Chương trình hòa nhạc trực tuyến “Chia sẻ để gần nhau hơn” với sự tham gia của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng, kết nối nhiều điểm cầu trên khắp 5 châu, phát trực tuyến trên sóng truyền hình quốc gia và nhiều nền tảng kỹ thuật số đã tạo được tiếng vang lớn, qua đó, thêm nhiều người biết đến Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 của Chính phủ Việt Nam.
Trong thời gian diễn ra chương trình, trang web "quyvacxincovid19.gov.vn" ghi nhận số lượng truy cập kỷ lục, nhiều doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức hứa sẽ quyên góp thêm. Chương trình này một lần nữa cho thấy đóng góp tích cực của giới văn nghệ sỹ vào công việc chung của đất nước.
Nhưng điều ít người biết là, dù qui mô tổ chức vô cùng phức tạp, nhưng những người thực hiện chỉ có 2 tuần để chuẩn bị chương trình. Khối lượng công việc khổng lồ, kết nối nhiều đầu mối khắp nơi trên thế giới, nhiều thành viên ê-kíp thường xuyên phải làm việc suốt đêm...
Phóng viên VOV2 đã có cuộc trò chuyện với anh Vũ Anh Tuấn, tổng đạo diễn chương trình về buổi hòa nhạc đặc biệt này.
PV: Xin chào anh Vũ Anh Tuấn! Vừa rồi anh và ê-kíp của mình đã thực hiện một chương trình hòa nhạc trực tuyến rất có ý nghĩa để kêu gọi ủng hộ đóng góp cho Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19 của Việt Nam. Anh có thể chia sẻ, ý tưởng thực hiện chương trình đó đến với anh như thế nào?
Đạo diễn Vũ Anh Tuấn: Thực tế thì ý tưởng thực hiện chương trình đó không phải của tôi, mà đến từ một doanh nghiệp là Vietjet. Họ có tâm, mong muốn làm một chương trình vào thời điểm vàng khi chúng ta bắt đầu khởi động Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19. Họ muốn cho càng nhiều người biết đến quỹ này, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, không chỉ người Việt Nam mà cả người nước ngoài. Họ đã mời tôi vào dự án này.
Lúc đó chúng tôi gồm 3 người là tôi, anh Phi Phi – nhạc trưởng và NSUT Trần Vương Thạch – giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Tp.HCM. Chúng tôi cũng đặt ra một thử thách, đầu tiên là định chuẩn bị trong 1 tuần thôi, nhưng rồi 3 anh em đều thấy là về âm nhạc, về các khâu tổ chức... không thể hoàn thành trong 1 tuần được; nên chúng tôi quyết định cho phép thực hiện trong 2 tuần (nhưng không được muộn hơn). Đấy là thử thách lớn nhất với cá nhân tôi trong suốt 20 năm làm nghề tổ chức những show lớn.
Thời gian không có nhiều, nên ngay lập tức chúng tôi phải bắt tay vào làm. Đầu tiên phải tính xem chọn những bài hát gì? Chúng tôi cũng đã tính đến tuyến của chương trình. Hai anh nhạc trưởng thì chỉ tập trung vào nhạc thôi, làm sao để dùng âm nhạc giao hưởng lan tỏa thông điệp và tạo cho người ta cảm hứng về sự lạc quan. Đấy là những điểm quan trọng nhất trong chương trình.
Từ đó tôi bắt đầu nghĩ đến cầu truyền hình. Khi đặt bút ghi thì cũng ngập ngừng lắm, vì viết ra kịch bản mà không thực hiện được thì cũng không hay! Tôi đã mất 1 đêm ngồi suy nghĩ xem có làm theo hướng cầu truyền hình không? Hay là sẽ chỉ làm theo hướng truyền hình trực tiếp 1 buổi hòa nhạc tại một địa điểm. Như thế thì dễ hơn nhiều, chúng tôi chỉ cần tập trung dàn nhạc lại một chỗ và biểu diễn như những chương trình khác. Nhưng chúng tôi đều là những người ưa thử thách, thế nên đã quyết định phải làm cái gì đó khó hơn một chút!
PV: Vậy lí do gì khiến các anh chọn “cầu truyền hình”?
Đạo diễn Vũ Anh Tuấn: Lựa chọn này là do tôi! Vietjet cũng rất thích khi tôi đưa ra ý tưởng “cầu truyền hình”. Họ muốn giới thiệu được nhiều câu chuyện ở khắp nơi. Với mong muốn đó, tôi nghĩ ngay đến “cầu truyền hình” là một công cụ tốt để chúng ta có thể nghe được câu chuyện của nhiều tầng lớp, ai cũng có thể lên được ở các đầu cầu: Mỹ, Úc, Hàn, Nhật, Singapore, Anh... và còn rất nhiều nữa. Nếu thời lượng chương trình cho chúng tôi 2 tiếng hoặc hơn thì chúng tôi sẽ có thể đưa thêm câu chuyện của đồng bào ở châu Âu hay thậm chí nhiều nước khác mà chúng ta chưa biết đến.
PV: Thưa anh, việc thực hiện được một chương trình hòa nhạc với dàn nhạc giao hưởng hàng chục con người tham gia, và lại trong hoàn cảnh dịch Covid khiến chúng ta phải giãn cách xã hội, rất khó để các nghệ sỹ có thể tập luyện tập trung tại một chỗ. Các anh đã vượt qua những thách thức đó như thế nào?
Đạo diễn Vũ Anh Tuấn: Tất cả các nghệ sỹ, anh Phi Phi, anh Trần Vương Thạch và tôi đã tính toán làm sao để không vi phạm các qui định về giãn cách mà dàn nhạc vẫn chơi được.
Như bạn hiểu thì một dàn nhạc chơi trước mặt chỉ huy phải có sự ăn ý với nhau để phối bè rồi rất nhiều thứ khác nữa... Chúng tôi phải có những kỹ thuật riêng để làm sao các anh vẫn có thể chỉ huy được, dàn nhạc vẫn làm theo hiệu lệnh của các anh. Mất công hơn rất nhiều!
Ví dụ thế này, bình thường người chỉ huy làm 1 bài chỉ mất 1 lần; chia nhỏ ra, 1 bài người chỉ huy phải chỉ huy đến 5,6 lần; với mỗi bè lại một lần chỉ huy, violon một lần, cello, contra-bass, viola là một lần, sau đó đến bộ đồng, bộ gỗ, bộ gõ... Nói thế để thấy khối lượng công việc nhiều như thế nào trong 2 tuần, nhưng mọi người đều quyết tâm.
Có một số nhà báo cũng hỏi “có khó khăn gì” thì tôi bảo không muốn nhắc đến khó khăn! Bởi vì chúng ta phải nhìn về phía trước, chúng ta muốn truyền đi tinh thần lạc quan để bước vào cuộc chiến. Nếu như những người đang làm chương trình để truyền đi cảm hứng mà lại nói về khó khăn thì sẽ rất khó. Đấy là tư duy ngay từ đầu để tất cả ê-kíp anh em cắm mặt vào làm, làm ngày làm đêm không quản ngại vì lệch múi giờ. Chúng tôi đã phải làm việc rất thường xuyên trong cả 24 tiếng.
PV: Như anh cũng vừa nói, trong giai đoạn dịch bệnh như thế này, những buổi hòa nhạc, những sự kiện nghệ thuật có ý nghĩa rất tích cực đối với tâm lý của mọi người trong xã hội. Vậy sẽ cần có thêm nhiều chương trình như thế này để động viên tinh thần mọi người trong xã hội phải không?
Đạo diễn Vũ Anh Tuấn: Tôi nghĩ trong 1 năm rưỡi vừa qua, tâm trạng của mọi người trong tất cả các lĩnh vực đều rất căng thẳng! Cấp cao sẽ có những điều vĩ mô phải lo, còn người dân thì cũng có cuộc sống thường ngày để căng thẳng.
Hiện giờ quan trọng nhất là phải giữ tinh thần. Nếu chúng ta để cho tinh thần đi xuống, không có sự lạc quan thì tất cả đều là một màu đen tối!
Nhưng nếu chúng ta có tinh thần lạc quan thì sẽ cất tiếng hát được ngay, cảm thấy yêu đời. Khi đó não bộ chúng ta sẽ sản sinh ra nhiều nơ-ron để giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn trong kinh doanh, trong cuộc sống.
Chính vì lẽ đó nên chúng tôi quyết định dùng âm nhạc, nhưng tại sao lại là nhạc giao hưởng? Bởi vì chúng tôi muốn dùng những bài nhạc quen thuộc nhất của Việt Nam và thế giới (vì chương trình lan tỏa cả ra nước ngoài). Chúng tôi muốn các bạn nước ngoài nghe để hiểu là, nghệ sỹ chúng tôi cũng đã vượt qua dịch như thế, chia thành từng nhóm nhưng vẫn chơi được những bản giao hưởng.
Nếu chúng ta chỉ chơi những bản pop hay chuyển soạn, người Việt nghe sẽ rất thích nhưng với các bạn nước ngoài sẽ hơi bị xa cách. Đó là lí do rất chính đáng để chúng tôi sử dụng nhạc giao hưởng, dùng những tác phẩm quốc tế nổi tiếng để giới thiệu với tất cả khán giả.
PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi!