Bún bò là món ăn nổi tiếng trong và ngoài nước và còn là kết tinh của tri thức dân gian được gìn giữ, truyền lại qua nhiều thế hệ. Món ăn gắn với đời sống tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng và các làng nghề truyền thống như làng bún Vân Cù, Ô Sa, phản ánh sâu sắc phong cách sống, tâm hồn và văn hóa ẩm thực của người Huế.

Tô bún bò chuẩn vị Huế có nước dùng thơm mùi sả và mắm ruốc. Phần màu ớt vừa tạo vị cay vừa làm tô bún thêm nhiều màu sắc khi kết hợp với hành lá. Mỗi nghệ nhân có bí quyết riêng, khiến không có tô bún nào giống tô bún nào, càng tăng thêm chiều sâu văn hóa cho món ăn. Bún bò có mặt mọi thời điểm trong ngày, trở thành "hồn cốt" của Huế.

Năm 2014, bún bò Huế được chuyên gia ẩm thực nổi tiếng Anthony Boudain giới thiệu trên kênh truyền hình CNN của Mỹ "Món súp tuyệt vời nhất mà tôi từng nếm thử". Năm 2016, bún bò Huế được Tổ chức Kỷ lục châu Á đưa vào danh sách Top 100 món ăn đạt giá trị châu Á. Năm 2023, Taste Atlas, trang ẩm thực nổi tiếng quốc tế, xếp Huế ở vị trí 28 trong 100 thành phố có các món ăn ngon nhất thế giới, trong đó món bún bò Huế được coi là "món ngon xứ Huế phải thử khi đến đây".

Việc ghi danh này là nền tảng để Huế đẩy mạnh bảo tồn, quảng bá giá trị ẩm thực, hướng đến mục tiêu trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực ẩm thực.

Cùng với đó, Lễ hội Bhuôih Haro Tơme - Lễ mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu tại các xã Nam Đông, Long Quảng và Khe Tre (TP Huế) được công nhận là di sản thuộc loại hình lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Diễn ra sau mỗi mùa thu hoạch, lễ hội là dịp cộng đồng người Cơ Tu tạ ơn thần linh, đặc biệt là Thần lúa Giàng Haro, cầu mong mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ. Lễ hội mang đậm màu sắc bản địa với các nghi lễ truyền thống như hiến sinh, múa chiêng trống, điệu múa Pađil Yayă và dựng cột tế Xơnur - biểu tượng tâm linh của cộng đồng. Nghi lễ có thể tổ chức ở phạm vi gia đình hoặc cả bản làng, là dịp cố kết cộng đồng và bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số miền núi.

Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ công phu do Phân viện Văn hóa, Nghệ thuật và Thể thao miền Trung thực hiện, phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế và cộng đồng địa phương.

Các tiêu chí để được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài, được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.