Sau một thời gian công chiếu, phim “Đào, Phở và Piano” - một bộ phim do Nhà nước đặt hàng vẫn đang “gây sốt” phòng vé với các suất chiếu luôn chật kín khán giả và doanh thu trên 1 tỷ đồng. Đây là con số khiêm tốn so với phim thương mại do tư nhân sản xuất chiếu cùng thời điểm nhưng lại là “hiện tượng” đối với dòng phim do nhà nước đặt hàng. Theo nhà báo Ngô Bá Lục, nói một cách khách quan, nếu một dự án phim thông thường do tư nhân đầu tư sản xuất gây sốt vé sẽ không chắc nhận được nhiều sự quan tâm như “Đào, phở và piano” bởi lẽ, đây là phim về lịch sử, sản xuất bằng tiền ngân sách Nhà nước.

Lý giải về cơn sốt "Đào, phở và piano", nhà báo Ngô Bá Lục cho rằng: "Bộ phim đã kể một câu chuyện rất khác khi nói về đề tài chiến tranh. Phim không phản ánh trực diện về cuộc chiến mà kể về khí chất, về sự lãng mạn và sự kiên định của người Hà Nội khi họ chấp nhận ở lại, chấp nhận hy sinh trong những ngày Hà Nội kháng chiến... Khi làm phim chiến tranh thường theo mô-típ bom đạn khốc liệt hoặc là nói về hậu chiến, những khó khăn, đợi chờ...rất ít bộ phim khai thác khía cạnh lãng mạn ở ngay trong chính những cuộc chiến. Và ngay tên phim cũng đã nói lên một cái gì đó rất Hà Nội. Tôi rất thích cách khai thác đề tài, cách kể chuyện của phim này và rõ ràng, sự khác biệt đã tạo nên sức hút".

Về hiệu quả của những bộ phim do nhà nước đặt hàng trong thời gian gần đây, nhà báo Ngô Bá Lục cho biết, khi Nhà nước đặt hàng thì đều là đặt hàng những đơn vị sản xuất phim, đặc biệt là những đạo diễn, biên kịch rất giỏi, là những NSND, NSUT, thậm chí họ là bậc thầy của rất nhiều đạo diễn phim giải trí. Tuy nhiên, tại sao phim lại rất ít khi tạo nên cơn sốt? Bởi vì cơ chế phát hành phim của dòng phim Nhà nước rất khác với phim thị trường, phim thương mại.

Phim thương mại rất chú trọng đến việc PR, quảng cáo, chọn diễn viên, chọn đề tài... bắt kịp với xu hướng, nhu cầu của khán giả. Trong khi đó, phim nhà nước đặt hàng dù được giới chuyên môn ghi nhận, chất lượng nghệ thuật phim cao nhưng sau khi được trình chiếu trong các dịp kỷ niệm, các kỳ liên hoan hoặc đưa về địa phương chiếu miễn phí phục vụ nhiệm vụ chính trị thì lại đem cất kho.

"Quá lãng phí khi Nhà nước bỏ ra 20-30 tỷ làm một bộ phim, thế nhưng không có chi phí cho phát hành, quảng cáo phim. Chỉ khi diễn ra sự kiện quan trọng nào đó, dịp kỉ niệm, ngày lễ lớn thì phim được đem chiếu. Do đó, cũng chỉ có một số ít khán giả được xem. Sau khi kết thúc sự kiện, phim lại được cất vào kho. Như vậy là mục đích tuyên truyền cũng không đạt được và đó là câu chuyện của dòng phim Nhà nước mà cho đến tận bây giờ vẫn chưa có lối thoát" - nhà báo Ngô Bá Lục nêu thực tế.

Còn theo Đạo diễn Đào Thanh Hưng, Giám đốc hãng phim tư nhân Miền đất điện ảnh, khi một bộ phim Nhà nước đầu tư bỗng nhiên trở thành hiện tượng và được khán giả quan tâm, dư luận thấy được phần nào sự bối rối của những nhà làm phim điện ảnh Nhà nước. "Nhà nước đã không kịp xoay sở để đón nhận sự thắng lợi này. Tôi cho rằng, với bất cứ bộ phim nào của Việt Nam, dù là phim thương mại hay phim Nhà nước đặt hàng thì tất cả các dự án phim phải chuẩn bị cho mình kế hoạch phát hành cũng như các kế hoạch truyền thông và quảng bá một cách kịp thời mới có thể chạm được vào tất cả khán giả. Cho nên rõ ràng là phim Nhà nước đặt hàng đang không có kế hoạch phát hành, họ chỉ chiếu và mong chờ khán giả để ý thì đến, không để ý thì thôi, như thế rất lãng phí. Dù là phim tuyên truyền thì cũng cần khán giả, nên bộ phim cần phải đến được với đông đảo khán giả hơn nữa".

Phim Nhà nước đặt hàng không đặt mục đích thương mại lên hàng đầu. Tuy nhiên, đã là phim thì vẫn phải hay vì hay mới thu hút được khán giả và mới có sức lan tỏa, hiệu quả xã hội mạnh mẽ. Nhất là trong bối cảnh điện ảnh phát triển như vũ bão, các nền tảng kỹ thuật số tạo ra dòng phim chiếu mạng cũng nhanh không kém, sự lựa chọn và gu thẩm mỹ của khán giả ngày càng khắt khe, tinh tế hơn.

Những lấn cấn về con đường đưa tác phẩm Nhà nước đặt hàng đến với khán giả vẫn còn đó, thì câu hỏi “liệu phim có thể tạo nên cơn sốt, trở thành bom tấn phòng vé, có doanh thu cao được hay không?”, thực sự rất khó để trả lời.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 và nhà báo Ngô Bá Lục tại đây: