Từ thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, ngược theo quốc lộ 31 khoảng 14 km là đến khu di tích lịch sử văn hóa đình Pò Háng. Ngôi đình tọa lạc cách đường quốc lộ 31 khoảng 1km, trên một ngọn đồi nhỏ thuộc địa phận thôn Pò Háng, xã Bính Xá, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Ông Bế Văn Túc, thủ từ của đình cho biết, đây là một ngôi đình cổ thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và phối thờ vị thành hoàng làng có tên là Hoàng Lang. Xung quanh câu chuyện về việc thờ tự tại ngôi đình có rất nhiều câu chuyện huyền thoại được truyền từ đời này sang đời khác.

Hiện tại, ngôi đình được xây dựng kiên cố theo lối truyền thống, lợp ngói âm dương với một gian duy nhất, ban thờ thành hoàng làng được bố trí ở giữa. Khuôn viên đình được quy hoạch rộng hơn 1.000 m2 gồm sân gạch, tường bao cùng hàng cây cổ thụ xung quanh. Dù quy mô còn khá khiêm tốn, nhưng nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện trọng đại. Tiêu biểu là sự kiện đặc biệt, các thanh niên trong vùng tổ chức ăn thề, kiên quyết đánh giặc, bảo vệ quê hương trong thời kỳ chống thực dân Pháp. Chị Vi Thị Hải Yến, cán bộ văn hóa xã Bính Xá cho biết, theo lịch sử Đảng bộ huyện Đình Lập, vào ngày 14/4/1944 (âm lịch) tại Đình Pò Háng, có 09 người gồm: Ông Hoàng Viết Say - Thôn Pò Phát (tổ trưởng); Bế Tiến Vọng - Thôn Pò Háng; Hoàng Phúc Vượng - Thôn Pò Phát; Vương Ngọc Minh - thôn Pò Phát; Vi Lương Hậu – Thôn Pàn Mò; Bế Thiên Minh (Kế Hoa) - Thôn Pò Mất; Hoàng Văn Đạo - Thôn Pò Háng (7 người xã Bính Xá) cùng với Ông Hoàng An Ninh và Nông Văn Nguyên – thôn Bản Hang xã Kiên Mộc đã tổ chức lễ cắt máu ăn thề, kiên quyết đánh giặc Pháp, bảo vệ quê hương. Sự kiện này đã tạo tiếng vang lớn trong khu căn cứ kháng chiến Nà Thuộc và nhân dân các xã Bính Xá, Bắc Xa, Kiên Mộc. Những người này cũng là những hạt nhân tích cực tuyên truyền vận động nhân dân trong vùng đi theo cách mạng, theo Đảng, Bác Hồ, tích cực giúp đỡ bộ đội, dân quân, du kích tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần quan trọng làm lên chiến thắng trận đầu tại đèo Khau Háy xã Kiên Mộc vào ngày 14/4/1947. Đây là chiến thắng thực dân Pháp đầu tiên của quân và dân khu căn cứ kháng chiến Nà Thuộc, có sức lan tỏa lớn và là niềm tự hào của nhân dân 3 xã Bính Xá, Bắc Xa, Kiên Mộc...

Trước khi xảy ra các trận đánh, tại đình Pò Háng, các cụ cao tuổi dựa vào uy linh của đình Thành Hoàng, làm lễ cầu nguyện, phất cờ gõ thanh la, động viên, cổ vũ bộ đội, du kích. Theo lời mách của Thành Hoàng, đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu kháng chiến Nà Thuộc nổi lửa, đốt rơm và cũng thật linh nghiệm, khi đó trời xuất hiện mây mù cùng các cơn gió thổi rất mạnh làm những đám khói khổng lồ bốc cao lên trời, hướng đến khu vực quân Pháp. Kẻ thù bị khói làm cay xè mắt, nhiều tên bị gió xô ngã. Đám địch khóc rống lên, bỏ chạy toán loạn” - ông Bế Văn Túc kể.

Tin vui thắng trận của quân và dân khu căn cứ Nà Thuộc lan đi khắp các chiến trường Việt Bắc và cả nước. Đầu năm 1948, Bác Hồ cho mời lãnh đạo tỉnh Hải Ninh (khi đó là huyện Đình Lập thuộc tỉnh Hải Ninh - tỉnh Quảng Ninh bây giờ) đến báo cáo. Khi biết chuyện cả Thành Hoàng cũng tham gia kháng chiến, Bác cười vui và nói: “Vậy phải khen thưởng cả Thành Hoàng làng”.

Nói rồi, Bác đã ký lệnh trao tặng quân và dân khu căn cứ kháng chiến Nà Thuộc Huân chương chiến công hạng Ba và cho may một bức trướng đặc biệt phong tặng Thành Hoàng đình Pò Háng. Đó là bức trướng vải đỏ thêu các dòng chữ bằng chỉ màu vàng. Chính giữa là dòng đại tự: “Chiến kháng hộ ủng” (đọc từ phải sang theo lối văn tự cổ là “Ủng hộ kháng chiến”), viết bằng chữ Hán, bên dưới có phiên âm chữ quốc ngữ. Bên phải là dòng chữ: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tam niên” (Năm thứ ba niên hiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Bên trái là dòng chữ: “Chính phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàng dự” (Chính phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng).

Không chỉ là chốn linh thiêng, che chở cho đồng bào, đình Pò Háng còn là nơi kết nối tinh thần đoàn kết các dân tộc anh em cùng sinh sống trong vùng. Ông Hoàng Văn Thiện, bí thư kiêm trưởng thôn Bản Xả, xã Bính Xá bày tỏ: “Tôi rất tự hào vì xã Bính Xá có đình làng Pò Háng di tích lịch sử. Đình rất ý nghĩa vì ở đây cứ ngày lễ hội, là các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh không phân biệt đều tề tựu ở đây để cùng chia vui, ôn lại lịch sử hào hùng dân tộc. Có thể nói đình Pò Háng là trung tâm đoàn kết các dân tộc”.

Những phong tục, truyền thống tốt đẹp được gìn giữ và lưu truyền qua các thế hệ nhen thêm lòng tự hào trong các thế hệ đời nối đời. Với sự trân trọng di sản tiền nhân để lại, lễ hội đình Pò Háng được duy trì tổ chức hằng năm vào ngày 3/3 và 14/4 âm lịch với hoạt động tế lễ ý nghĩa tưởng nhớ Thành Hoàng làng cùng lễ cầu phúc, cầu an, cầu mùa bội thu. Ngoài ra còn có các trò chơi dân gian đặc sắc như: kéo co, múa võ dân tộc, đẩy gậy, bắn nỏ... thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh tham gia.

Với những giá trị lịch sử, năm 2002, đình Pò Háng đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Tới đây đình Pò Háng sẽ được bảo tồn, tôn tạo khang trang hơn, đáp ứng mong mỏi của đồng bào các dân tộc nơi đây. Cùng với đó, các lễ hội truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc cũng từng bước được tái hiện, góp phần phát huy giá trị của khu di tích lịch sử văn hóa này. Cùng với vẻ đẹp linh thiêng mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa cội nguồn dân tộc, đình Pò Háng đã và đang trở thành một điểm hội tụ kết đoàn của các dân tộc anh em đang sinh sống quanh vùng, trở thành pháo đài, điểm tựa tâm linh giữ vững sự bình yên nơi phên dậu của Tổ Quốc.

Mời quý vị và các bạn nghe âm thanh tại đây: