Nhằm tiếp tục khơi dậy, lan tỏa tình yêu đọc sách, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tổ chức Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VII.
Đây là hoạt động thường niên do Bộ VH-TT&DL tổ chức từ năm 2018, nhằm tôn vinh những đóng góp tích cực của các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc trên phạm vi cả nước. Sau 6 năm tổ chức, đã có 151 tập thể, cá nhân được vinh danh vì những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc phát huy giá trị của sách và văn hóa đọc trong đời sống xã hội.

Năm 2025, Giải thưởng phát triển văn hóa đọc bước sang mùa thứ bảy với sức lan tỏa mạnh mẽ hơn. Ban Tổ chức đã tiếp nhận 118 hồ sơ đề cử, gồm 69 hồ sơ tập thể và 49 hồ sơ cá nhân. Sau quá trình xét chọn nghiêm túc, khách quan, Hội đồng xét tặng đã đề xuất trao Giải thưởng cho 20 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc.

Các tập thể, cá nhân đã bám sát các tiêu chí của Quy chế và hướng dẫn của Bộ, chú trọng đánh giá thành tích của các tập thể, cá nhân thông qua các số liệu. Thông tin thể hiện tính hiệu quả, thiết thực của hoạt động khuyến đọc. Các sáng kiến đề xuất mô hình cũng được đánh giá thông qua việc triển khai thực tiễn. Các dịch vụ, sản phẩm thông tin - thư viện được minh chứng bằng hình ảnh, video cụ thể. Đặc biệt, các sản phẩm, dịch vụ thông tin - thư viện thời gian qua đã bám sát, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người sử dụng, phục vụ từ đối tượng bạn đọc phổ thông, có sự đa dạng; đáp ứng nhu cầu nghiên cứu chuyên biệt đòi hỏi chất lượng cao.
Bên cạnh đó, các hoạt động khuyến đọc đã chuyển từ phong trào bề nổi nhằm nâng cao nhận thức của xã hội sang các hoạt động gắn với việc trang bị kỹ năng thông tin và trải nghiệm cho người sử dụng. Nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo với những phương thức hoạt động mới đã hướng tới xây dựng môi trường đọc ngay tại cơ sở, phục vụ trực tiếp cho người sử dụng.

Đáng chú ý hơn, các hoạt động phát triển văn hóa đọc hướng tới nhiều đối tượng người yếu thế như người khuyết tật, trẻ em - đặc biệt trẻ em mầm non, người dân tộc, người ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, biên giới, hải đảo…. Công tác phát triển văn hóa đọc tiếp tục ghi nhận sự đồng hành của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, đoàn thể, cộng đồng người dân tham gia quản lý, vận hành thư viện tại cơ sở thúc đẩy phát triển văn hóa đọc.

Điều rất đáng ghi nhận là nhiều tập thể, cá nhân sau khi được nhận Giải thưởng vẫn tiếp tục tâm huyết, miệt mài, tích cực tìm tòi những cách làm hiệu quả để đóng góp cho công tác phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và tiếp tục được nhận Giải thưởng tiếp theo.
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc trong điều kiện mới, các thư viện, nhà trường, cơ quan, đơn vị… cần tiếp tục tăng cường hơn nữa trong sáng tạo các mô hình, cách làm hay về phát triển văn hóa đọc; tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn để đưa sách đến gần hơn với công chúng như hội sách, triển lãm sách, tiết học đọc sách, gia đình đọc sách, thư viện lưu động… Ngoài ra, cần đổi mới phương thức hoạt động theo hướng quản trị tri thức, quản trị dữ liệu, tổ chức các hoạt động thư viện số… để đáp ứng nhu cầu tiếp cận tri thức của bạn đọc.

Trong khuôn khổ sự kiện trao "Giải thưởng phát triển văn học lần thứ VII, 2025", Ban Tổ chức cũng thực hiện trưng bày, triển lãm các hình ảnh, mô hình, hoạt động khuyến đọc tiêu biểu là những minh chứng sinh động cho sự sáng tạo và sức sống của phong trào đọc sách trên cả nước.
Giải thưởng phát triển văn hóa đọc được trao cho những mô hình thư viện sáng tạo, các CLB sách, những cá nhân tâm huyết thêm một nhịp cầu nối, tiếp tục thắp sáng ngọn lửa yêu sách trong cộng đồng, thắp sáng khát vọng kết nối và lan tỏa tri thức.