Trước tình hình này, gần chục doanh nghiệp kinh doanh du thuyền tại vịnh Lan Hạ đã làm đơn kiến nghị tới các cơ quan liên quan ở thành phố Hải Phòng: Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hải Phòng; Sở Du lịch Thành phố Hải Phòng, Huyện ủy, HĐND, UBND Huyện Cát Hải, Ban Quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà về việc xin giảm giá vé tham quan; phí, lệ phí; và hỗ trợ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội.
Trong văn bản kiến nghị, các doanh nghiệp nêu rõ: với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp lâm vào thế khó khăn chưa từng có. Theo thống kê, năm 2020, các doanh nghiệp đã buộc phải ngừng hoạt động kinh doanh, doanh thu về 0 đồng trong suốt các tháng 3, 4, 5; các tháng 8, 9, 10, 11, 12 doanh thu giảm nghiêm trọng.
Năm 2021, các tháng 2, 3, 5, 6 và có thể là trong tương lai vẫn tiếp tục ngừng hoạt động kinh doanh và không có nguồn thu. Người lao động buộc phải nghỉ việc không lương trong các tháng ngừng hoạt động, giảm ngày công lao động và giảm thu nhập trong các tháng hoạt động cầm chừng, khiến cho cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Phạm Hà- CEO Lux Group trải lòng: "Trước Covid các du thuyền như Emperor Cruises trong vịnh Nha Trang không có chỗ để bán cho khách quốc tế. Covid đến chúng tôi chuyển sang khách nội địa rất tốt, cùng với du thuyền Emperor Cruises Legacy Halong và Heritage Cruises Binh Chuan Cat Ba Archipelago chúng tôi tạo ra xu thế du lịch du thuyền cho người Việt năm qua. Thú thực chưa lúc nào tàu của Lux Group đỗ lâu như hiện tại, không có nguồn thu mà vẫn phải trả các khoản phí bến bãi, duy tu…
Tuy nhiên, dù tàu không chạy trong một thời gian dài chúng tôi vẫn phải trả lãi ngân hàng, lương nhân viên, bảo hiểm xã hội, rồi sửa lại cầu cảng… Hơn nữa tàu là hao sản, không chạy tàu vẫn phải khấu hao và khấu trừ từ tuổi thọ 30 năm của con tàu theo quy phạm pháp luật. Đấy là khó khăn rất rất lớn khi không có thu mà vẫn phải chi lớn".
Chia sẻ với phóng viên VOV2, Giám đốc một doanh nghiệp ký tên vào văn bản kiến nghị cho biết: Các đợt dịch liên tiếp diễn ra khiến cho các doanh nghiệp du lịch nói chung, doanh nghiệp kinh doanh lưu trú đêm trên vịnh Lan Hạ nói riêng đứng trước nguy cơ phá sản. Những tác động tiêu cực dường như vượt qua sức chịu đựng của doanh nghiệp.
"Không còn nguồn nào nữa thì cũng muốn bán bớt 1 số phương tiện đi để lấy tiền trả ngân hàng, chi trả cho anh em, bớt một số công nợ. Thực tế thì đến giờ ngành du lịch không làm được cho nên không ai mua tàu của mình dù giá rao bán rất rẻ".
Còn theo ông Trần Văn Hồng- Chi hội phó chi hội Tàu du lịch Hạ Long, đối với những hỗ trợ cho khó khăn của các doanh nghiệp tàu thì thời gian từ 3-12 tháng như hiện nay là không thể giải quyết được. Ông Hồng cho rằng, cần tối thiểu từ 2,5 đến 3 năm mới đủ thời gian thu hồi vốn, trả gốc và lãi theo đúng hợp đồng vay tín dụng của các ngân hàng. Đã thế, ngân hàng còn làm khó cho doanh nghiệp giai đoạn này như: không cho vay ngắn hạn hoạt động để tránh rủi ro...
Hầu hết các doanh nghiệp kí vào bản kiến nghị đều là những doanh nghiệp đã hoạt động kinh doanh du lịch, tàu lưu trú nghỉ đêm lâu năm, trước đó đã có các sản phẩm trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Họ đầu tư kinh doanh sang vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) với mong muốn mang đến những sản phẩm tốt hơn cho du khách và mức chi phí rẻ hơn nhờ giá vé tham quan, để bù lại những chi phí phát sinh.
Tuy nhiên, trong khi tỉnh Quảng Ninh đã giảm 100% giá vé tham quan vịnh cho đến hết năm nay để hỗ trợ các doanh nghiệp tạo sản phẩm kích cầu, hay một số tỉnh, thành trên cả nước cũng đã có những hỗ trợ như miễn, giảm giá vé tham quan các điểm tham quan du lịch thì thành phố Hải Phòng chưa có động thái gì khiến cho lợi thế về giá vé tàu tham quan trên vịnh Lan Hạ đã không còn, khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn.
Vì thế, các doanh nghiệp khẩn thiết kiến nghị các cơ quan chức năng Hải Phòng xem xét:
Miễn phí vé tham quan vịnh Lan Hạ đến hết ngày 31/12/2021.
Giảm 50% giá vé tham quan đối với tàu lưu trú nghỉ đêm trên vịnh Lan Hạ cho đến hết năm 2022 (dự đoán du khách quốc tế sẽ chỉ đến Việt Nam từ năm 2023).
Miễn phí dịch vụ neo đậu tại cảng bến cho đến hết năm 2022.
Miễn, giảm các phí, lệ phí vào, rời cảng bến cho đến hết năm 2022.
Chính sách tạm ngừng đóng các khoản quỹ hưu trí, tử tuất trong bảo hiểm xã hội cho người lao động phù hợp với chính sách chung của Chính phủ.
Hỗ trợ kinh phí đào tạo lại lao động phù hợp với chính sách chung của Chính phủ.
Bên cạnh những kiến nghị với Hải Phòng, các doanh nghiệp cũng đề xuất “sống chung với Covid-19" và tăng cường tiêm chủng, thực hiện 5K và cả 9K như Chính phủ yêu cầu.
Trước tiên, mở cửa du lịch quốc nội với hộ chiếu vaccine quốc nội để người dân được hưởng mùa du lịch, đặc biệt những du khách miền Bắc khá an toàn. Sau tháng 10 mở cửa cho khách quốc tế có hộ chiếu vaccine hoặc IATA travel pass (ứng dụng chứng nhận sức khỏe của Hiệp hội Hàng không Quốc tế - IATA, đang được nhiều hãng hàng không trên thế giới thử nghiệm. Ứng dụng này cho phép hành khách di chuyển an toàn giữa các quốc gia, đồng thời tuân thủ yêu cầu nhập cảnh của cơ quan chức năng và chính phủ tại điểm đến), 1/1/2022 mở cửa hoàn toàn cho mọi du khách tiêm vaccine.
"Đặc biệt, cần có “nhạc trưởng” dẫn dắt về hành vi xu thế, sản phẩm du lịch hậu Covid-19 cho các doanh nghiệp". CEO Phạm Hà nhấn mạnh.
Vịnh Lan Hạ nằm trong quần thể Quần đảo Cát Bà và sát kề Vịnh Hạ Long ở phía Nam. Tuy nhiên, dù liền kề nhau nhưng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển ngành kinh tế xanh ở hai địa phương lại không giống nhau.
Đó chính là cái khó cần gỡ để giúp doanh nghiệp hồi phục.