Bảo tàng Âm thanh nằm ngay tại tiền sảnh của Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắc Nông với tổng diện tích 200 mét vuông, được chia làm 8 phòng với 7 mảng âm thanh riêng biệt. Đây là điểm di sản số 32 trong tổng số 44 điểm di sản mà Công viên Địa chất Đắc Nông thiết lập nên nhằm phục vụ quy trình thẩm định chính thức của UNESCO công nhận Công viên Địa chất Đắc Nông là Công viên địa chất toàn cầu.

Phòng trưng bày đầu tiên của bảo tàng với tên gọi Âm thanh của Đá. Tại đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bộ đàn đá 5 thanh. Đây là bộ đàn đá được tìm thấy ở suối Đắc Ka, huyện Đắc R’lấp, tỉnh Đắc Nông có niên đại từ 2.500 đến 3.000 năm tuổi và bộ đàn đá này cũng là biểu tượng của Công viên Địa chất Đắc Nông.

Tuy nhiên, theo chị Huyền Trâm, Hướng dẫn viên Bảo tàng, điều tạo nên sự đặc biệt của căn phòng này là ở cách tương tác với nhạc cụ của mỗi người: "Đây là tác phẩm tương tác đầy tính nhạc được 1 nhóm nghệ sĩ người Pháp giúp cho Công viên địa chất Đắc Nông sáng tạo nên, lấy ý tưởng từ âm nhạc của bộ đàn đá. Những hòn đá tưởng như vô tri vô giác nhưng khi có sự tương tác thì chúng sẽ tạo nên điều kỳ diệu. Để làm nên điều kỳ diệu đó chúng ta dùng bàn tay của mình tương tác với đá sẽ tạo ra những âm thanh và độ vang của âm thanh như thế nào là tuỳ thuộc vào vị trí, vào phần chúng ta tiếp xúc với đá khác nhau, nhiều hay ít. Và Công viên địa chất Đắc Nông đã lấy phòng này làm phòng chủ đạo trong quy trình triển lãm của mình".

Tất cả các gian trưng bày và các nhạc cụ bên trong bảo tàng đều do nhóm nghệ sĩ Scenocosme (Pháp) sáng tạo riêng cho Bảo tàng Âm thanh và được lấy cảm hứng từ âm thanh của tự nhiên, đó là: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ kết hợp với các ứng dụng công nghệ hiện đại. Và với 8 không gian riêng biệt, du khách sẽ được tiếp cận với những thanh âm từ đại ngàn; đó là âm thanh của gió, của nước, của gỗ, của lửa và từ chính sự tương tác giữa con người với thiên nhiên và âm thanh từ cuộc sống hàng ngày của con người.

Càng đi vào bên trong, du khách sẽ càng bị lôi cuốn bởi một hành trình khám phá âm thanh vô cùng ấn tượng và độc đáo, kết hợp cả quá khứ và hiện tại. Chẳng hạn tại phòng trưng bày Âm thanh của Gió, du khách sẽ bắt gặp một cây đàn không dây là tác phẩm nghệ thuật của người Nga cũng dựa vào hơi gió, sức gió để tạo ra âm thanh. Và sự độc đáo của tác phẩm này là chỉ cần dùng bàn tay của mình tạo nên một làn gió thì lập tức cây đàn sẽ phát ra âm thanh.

Với thiết kế hết sức mới lạ, không gian triển lãm thể hiện sự kết nối và tương tác rất cao với người xem. Bảo tàng Âm thanh chắc chắn sẽ là một điểm nhấn ấn tượng đối với du khách khi đến Đắc Nông.