Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và công bố chính thức năm 1943, được xem là Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa, trong đó nêu bật những vấn đề chính thống, tổng quan và có tầm khái quát cao. Trải qua 80 năm lịch sử, bản Đề cương đã đồng hành cùng cách mạng Việt Nam, là khung lý luận chung để chỉ đạo toàn bộ các tư tưởng về văn hóa, trở thành “ngọn đuốc soi đường” trong quản lý, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tầm nhìn chiến lược của Đảng về văn hóa

Với khoảng 1.500 chữ, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã đề cập nhiều vấn đề hệ trọng, liên quan mật thiết đến vận mệnh quốc gia, dân tộc và công cuộc kiến thiết nền văn hóa mới theo nguyên tắc: Dân tộc, Khoa học và Đại chúng.

Ra đời trong bối cảnh đặc biệt, ngay từ khi cách mạng Việt Nam đang còn trong thời kỳ trứng nước, bản Đề cương đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về văn hóa và cách mạng văn hóa. Vì vậy, theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ, đây được xem là Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa, chỉ đạo toàn bộ các tư tưởng về văn hóa của Đảng. Và đến hôm nay, tất cả những nội dung đó vẫn còn nguyên giá trị, vẫn đang là “ánh sáng soi đường” cho tất cả chúng ta.

Chúng ta phát triển văn hóa có thể theo kiểu tinh hoa, nhưng cái tinh hoa đó phải phục vụ được đại chúng rộng lớn. Cho nên, văn hóa trước tiên như một phương tiện, nhưng nó cũng là mục đích để phục vụ tất cả nhân dân, như chính mục đích của cuộc cách mạng vậy.

Nếu coi Đề cương về văn hóa Việt Nam như là Cương lĩnh thứ nhất của Đảng về văn hóa, thì Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết Trung ương 33 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”… như những Cương lĩnh mới về văn hóa của Đảng. Ở đó có sự tiếp nối, phát triển nhiều luận điểm quan trọng, trên tinh thần nhất quán các quan điểm đã được chỉ ra trong bản Đề cương năm 1943.

“Thứ nhất, Đảng ta đã xác định văn hóa là một mặt trận và chúng ta phải đấu tranh cách mạng trên mặt trận văn hóa đó thì cách mạng mới đi đến thành công. Thứ hai, văn hóa cùng với kinh tế - chính trị là 3 mặt trận rất quan trọng mà phải tiến hành đồng thời. Và sau đó như chúng ta đã biết, đến năm 1945 - CMT8 thành công, bản Đề cương vẫn tiếp tục được Đảng ta phát huy, phát triển thông qua những cuộc vận động bình dân học vụ, đoàn kết dân tộc để đánh đuổi đế quốc phong kiến để giành độc lập. Cho đến giai đoạn chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam và giai đoạn đổi mới ngày nay, chúng ta thấy những luận điểm, luận cứ, những đường lối đã được Đảng ta vạch ra trong bản Đề cương vẫn còn rất chính xác, rất đúng với những bước phát triển của đất nước hôm nay”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền nêu quan điểm.

80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam: Nội hàm mới, giá trị mới

Trong Đề cương về văn hóa Việt Nam, vấn đề dân tộc được đặt lên hàng đầu và trước tiên. Trải qua nhiều giai đoạn khác nhau của lịch sử, đường hướng phát triển ấy, các nguyên tắc chỉ đạo ấy vẫn còn nguyên tính giá trị và cũng mang thêm những nội hàm mới, ý nghĩa mới, giá trị mới, góp phần định hướng sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Nhận thức của Đảng ta về vấn đề văn hóa tiếp tục được phát triển, trong từng văn kiện, tùy từng tình hình thực tiễn. “Ví dụ trong bản Đề cương xác định tính chất của văn hóa Việt Nam chúng ta là Dân tộc hóa, Khoa học hóa và Đại chúng hóa thì bây giờ vẫn theo tinh thần đó nhưng Đảng ta có bổ sung thêm những nội dung khác như các vấn đề thuộc về dân chủ, dân tộc một cách thống nhất. Thế và rõ ràng trong điều kiện phát triển hiện nay thì đường lối văn hóa của Đảng ta ngày càng toàn diện hơn, sâu sắc hơn và ngày càng bám sát tình hình thực tế biến đổi của thế giới như hiện nay”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, việc quyết tâm xây dựng các Hệ giá trị (hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam) mà Nghị quyết Đại hội Đảng 13 và các văn kiện trước đó đã đặt ra, chính là minh chứng rõ nét cho sự lĩnh hội tinh thần của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam. “Chúng ta tập trung hội nhập quốc tế thì cũng phải khẳng định và đề cao được những giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống, giữ gìn được bản sắc của chúng ta. Và bên cạnh đó để tạo “sức mạnh mềm” của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Không ai có thể phủ nhận giá trị lịch sử to lớn của bản Đề cương cũng như vai trò tiên phong mở đường, đặt nền móng lý luận cho công cuộc phát triển văn hóa Việt Nam. Điều đó được thể hiện ở chính những thành tựu trong xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước qua 80 năm thực hiện Đề cương.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng: đến hôm nay, tinh thần chung của bản Đề cương vẫn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, góp phần định hướng và đưa nền văn hóa Việt Nam phát triển lên những tầm cao mới. “Bản Đề cương đã đưa ra mục tiêu là phát triển nền văn hóa tân dân chủ, thể hiện ở tinh thần dân tộc, tinh thần khoa học, tinh thần đại chúng để chúng ta có thể định vị được văn hóa Việt Nam với thế giới. Mục tiêu đó, nguyên tắc đó vẫn còn nguyên giá trị. Và đó không chỉ là câu chuyện của riêng ngành văn hóa mà liên quan đến rất nhiều Bộ, ngành khác nhau”.

Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có một nền văn hóa riêng với những đặc trưng riêng, vấn đề là phải làm sao xác định cho được nền văn hóa của mình. Và các thế hệ người Việt hôm nay vẫn đã, đang và sẽ thấm nhuần tư tưởng, tinh thần đó – bởi “văn hóa còn thì dân tộc còn”…

Mời nghe âm thanh tại đây: