Hoàng cung Huế xưa là trung tâm triều chính, là nơi sinh hoạt của Hoàng đế và hoàng gia triều Nguyễn. Thuở ấy, Nhã nhạc du dương bay bổng lan khắp các lâu đài, miếu mạo uy nghiêm cổ kính. Âm sắc ấy nương theo các lễ nghi và nghi tiết cung đình tại Kinh đô mà lan xa mãi. Những khúc điệu từ chốn Hoàng cung xưa ngày nay vẫn còn đó, ấy là trầm tích văn hóa. Theo thời gian, những làn điệu, âm sắc Hoàng cung hòa vào không gian của văn hóa Huế mà thành từ, thành câu, thầm thì cùng tâm hồn của biết bao thế hệ.

Trong không gian Hoàng cung, tham dự chương trình nghệ thuật “Hoàng cung giao hòa”, khán giả như được hòa trong âm thanh, sắc màu của không gian văn hóa, nghệ thuật của Hoàng cung xưa để thưởng thức di sản văn hóa phi vật thể của Cố đô Huế. Đặc biệt, trước khi diễn ra chương trình, Ban tổ chức đã tái hiện lại nghi lễ Đổi gác trước cửa Ngọ Môn gồm tái hiện lễ đổi gác, súng lệnh, hỏa pháo... Rất đông người dân và du khách đã đến xem, hiểu rõ hơn về nghi lễ này dưới thời nhà Nguyễn.

Chương trình nghê thuật "Hoàng cung giao hòa" được chia làm hai phần chính: "Âm sắc hoàng cung" với những bài bản múa hát cung đình: “Phụng vũ”, “Lục cúng hoa đăng”, “Nữ tướng xuất quân”, Tiểu nhạc “Long ngâm”... và "Giao hòa sắc Huế" với những ca khúc Huế xưa trong không gian lung linh trữ tình của Đại nội Huế.

Điệu múa "Nữ tướng xuất quân" là vũ khúc thường được biểu diễn trong những dịp lễ trọng đại của đất nước. Trong điệu múa các vũ sinh trong hình tượng Bà Trưng nhan sắc kiều diễm, đội mũ cửu phượng, mặc áo chiến bào, lưng thắt lệnh tiễn, tay cầm song kiếm cùng đội nữ binh vừa múa vừa hát theo tiết tấu của âm nhạc.

Hay như múa "Lục cúng hoa đăng" có nguồn gốc từ một điệu múa dùng trong nghi lễ Phật giáo. Về sau, dưới triều vua Minh Mạng, điệu múa này được đưa vào cung đình và dàn dựng lại phù hợp để biểu diễn trong những ngày lễ Vạn thọ, Thánh thọ, Tiên thọ... Trong điệu múa, các vũ sinh vừa nam, vừa nữ, hoá trang thành Tiên Đồng - Ngọc Nữ, hai tay cầm hai chậu đèn hoa sen vừa múa vừa hát trong ánh đèn hoa lung linh mờ ảo, tạo nên sự trang nghiêm và lộng lẫy.

Phần 2 là “Giao hòa sắc Huế” với những ca khúc Huế xưa trong không gian lung linh trữ tình từ Ngọ Môn đến điện Thái Hòa. Từ âm sắc hoàng cung chuyển sang âm sắc các bài tân nhạc là một dòng chảy mang tính tiếp biến lịch sử. Kể từ khi âm nhạc Huế bắt đầu ngân lên những âm hưởng mới, đã xuất hiện nhiều ca khúc được viết về Huế, về sông Hương núi Ngự của các nhạc sĩ trong cả nước. Đặc biệt là những ca khúc sử dụng âm điệu cổ truyền Huế nhưng đem lại cảm xúc và phương tiện biểu hiện mới hơn: “Tà áo tím”, “Thần kinh thương nhớ”, “Tiếng sông Hương”, “Chiều Cố đô”, “Thương về xứ Huế”… Đặc biệt các ca khúc đã sử dụng âm điệu cổ truyền Huế nhưng bằng những cảm xúc và những phương tiện biểu hiện mới hơn. Những ca khúc ấy đã đi cùng năm tháng với tên tuổi các nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Phạm Đình Chương, Hoàng Thi Thơ, Văn Phụng, Phạm Mạnh Cương, Châu Kỳ, Minh Kỳ, Hoàng Nguyên…

Bên cạnh các màn ca múa nhạc đặc sắc, người dân và du khách còn được chiêm ngưỡng những tà áo dài Ngũ thân trong bộ sưu tập của Nhà thiết kế Quang Hòa.