được công nhận là Điểm đến lễ hội, sự kiện hàng đầu Châu Á; tập trung vào sản phẩm du lịch đô thị với tư cách Đà Nẵng là đầu tầu kinh tế của miền Trung và cuối cùng là du lịch sinh thái. Đồng thời chúng tôi xác định các thị trường mới, thị trường tiềm năng để xúc tiến nhanh, mạnh và sâu rộng vào các thị trường này. Cùng với đó là tăng năng lực phục hồi của hệ thống dịch vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo môi trường an ninh, an toàn, thân thiện", ông Cao Trí Dũng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tin tưởng rằng, từ nay đến cuối năm, với tinh thần chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, chắc chắn du lịch Việt Nam sẽ sớm phục hồi và trở lại đà tăng trưởng như trước đây, tiếp tục phát triển hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
5,5 triệu lượt khách quốc tế và 64 triệu lượt khách nội địa trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Du lịch Việt Nam đã chứng minh cho niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Cùng với đó, đã và đang từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, khẳng định hình ảnh, vị thế và uy tín của Việt Nam.