Ở thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế không ai lạ gì AHLLVTND Hồ Đức Vai. Ông được biết đến không chỉ bởi là người đánh giặc giỏi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từng 6 lần được ra miền Bắc báo công với Bác Hồ mà còn bởi cho đến nay, khi đã ngoài 80 tuổi, AHLLVTND Hồ Đức Vai vẫn luôn xứng danh là người con ưu tú của đồng bào dân tộc Pa Kô.

Ngược thời gian trở về quá khứ, khi tròn 6 tuổi thì Cu The hay còn có tên nữa là A Vai (tên lúc nhỏ của AHLLVTND Hồ Đức Vai) mồ côi cả cha lẫn mẹ và sống nhờ vào sự đùm bọc của đồng bào thôn bản. Cách mạng về, A Vai theo tiếng gọi của Đảng gia nhập bộ đội địa phương chống càn, bảo vệ cuộc sống người dân trên đất A Lưới.

Năm 1961, A Vai đã tham gia đánh giặc trên 20 trận lớn, nhỏ, diệt 32 tên địch, bắn bị thương 9 tên, làm sập hầm chông chết 1 tên và bị thương 50 tên khác. Sau đó còn nhiều chiến công khác vào những năm 1963, 1964, 1965… khiến cái tên A Vai trở thành nỗi ám ảnh của kẻ thù. Nhưng, bao nhiêu chiến công A Vai đều không nhớ hết, chỉ nhớ như in 6 lần được gặp Bác Hồ và đặc biệt là được Bác Hồ đặt tên là Hồ Đức Vai năm 1965.

Ông kể: “Tôi trước tên là Cu The, (người Pa Kô khi đặt tên thì nam thường bắt đầu bằng chữ Cu, nữ là Kăn). Lớn lên, tôi còn có tên là A Vai. Vào những năm 1960, tôi đang là du kích của xã, nghe trên đài Tiếng nói Việt Nam giọng của Bác động viên đồng bào, chiến sĩ đánh Mỹ, cứu nước cùng những câu chuyện về Bác, đức hy sinh cao cả và những hành động yêu nước, thương dân, cống hiến cả cuộc đời vì độc lập tự do của Người. Tôi rất ngưỡng vọng Bác và nguyện lấy họ Hồ trong tên Bác Hồ làm họ của mình, để thể hiện một lòng son sắc theo cách mạng. Khi được gặp Bác, Bác đặt tên cho là Hồ Đức Vai. Là vì Bác nhớ đồng bào dân tộc thiểu số miền Nam, nên khi tôi giới thiệu tôi là người Pa Kô, Bác liền đặt tên cho. Người Pa Kô là con cháu Bác Hồ đó… (cười).”

Tự hào về cái tên được Bác đặt cho, ngày Hồ Đức Vai trở về, quân dân A Lưới tổ chức mít tinh để ông kể về chuyện được gặp Bác Hồ, được Bác đặt tên.

Cũng từ đó, nhiều người đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều trên đất A Lưới lấy họ Hồ làm họ chung từ đó đến nay.

Riêng với bản thân mình, AHLLVTND Hồ Đức Vai đều lấy tấm gương của Bác và những lời nhắc nhở của Người làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Ông không bao giờ quên câu nói của Bác: “Cháu ra Hà Nội rồi lại về Nam chiến đấu. Ở đâu cũng vậy, cháu phải cố gắng giữ gìn sức khỏe, có khỏe mới làm được nhiều việc, mới đánh thắng giặc Mỹ. Nhất là cháu phải xây dựng tình đoàn kết với các đồng chí anh em, với Nhân dân, tuyệt đối không phân biệt dân tộc này với dân tộc khác”.
Sau đó, Hồ Đức Vai còn 4 lần được gặp Bác nữa. Lần cuối cùng, trước khi vào lại miền Nam chiến đấu, ông nhớ như in lời Bác dặn: “Cháu giờ là cán bộ lãnh đạo rồi, cháu vào trong đó phải làm gương nhé. Trong công việc hằng ngày, cái gì trái, dù nhỏ nhất cũng phải tránh. Cái gì phải, khó khăn mấy cũng phải làm...”. Khắc cốt ghi tâm lời dặn của Bác, Hồ Đức Vai nguyện biến những giá trị của một người anh hùng giữa đời thường bằng những hành động cụ thể. Nên ở bất cứ cương vị nào, là chủ tịch UBMTTQ huyện A Lưới, đại biểu Quốc hội khóa VI và VII, hay cả khi đã nghỉ hưu, ông Vai hoạt động rất tích cực trong công tác từ thiện, nhân đạo xã hội. Ông luôn đều tâm niệm mình phải làm tốt trách nhiệm là giáo dục con cái trưởng thành và đặc biệt là đoàn kết các dân tộc.

Ngoài 83 tuổi, đôi chân không còn khỏe nữa nhưng ông thường xuyên tìm đến những hoàn cảnh khó khăn, nhất là những nạn nhân chất độc da cam để kêu gọi cộng đồng giúp đỡ, sẻ chia. Đồng thời, ông kêu gọi các dân tộc thiểu số trên đất A Lưới hăng hái lao động sản xuất, đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu. Ông chính là cây đại thụ trong lòng đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều và cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện A Lưới.

Trong căn nhà nhỏ của nữ Anh hùng Hồ Kăn Lịch (Hồ Kan Lịch) nữ AHLLVTND duy nhất người dân tộc Pa Kô, nguyên mẫu trong ca khúc “Người con gái Pa Kô” ở thị trấn A Lưới, bàn thờ Bác Hồ được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Bà Kăn Lịch cho biết, Tết nào cũng làm cơm cúng Bác, mời Bác về ăn Tết với gia đình. Trong số “tài sản” của mình bà quý nhất những kỷ vật được Bác Hồ tặng. Chiếc đài, một kỷ vật vô giá bà được Bác tặng cho để nghe tin tức thời sự trong lần đầu tiên gặp Bác bà đã chuyển giao cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế trưng bày, gìn giữ.
Sở dĩ AHLLVTND Hồ Kăn Lịch có được những kỷ vật quý ấy là bởi đã anh dũng trong chiến đấu với những thành tích khó ai có thể bì kịp: Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hồ Kăn Lịch đã lãnh đạo đội du kích Hồng Bắc gồm 160 người trực tiếp đánh 49 trận lớn nhỏ, bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường. Đây cũng là chiếc máy bay đầu tiên bị bắn rơi ở phía tây Thừa Thiên - Huế.

Tháng 7/1967, Đảng và Nhà nước đã tặng bà danh hiệu Anh hùng LLVTND. Kỷ niệm về những cuộc chiến, những chiến công rất nhiều, nhưng bà vẫn nhớ nhất 7 lần được gặp Bác Hồ và luôn khắc ghi lời Bác dạy: “Cháu Kăn Lịch này, làm ra Anh hùng là khó nhưng không khó bằng giữ được Anh hùng. Cháu phải cố gắng làm tốt mọi công việc của mình để phát huy tác dụng của một nữ anh hùng, đừng thỏa mãn và dừng tại chỗ ”.

Khắc ghi lời Bác dạy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Hồ Kăn Lịch luôn nỗ lực để không chỉ trở thành một cán bộ tốt, người vợ tháo vát, người mẹ, người bà tốt mà còn sống chan hòa, luôn giúp đỡ người dân trong vùng mỗi khi họ gặp khó khăn. Giải nghĩa cho tất cả sự dũng cảm, thậm chí hy sinh tính mạng trong chiến tranh và sự tận tụy, hết lòng với bà con trong thời bình, AHLLVTND Hồ Kăn Lịch chỉ một câu rất đơn giản: “Tôi nghĩ mình là người đảng viên là người Đảng tin cậy”. Và niềm vui lớn nhất của bà giờ đây không chỉ là 2 người con đẻ và 9 người con nuôi cùng các cháu phương trưởng mà là niềm vui lớn khi đất nước hòa bình, phát triển: “Bây giờ Đảng, Nhà nước rất quan tâm, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số mình, đời sống ấm no, có đường xá, xe cộ, tài sản, người dân tộc được đi học đại học, là bác sĩ, kỹ sư, tôi rất mừng”- AHLLVTND Hồ Kăn Lịch bày tỏ.

Với Thiếu tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Trần Quang Khải ở thôn 4, xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cũng vậy. Dù là một người lính Hải quân, đã từng lập chiến công hiển hách đánh chìm tàu chở dầu 15.000 tấn của địch tại Cửa Việt, Quảng Trị vào ngày 8/9/1969, làm chấn động dư luận lúc bấy giờ, nhưng nói về thành tích của mình, ông khiêm tốn: “Khi chiến đấu chắc không ai phấn đấu lấy liệt sĩ, lấy anh hùng đâu. Nhưng lúc bấy giờ tinh thần chung của mọi người là tìm cách diệt địch cho đến cùng, dù rằng có vất vả, có khó khăn và kể cả hy sinh”

Tháng 6/1968, người thanh niên Trần Quang Khải mới 16 tuổi, vừa học xong lớp 9 đã xung phong nhập ngũ. Có thể lực tốt, lại bơi giỏi, chiến sĩ trẻ Trần Quang Khải đã được tuyển chọn huấn luyện đặc công nước. 6 tháng sau huấn luyện tại Quảng Ninh, ông đã có thể bơi được hơn 20km, được điều về Đội 1 của Đoàn 126, rồi vào chiến trường Cửa Việt - Quảng Trị. Tại đây, các chiến sĩ đặc công nước tuổi đời mười tám đôi mươi có nhiệm vụ do thám và đánh tàu địch trên các cửa sông. Trần Quang Khải đã nhiều lần được đi do thám tàu để hỗ trợ đồng đội đánh tàu.

Ngày 8/9/1969 Trần Quang Khải và đồng đội đã đánh chìm chiếc tàu 15.000 tấn của địch. Đây là trận đánh tàu trên biển bằng kỹ thuật đặc công đầu tiên của Đoàn 126 và là trận đánh tàu địch trên biển đầu tiên của các đơn vị đặc công trong toàn quân, thể hiện phương thức tác chiến độc đáo của chiến tranh Nhân dân trên sông biển, nên có rất nhiều ý nghĩa.

Cuộc đời binh nghiệp của chiến sĩ Trần Quang Khải tiếp tục đến năm 1990, ông nghỉ hưu khi đang mang hàm Thiếu tá và là Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 299, Quân đoàn 1.

Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời, đó là năm 2015, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Ông cho biết, gần 70 tuổi được phòng anh hùng nên bà con trong làng hay gọi vui là “ông hùng”. Trong chiến đấu là anh hùng, trong đời thường là “ông hùng” bởi ông vẫn tham gia mọi hoạt động xã hội, sống khiêm tốn, gương mẫu được bà con nể trọng với phương châm giản dị: “Mình là đảng viên nên mình tham gia tích cực thôi”.

Những người anh hùng như Hồ Đức Vai, Hồ Kăn Lịch, Trần Quang Khải và rất nhiều người khác nữa, dù trong chiến tranh hay sống giữa thời bình, họ vẫn luôn là những con người mang trong mình những phẩm cách, những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam, luôn cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc, cho đồng bào bằng cả tình yêu và trái tim mà chẳng bao giờ đòi hỏi nhận lại.

Mời quý vị và các bạn nghe âm thanh tại đây: