Theo những tư liệu lịch sử của nhà nghiên cứu Bùi Quốc Toản, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam, Đền Trần Thương (thôn Miễu, xã Trần Thương, tổng Thổ Ốc, huyện Nam Xương, thuộc phủ Lỵ Nhân, Trấn Sơn Nam Thượng xưa, nay là thôn Trần Thương, xã Trần Hưng Đạo), nằm ở phía Đông của huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Đây là nơi được Trần Hưng Đạo chọn làm 1 trong 6 kho l­ương phục vụ cuộc chiến chống Mông - Nguyên.

Tương truyền rằng, trên đường đi đánh quân Mông - Nguyên năm 1285, bằng nhãn quan của nhà quân sự, chính trị lỗi lạc, Trần Quốc Tuấn đã chọn gò đất cao, lúc đó là Làng Miễu để lập 6 kho lưu trữ lương thảo, phục vụ cho cuộc kháng chiến. Tại sao Hưng Đạo Đại Vương lại chọn nơi đây? Nhà nghiên cứu Bùi Quốc Toản phân tích:

“Trần Thương nằm trong vùng đất Nam Xang xưa, Lý Nhân nay, chịu chung câu ca "Nam Xang từ cố đại Hà", là có sông Hồng, sông Châu bao quanh nên bốn bề sông nước. Lại có câu: "Nam Xang tứ quái", là bốn cái quái mà từ xưa các nhà địa lý gọi vậy ("Quái" theo Kinh dịch là "Quẻ"). Đặc biệt, vùng đất Trần Thương nằm vào quái 1 Quẻ Càn (☰) là trời, cha. Như thế, quái một ở Trần Thương, ứng với nơi thờ Đức Thánh Cha là vậy. Đây là thế đất "Hình nhân Bái Tướng" trong thế "Ngọa Nhân mỹ" là người phụ nữ đẹp nằm phục bái Thần tướng. Hay “Ngũ mã thất tinh” là 5 mã chầu ở nghi môn ngoại và nội - Thất tinh là 7 ngôi sao (Bắc Đẩu) chiếu về như Nam Tào, Bắc Đẩu, sao Văn Xương tinh, thủy tinh, mộc tinh, kim tinh, địa tinh. Hơn nữa, Trần Thương nằm trên thế đất nơi 6 dòng sông nhỏ chụm đầu gọi là “lục đầu khê”. Chính vì vậy Trần Hưng Đạo chọn làm kho lương và "ký thác" sinh phần”.

Sau khi thắng giặc trở về, Trần Hưng Đạo về đây phát lương khao quân, khao dân như một sự cảm ơn dân quân cùng sát cánh với triều đình. Ngài cắm sinh phần, lấy dân ở đây làm tạo lệ, từ đó làng có tên là Trần Thương. Sử sách không ghi chép nhiều về kho lương thực của nhà Trần ở đây nhưng truyền thuyết dân gian cùng với những dấu tích đậm đặc quanh khu vực đền Trần Thương và những tên vùng đất cổ gắn liền với Trần Thương từ thế kỷ XIII cho đến bây giờ:

“Trần Thương - chữ Thương trong tiếng Hán cổ có nghĩa là kho lương thực. Vì thế Trần Thương có nghĩa là kho lương của nhà Trần. Tất cả 8 thôn (xóm) đều có đình, chùa, miếu, quán, am, nghè và chợ nơi còn nơi mất do chiến tranh, lũ lụt, như: Xóm 2 và 3 Trần Thương có Đình Miễu, chợ Miễu, chùa xóm 3; xóm 1 Trần Thương có Đình Trung (đình Họ), quán và Nghè là nơi Chánh tổng Tổng Thổ Ốc đến ngự việc quan. Thôn Thượng có Đình Thượng và chùa; Khu Hoàng có Đình Vàng và chùa Vàng, chợ Vàng. Thôn Như Trác có đình Trác và chùa (Trác Ngoại); Đình Trác Nội (Đình Tróc) và Chùa Di (nay chuyển về trước sân tâm linh); Đình và chùa Đồng Nhân; Đình và chùa Đội Xuyên...” - ông Bùi Quốc Toản nhấn mạnh.

Sau khi Hưng Đạo Đại Vương qua đời năm 1300, để tưởng nhớ công ơn của ngài, nhân dân Trần Thương thờ phụng ngài tại khu kho lương cũ. Vào thời hậu Lê năm 1783, ngôi đền được chính thức xây dựng và trở thành tôn miếu linh thiêng của đất nước. Nhân dân tôn vinh Hưng Đạo Đại Vương là Đức Thánh, là "Cửu Thiên Vũ Đế" từ trên trời hiển ứng xuống giúp dân, giúp nước, diệt trừ ma quỷ, giặc giã.

Những câu chuyện về Đức Thánh Trần cứ được truyền tụng mãi trong nhân gian. Những người già trong làng như cụ bà Nguyễn Thị Luông, 96 tuổi ở xóm 2, thôn Trần Thương hay bà Nguyễn Thị Toàn, 78 tuổi luôn tự hào kể với con cháu và khách thập phương những câu chuyện, những huyền thoại về Đức Thánh và những địa danh cổ của làng. Những câu chuyện khác nhau về sử xưa được người dân Trần Thương lưu truyền cho nhau, chẳng ai kiểm chứng được độ chính xác nhưng đều có chung niềm tự hào về truyền thống quê hương mình.

Cùng với các giá trị về lịch sử, quân sự, Đền Trần Thương còn có giá trị về kiến trúc nghệ thuật mang đậm nét phong cách nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Đền có kiến trúc độc đáo theo tư duy phong thủy. Không gian tổng quan của đền Trần Thương có sự kết hợp hài hòa giữa phong thủy hữu tình, trời mây, sông nước. Đền được xây dựng theo hình chữ Quốc vuông vắn và xây theo kiểu “Tứ thủy quy đường”. Tổng thể kiến trúc cảnh quan ngôi đền gồm nghi môn ngoại, nghi môn nội, năm tòa, 15 gian, chia thành ba cung: Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam và hai giải vũ, năm giếng… tạo nên những điểm độc đáo riêng có của ngôi đền.

Giá trị đền Trần Thương còn được thể hiện ở phần trang trí kiến trúc với các đề tài, họa tiết được chạm khắc công phu như: lưỡng long chầu nguyệt, rồng bay, phượng múa, sóng nước, mây trời… tạo nên một bức tranh thiên nhiên vừa sống động, vừa cổ kính trang nghiêm hàm chứa triết lý dân gian.

Theo nhà nghiên cứu Bùi Quốc Toản, trong số hơn 200 hiện vật, sắc phong rất giá trị còn được lưu giữ tại đền thì bức hoành phi “PHONG VÂN TRƯỜNG HỘ” có ý nghĩa sâu sắc rằng nơi đây là chốn địa linh, được gió mây mãi mãi che chở.

Cùng với giá trị lịch sử - văn hoá, đền Trần Thương còn mang đậm giá trị văn hoá tâm linh thông qua lễ hội. Đặc biệt, Lễ phát lương Đức Thánh Trần được tổ chức vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng hằng năm, tái hiện lại cảnh "Khao quân" của quân đội nhà Trần với những nghi thức truyền thống, chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Túi lương là lộc ban - cũng là lời nguyện của Đức Thánh Trần phù hộ cho một năm Quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.

Lễ hội đền Trần Thương và Lễ phát lương Đức Thánh Trần đã trở thành nét văn hóa đẹp, thể hiện niềm tin yêu tôn kính bậc Thánh nhân cứu quốc; đồng thời thể hiện khát vọng chân chính, thiêng liêng mãi mãi được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Đền Trần Thương được Nhà nước công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2015, Lễ hội là Di sản văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia năm 2017 là động lực để cán bộ và nhân dân nơi đây với khí thế mới xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương văn minh giàu đẹp, cùng với giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc đền Trần Thương.

Mời nghe âm thanh dưới đây: