Đó là khẳng định của ông Vũ Quốc Trí, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV2 về những thách thức, cơ hội để ngành du lịch Việt Nam phát triển vừa nhanh, vừa bền vững, tiến gần hơn đến các chuẩn mực quốc tế bên lề Lễ Khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam Hà Nội - VITM Hà Nội 2025.

PV: Thưa ông, năm nay là năm thứ 14 Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam được tổ chức. Xin ông chia sẻ những điểm mới và nổi bật tại hội chợ năm nay?
Ông Vũ Quốc Trí: Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam đã là một sự kiện thường niên và là thương hiệu lớn trong ngành du lịch Việt Nam. Đây không chỉ là dịp để xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch mà còn là nơi kết nối, định hình xu hướng phát triển của ngành.
Với chủ đề “Phát triển điểm đến Xanh, nâng tầm du lịch Việt Nam”, chúng tôi muốn đi sâu hơn vào chất lượng chứ không chỉ dừng lại ở số lượng khách. Chúng ta đã có lượng khách phục hồi rất tốt, nhưng nếu muốn giữ chân du khách, muốn nâng tầm thương hiệu du lịch Việt Nam, thì chất lượng dịch vụ, sản phẩm, trải nghiệm phải được nâng lên. Đó là lý do vì sao tại VITM Hà Nội 2025, ngoài các hoạt động kết nối doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm mới, chúng tôi sẽ tập trung vào việc giới thiệu các điểm đến xanh tiêu biểu, các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, những cách làm hiệu quả từ thực tiễn địa phương.
Tôi kỳ vọng, chuyển đổi xanh không còn là một khẩu hiệu, mà sẽ được cụ thể hóa bằng hành động, bằng những mô hình khả thi, có thể nhân rộng được trên toàn quốc bởi hình ảnh du lịch Việt Nam cần phải được định vị lại như một điểm đến có chất lượng, có trách nhiệm, phù hợp với xu thế toàn cầu, và đủ sức đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
PV: Nhưng làm thế nào để có thể định vị được thương hiệu du lịch xanh trong bối cảnh chúng ta vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu và quy mô thực tế còn nhỏ, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Trí: Chúng ta cần nhìn nhận rằng, du lịch bền vững với các yếu tố như: bảo vệ môi trường, du lịch có trách nhiệm, chuyển đổi xanh... đã được chúng ta đề cập từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ dừng lại ở bước khởi động, còn hành động thực tế chưa được nhiều. Chính vì thế, tôi cho rằng, bây giờ không nên tiếp tục nói mãi về lý do “vì sao chúng ta chưa làm”, mà cần phải đặt câu hỏi ngược lại: “Chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu và làm gì?”, "Làm thế nào cho hiệu quả?". Quan điểm của tôi là mọi hành động, dù nhỏ, đều quan trọng bởi khi nhiều hành động nhỏ cùng hướng về một mục tiêu lớn, thì sức mạnh sẽ tạo thành làn sóng đủ lớn để thay đổi.
Chúng ta không cần e ngại là quy mô còn nhỏ, chưa đặc sắc... để gọi là “chuyển đổi xanh”. Điều quan trọng là chúng ta đã bắt đầu rồi. Và nếu đã bắt đầu, thì cứ tiếp tục bước đi trên con đường đó. Trong quá trình thực hiện, chắc chắn sẽ xuất hiện những sáng kiến, mô hình tốt, giải pháp hay và chúng ta cần lan tỏa những điều đó trong cộng đồng doanh nghiệp. Chuyển đổi xanh là một quá trình không thể hoàn tất trong một ngày, một tháng, vài tháng hay một năm. Nó cũng mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp cả thời cơ lẫn thách thức đan xen. Nhưng tôi nghĩ chuyển đổi xanh là xu hướng khách quan và trở thành ưu tiên trong lựa chọn định hướng phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vì nó mang lại tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp gắn với lợi ích bền vững cho cộng đồng về văn hoá, xã hội và môi trường. Nếu chúng ta đi từng bước vững chắc, thì chắc chắn sẽ tiến gần đến mục tiêu của mình.
PV: Thưa ông, vậy trong hành trình này, vai trò của Hiệp hội Du lịch Việt Nam là gì? Làm thế nào để Hiệp hội trở thành cầu nối giữa lý thuyết và hành động, giữa mục tiêu xanh và thực tế của các doanh nghiệp?
Ông Vũ Quốc Trí: Với tư cách là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, chúng tôi không có quyền ban hành mệnh lệnh hay quy định buộc doanh nghiệp phải làm thế này, thế kia. Nhưng chúng tôi có vai trò rất rõ ràng, đó là định hướng, kêu gọi, nâng cao nhận thức và đặc biệt là tạo ra những điều kiện, cơ hội hỗ trợ doanh nghiệp hành động. Hiệp hội sẽ đi theo những hướng cụ thể như sau: Thứ nhất, tuyên truyền và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay chuyển đổi xanh. Thứ hai, nâng cao nhận thức để tất cả hiểu rằng đây không chỉ là xu hướng, mà là yêu cầu tất yếu của thị trường toàn cầu. Thứ ba, chúng tôi sẽ tìm kiếm, chia sẻ các giải pháp, mô hình hiệu quả để doanh nghiệp học hỏi lẫn nhau cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường, kết nối các nguồn lực để thực hiện chuyển đổi xanh một cách ít tốn kém nhất.
Tôi lấy một ví dụ cụ thể: Nếu chỉ một khách sạn muốn thay toàn bộ đồ dùng nhựa một lần bằng sản phẩm thân thiện với môi trường, chi phí có thể rất lớn. Nhưng nếu có 100 khách sạn cùng mua chung một dòng sản phẩm xanh, giá thành sẽ rẻ đi rất nhiều. Khi đó, Hiệp hội sẽ là cầu nối tạo nên một mạng lưới doanh nghiệp xanh cùng hợp tác, cùng chia sẻ và như vậy chắc chắn chi phí sẽ giảm đi. Tôi tin rằng, khi nhiều người cùng làm, hành trình chuyển đổi xanh sẽ bớt khó khăn hơn. Một người làm thì đơn độc, nhưng nếu có cả cộng đồng cùng bước đi, thì con đường ấy sẽ dễ đi hơn rất nhiều. Đó chính là vai trò mà chúng tôi muốn và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông.