Nhà tổ chưa ăn, nhà thứ chưa được tổ chức

Trong quan niệm tâm linh, người Dao Quần Chẹt tin cuộc sống con người đều có thần linh, tổ tiên phù trợ. Lễ Tạ ơn chính là tấm lòng của con cháu dòng họ người Dao bày tỏ đối với thần linh, với các bậc tiền nhân.

Anh Triệu Hồng Cương, người Dao Quần Chẹt ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội cho biết, ngay sau khi nghi lễ tại nhà tổ (nơi đặt bàn thờ tổ của dòng họ) diễn ra, các gia đình khác trong dòng họ sẽ tiếp nối tổ chức.

“Ví dụ như sáng nay nhà tổ ăn thì có thể chiều các nhà thứ sẽ ăn được rồi. Hôm nào cũng ăn đấy. Tháng 12 là tháng vui nhất của người Dao” – Anh Cương nói.

Con cháu người Dao vẫn truyền nhau nghe truyền thuyết di cư của dân tộc mình. Trong quá trình vượt biển tìm vùng đất mới, chính Bàn Vương – vị thủy tổ người Dao đã cứu họ khỏi hiểm nguy của sóng dữ. Sau này, khi đã định cư, nhớ ơn Bàn Vương, người Dao Quần Chẹt đều tổ chức lễ Tạ ơn mỗi năm một lần.

“Đầu năm chúng tôi sẽ làm lễ cầu mùa để cầu cho mùa màng bội thu, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho bản Dao ngày một phát triển, cho con dân bản Dao khỏe mạnh, thành đạt. Cuối năm, chúng tôi tổ chức lập đàn lễ tạ này để báo cáo với thần thánh, vị Bàn Vương và tổ tiên của mình kết quả một năm đạt được. Đấy là tưởng nhớ về thần thánh, tổ tiên phù hộ, độ trì cho con cháu trong gia đình”. – Anh Triệu Hồng Cương cho biết thêm.

Thơm ngon lễ vật dâng cúng

Là lễ trọng trong năm nên trước khi tổ chức, các gia đình sẽ chuẩn bị chu đáo. Thầy cúng Triệu Tài Vi bảo, nếu đầu năm làm lễ cầu mùa hứa sẽ tạ cho Bàn Vương, thần linh những gì, cuối năm phải dâng đủ. Ít nhất phải có con gà, con lợn và rượu.

“Con lợn nếu mà hứa tạ phải là con lợn đen. Nếu không hứa thì lợn trắng cũng được, lợn gì cũng được”, ông Vi nhấn mạnh.

Tùy điều kiện kinh tế, mỗi gia đình người Dao Quần Chẹt sẽ dâng lễ nhiều hay ít. Nhưng nhất thiết phải có bánh dày được làm từ nếp mới do chính họ nặn thành. Đó chính là thành quả của một năm sản xuất người Dao dâng lên với tấm lòng thành kính.

Lễ tạ ơn không chỉ là một nghi lễ linh thiêng trong tín ngưỡng người Dao Quần Chẹt, mà nó còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn được truyền đời qua bao thế hệ người Dao.

Dịp này, con cháu người Dao nếu có đi xa, đều tề tựu bên gia đình, dòng họ vui lễ Tạ ơn. Lớp người già sẽ truyền dạy chữ, dạy hát cho con trẻ. Phụ nữ khéo tay sẽ truyền nghề thêu hoa văn, làm trang phục cho các bé gái. Văn hóa người Dao Quần Chẹt từ đó được tiếp nối.