Hôm nay 1/11, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Trước đó, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình này.
Cụ thể, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 là 256.250 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng, gồm: vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện được bố trí tối thiểu 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%); vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).
Giai đoạn 2031-2035, dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình là 134.000 tỷ đồng.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban này cơ bản nhất trí với dự kiến tổng mức đầu tư và các nguồn vốn để thực hiện chương trình. Việc bố trí nguồn lực thỏa đáng là cần thiết để cụ thể hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng cho rằng, một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng tổng mức đầu tư của chương trình là rất lớn.
Do vậy, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện chương trình bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách.
Chỉ nên xây trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài khi thu bù được chi
Liên quan đến chủ trương đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, Đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng đây là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, Đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho rằng, trước mắt việc xây dựng trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài nên ưu tiên lựa chọn các quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài; có nhiều người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc; có các đối tác dẫn đầu về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
"Cần đánh giá kỹ lưỡng hơn về phạm vi, quy mô cũng như cân đối nguồn lực để xác định danh mục, lộ trình triển khai việc đầu tư xây dựng. Đồng thời, có kế hoạch cụ thể phát huy tối đa quảng bá hình ảnh, đất nước, con người, du lịch Việt Nam...", Đại biểu Trần Thị Thanh Hương phát biểu.
Ủng hộ chủ trương đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài nhưng đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cũng đề nghị cân nhắc thật kỹ về tính hiệu quả.
Bản chất việc xây dựng các Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài là xuất khẩu văn hóa, quảng bá văn hóa. Và điều này phụ thuộc rất lớn vào khẩu vị văn hóa, sự yêu thích, mối quan hệ giữa hai quốc gia. Nếu xây dựng cần phải đảm bảo tính lưỡng dụng cao.
"Nếu triển khai xây dựng cần đảm bảo tính lưỡng dụng cao. Là nơi quảng bá văn hóa, biểu diễn, trưng bày, tổ chức hội nghị, hội thảo, hội chợ.... Để tăng tính hiệu quả, chúng ta chỉ xây khi dự kiến thu đủ bù chi. Bởi khi xây dựng thì có kinh phí của Chương trình mục tiêu nhưng sau này phải có kinh phí thu được từ các hoạt động của Trung tâm để trang trải duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp....", Đại biểu Nguyễn Anh Trí kiến nghị.
Năng lực cán bộ làm văn hóa quyết định thành công của chương trình
Phát biểu trong phiên thảo luận sáng nay (1/11), Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long lưu ý, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa phụ thuộc nhiều vào năng lực cán bộ công chức, viên chức văn hóa tại cơ sở.
Bà Thanh cho rằng hiện nay, năng lực đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa của một bộ phận cán bộ không đáp ứng được yêu cầu quản lý văn hóa trong cơ chế thị trường.
Khả năng thích ứng trước những thay đổi của công nghệ thông tin, sự giao thoa, du nhập văn hóa còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa lại có rất nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đòi hỏi đội ngũ thực hiện phải có kiến thức, kỹ năng và sự chuyên nghiệp.
"Vì vậy việc đào tạo tập huấn, bồi dưỡng, bố trí nhân lực đáp ứng được nhiệm vụ này là rất quan trọng và cấp bách, quyết định sự thành công của chương trình. Do đó tôi đề nghị cần ưu tiên xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm cần được triển khai sớm nhất", Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh kiến nghị.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng băn khoăn về tính khả thi khi Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu 100% các đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa đánh giá, đây là mục tiêu cực kỳ khó khăn, đặc biệt khi chất lượng, năng lực cán bộ văn hóa ở cơ sở còn những hạn chế nhất định.
"Mặc dù cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đang được đẩy mạnh nhưng không chỉ cán bộ cơ sở mà ngay cả cán bộ văn hóa cấp huyện thực hiện việc này cũng rất khó khăn. Do vậy, cân nhắc việc đặt ra mục tiêu về chuyển đổi số này liệu có phù hợp thực tế hay không?", đại biểu Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi.
Cũng lo lắng về năng lực cán bộ làm văn hóa khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia có tổng mức đầu tư lên đến hơn 256 nghìn tỉ, Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nêu thực tế, hiện nay nguồn nhân lực chuyên sâu về văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân tộc thiểu số còn rất hạn chế, cả về số lượng, chất lượng. Phần lớn đội ngũ làm công tác văn hóa địa phương, vùng sâu, vùng xa chưa được đào tạo chuyên nghiệp.
Cụ thể, theo Đại biểu Thạch Phước Bình thống kê từ Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, chưa đến 20% nhân lực văn hóa tại khu vực dân tộc thiểu số có trình độ Đại học hoặc cao hơn khiến cho khả năng nghiên cứu, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, Đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực văn hóa phù hợp với đặc trưng văn hóa các dân tộc, Chính phủ cần có chính sách đãi ngộ như tăng lương, hỗ trợ nhà ở và các phụ cấp đặc thù cho nhân lực văn hóa làm việc tại các vùng khó khăn, thiết lập các cơ sở đào tạo lĩnh vực văn hóa tại các địa phương....
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đề ra 7 mục tiêu tổng quát và 9 nhóm mục tiêu cụ thể.
Chính phủ định hướng đến năm 2030, 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ Trung tâm Văn hóa thể thao, bảo tàng, thư viện.
Ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước. Mỗi năm, ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.
Đến năm 2035, ngành công nghiệp văn hóa phấn đấu đóng góp 8% vào GDP của cả nước. 100% văn nghệ sĩ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được tiếp cận, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn.