Với gần 150 tài liệu, hiện vật, trưng bày giới thiệu tới công chúng về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị chiến thắng Điện Biên Phủ, mà yếu tố tiên quyết làm nên chiến thắng vĩ đại đó là sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, thể hiện sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Và tinh thần bất diệt đó là động lực tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trên con đường đổi mới, hội nhập, phát triển đất nước.

Trưng bày được chia làm 2 phần: Phần I: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, giới thiệu âm mưu của thực dân Pháp trong kế hoạch Nava; Chủ trương của Đảng ta về mở Chiến dịch Điện Biên Phủ; Vị trí địa lý của Điện Biên Phủ.

Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía tây vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới Việt - Lào, nằm trên ngã rẽ của nhiều tuyến đường lớn, nhỏ quan trọng. Đối với thực dân Pháp, Điện Biên Phủ là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, một vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc. Nơi đây có thể trở thành một căn cứ lục quân, không quân rất lợi hại trong âm mưu xâm lược của chúng ở vùng Đông Nam Á.

Ngày 20/11/1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã họp, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này.

Phần 2: Quyết chiến, quyết thắng: Giới thiệu sưu tập tài liệu, hiện vật, hình ảnh thể hiện tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” của quân và dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ; giới thiệu những tấm gương về những đóng góp, hy sinh anh dũng, chiến đấu kiên cường với tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng” của các anh hùng, chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên Phủ.

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, bộ đội về giải phóng Thủ đô. Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam.

Chia sẻ tại triển lãm, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 70 năm. Đây là chiến thắng của ý chí, của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam và tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh chống áp bức trên thế giới.

"Chiến thắng này đã khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sự lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời đã mở ra giai đoạn cách mạng mới để tiếp tục công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước".

Xe đạp thồ được mệnh danh là "Vua vận tải" trong chiến dịch Điện Biên Phủ vì tuy nhỏ gọn nhưng lại đi được trong mọi thời tiết, địa hình và dễ dàng ngụy trang. Điện Biên Phủ ở rất xa, giao thông đi lại khó khăn, trong khi Pháp có cầu hàng không hiện đại chỉ trong vòng 90 phút là 5 tấn hàng có thể đáp xuống sân bay Mường Thanh. Còn phía ta thì các phương tiện vận chuyển rất thô sơ: gồng gánh, ngựa thồ, thuyền, bè, mảng, xe đạp thồ. Chiếc xe đạp thồ trung bình chỉ vận chuyển được 80kg -100kg thôi nhưng những người dân công của ta đã rất sáng tạo, đã buộc thêm những thanh tre, gia cố thêm săm, vành, lốp để có thể vận chuyển được hơn 200kg và kỷ lục là ông Ma Văn Thắng quê ở Phú Thọ đã vận chuyển được 325kg lương thực lên phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ bằng chiếc xe đạp thồ.

Sau khi xem triển lãm, Đại tá Đinh Xuân Hòa, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam rất ấn tượng với các hiện vật gốc được giới thiệu lần này: chiếc ghế tướng Đờ-cát-xtơ-ri sử dụng tại Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm 1954 và lá cờ luân lưu Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là những minh chứng cho sự lãnh đạo tài tình của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; tiến công quân sự, địch vận và đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị cũng như trên các mặt trận kinh tế, văn hóa, ngoại giao.

Trưng bày cũng giới thiệu tinh thần Điện Biên Phủ qua một số tranh cổ động nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và những hình ảnh về sự tri ân của đồng bào cả nước, sự đổi thay của Điện Biên hôm nay.

Trưng bày mở cửa từ ngày 25/4/2024 đến tháng 6/2024.

Nhân dịp này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) tổ chức lễ ra mắt Hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - Liên thông - Đa phương thức”. Đây là giải pháp mới, khác biệt và vượt trội với các hệ thống vé điện tử đang được giới thiệu trên thị trường, đổi mới phương thức quản trị hệ thống vé tham quan, từ khâu bán vé, kiểm soát vé, báo cáo thống kê vé một cách khoa học, thuận tiện giúp công chúng có thể tiếp cận bảo tàng thuận lợi và dễ dàng hơn, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút khách tham quan đồng thời tích cực góp phần thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Bảo tàng.