Giảng Võ trường (trường Giảng Võ) là trường võ bị quốc gia đầu tiên của kinh thành Thăng Long xưa. Đây là khu vực luyện tập võ thuật, giảng dạy binh pháp, thao diễn quân sự cao cấp của triều đình phong kiến. Đầu thời Lê, khu vực phía tây Thăng Long (gồm: Giảng Võ, Kim Mã, Ngọc Khánh - quận Ba Đình ngày nay), xưa được gọi là “Thập tam trại” đã trở thành một trung tâm luyện tập, khảo hạch và diễn tập quân sự lớn. Nhiều cuộc luyện quân diễn võ quy mô lớn đã được tổ chức tại đây.

Trường Giảng Võ là địa điểm quan trọng ở Thăng Long xưa. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1010, nhà Lý cho lập điện Giảng Võ; năm 1070, lập Xạ đình. Tháng 8/1253, Trần Thái Tông lập Giảng Võ trường. Đây là nơi luyện tập võ thuật, giảng dạy binh pháp, thao diễn quân sự của các triều đại. Năm 1481, nhà Lê đã cho đào hồ Hải Trì ở phía tây Thăng Long (gồm Giảng Võ, Kim Mã, Ngọc Khánh). Giữa hồ có điện Thúy Ngọc, bên cạnh dựng điện Giảng Võ để luyện tập, điểm duyệt binh mã.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hòa, Trưởng phòng Trưng bày - Tuyên truyền, Bảo tàng Hà Nội, tại trưng bày "Giảng Võ trường và bộ sưu tập vũ khí thời Lê", Bảo tàng Hà Nội giới thiệu bộ sưu tập vũ khí gồm 111 hiện vật, thuộc 13 nhóm, được phân loại theo chức năng sử dụng, gồm: Bạch khí (lao một ngạnh, lao hai ngạnh, mũi trường, câu liêm, đinh ba, kiếm và qua chỉ) và hỏa khí (súng lệnh và đạn), trong đó bạch khí chiếm 83%. Trong bạch khí, chủ yếu là loại đánh gần và xa, vũ khí phòng ngự chỉ chiếm 1,8%.

"Trưng bày nhằm làm sáng tỏ về lịch sử, vị trí, vai trò của Giảng Võ trường trong lịch sử dân tộc vì hiện nay những tư liệu về Giảng Võ trường còn rất ít, kể cả trong thư tịch và nghiên cứu. Qua trưng bày chúng tôi mong muốn giới thiệu về lịch sử quân sự, trang bị võ bị của quân đội ta thời xưa cũng như tinh thần chiến đấu, yêu nước, kiên cường của dân tộc ta".

Trang bị bạch khí cho quân đội phát triển nhất vào thời Lê Sơ - Mạc - Lê Trung Hưng, thế kỷ 15-18. Đến giữa thế kỷ 19, theo hội điển của triều Nguyễn, phần lớn binh lính triều đình ra trận còn mang bạch khí. Quân đội Tây Sơn đã có pháo và một số loại hỏa khí nhưng về cơ bản vẫn là bạch khí. Đa số vũ khí được làm từ sắt, riêng súng lệnh được đúc bằng hợp kim đồng và đạn bằng đá. Chúng chủ yếu được chế tạo bằng phương pháp rèn đập thủ công nên không trùng lặp với bất cứ bộ sưu tập vũ khí nào ở Việt Nam đến thời điểm này.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hòa, trong quá trình khai quật tại lòng hồ Ngọc Khánh năm 1983, các nhà khảo cổ còn phát hiện dấu tích lò bễ, cục xỉ sắt và một số đồ đang chế tạo dở dang. Điều này cho thấy vũ khí được sản xuất tại chỗ để phục vụ cho công cuộc đấu tranh bảo vệ biên cương, lãnh thổ.

"Đa số vũ khí ở bộ sưu tập này bằng sắt, nó thể hiện sự phát triển trong sáng tạo vũ khí của người Việt. Những hiện vật này nếu so sánh với các nước khác thì có kích thước, trọng lượng phù hợp với vóc dáng, sức khỏe và cả địa hình. Điều này cho thấy sự cải biến trong chế tạo vũ khí của người xưa. Đây là bộ sưu tập đầy đủ nhất, đa dạng nhất về các loại hình binh khí của Việt Nam bằng chất liệu sắt được phát hiện ở Thăng Long - Hà Nội cho tới thời điểm này", bà Hòa thông tin thêm.

Không chỉ có các vũ khí, hiện vật bằng sắt, bộ sưu tập vũ khí Ngọc Khánh còn có những di vật được làm từ gỗ, tiêu biểu là Tín bài An Đông. Tín bài An Đông còn được gọi là Mộc bài hay Quân Hiệu, làm bằng gỗ Lim có lỗ xỏ dây để đeo. Mặt trước thẻ bài khắc nổi chữ Hán "An" mặt sau khắc chữ "Đông" và hai chữ nhỏ bên phải là chữ Kiên, bên trái là chữ Vũ.

Theo sách Khâm định Việt sử thông cương giám mục chép: Quý Sửu (1613), tháng 8 mùa thu, sai Trịnh Tráng đi kinh lý vùng Yên Quảng. Lúc ấy mới dẹp bình được đảng giặc nên hạ lệnh cho Trịnh Tráng đi kinh lý địa phương này, chiêu tập vỗ về nhân dân. Sau đó Tráng để viên tướng thuộc dưới quyền mình ở lại trấn giữ rồi về kinh sư". Sự kiện này chứng tỏ rằng vùng Yên Quảng (Hải Đông) được mệnh danh đạo quân An Đông. Viên tướng chinh phạt miền này được phong An Đông tướng quân. Chiếc mộc bài An Đông này cho phép khẳng định rằng vệ quân An Đông đã có lần về thao luyện tại Giảng Võ trường.

"Đây là di vật hiếm thấy, với chất liệu và nội dung khắc trên chiếc thẻ bài có thể khẳng định đây là thẻ bài thuộc loại thẻ dùng để làm tín vật phân biệt danh tính, phẩm hàm hoặc biểu trưng phân hiệu của một đơn vị quân đội thời đó. Điều này cho phép giới nghiên cứu xác định Giảng Võ trường vốn là khu vực luyện tập võ thuật, giảng dạy binh pháp, thao diễn quân sự cao cấp của triều đình phong kiến đóng đô trên đất Thăng Long - Hà Nội".

Trưng bày giới thiệu đến công chúng hơn 200 hiện vật, hình ảnh, tài liệu về Giảng Võ trường - nơi đào tạo quan võ và binh lính cho triều đình và các loại hình vũ khí thời Lê. Đây là những đại diện tiêu biểu cho các chủng loại vũ khí thế kỷ XV-XVIII, có nhiều giá trị trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa và khoa học quân sự Việt Nam, qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, thể hiện sức sáng tạo, chính sách võ bị của các triều đại phong kiến xưa.