Mặc dù có nguồn tài nguyên văn hóa phong phú khi sở hữu số lượng lớn các di tích lịch sử, văn hóa, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nhưng hiện nay việc khai thác nguồn tài nguyên này ở nước ta chưa hiệu quả, thiếu sản phẩm du lịch văn hóa mang thương hiệu của quốc gia cũng như in đậm bản sắc của từng vùng miền, địa phương.

Theo ông Phạm Vinh Quang, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, thời gian qua, Ninh Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam đã khai thác tốt sản phẩm du lịch văn hóa với mô hình hợp tác công – tư. Các cơ quan quản lý nhà nước thể hiện vai trò trong xây dựng cơ chế, chính sách; nâng cao vai trò, hiệu quả quản lý; tuyên truyền, đồng hành với doanh nghiệp và người dân. Câu chuyện thành công của các địa phương này đã để lại nhiều bài học quý trong phát triển công nghiệp văn hóa tương xứng với tiềm năng về di sản văn hóa.

Phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế, bên cạnh những thành công, ở một số địa phương vẫn đang trăn trở trước những thách thức, phát triển kinh tế nhiều lúc không khớp nhịp với bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO. Việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản còn hạn chế, trong đó thách thức lớn nhất vẫn là hài hòa giữa phát triển lợi ích kinh tế và bảo tồn các di sản văn hóa, thiên nhiên. Vì thế, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, để bắt tay vào thực hiện, các địa phương cần phải tháo gỡ một số hạn chế trong cơ chế, chính sách.

"Các sản phẩm văn hóa là sản phẩm rất đặc thù mà việc đầu tư cho sản phẩm văn hóa nhiều khi ta không thấy ngay được trước mắt mà cần có khoảng thời gian rất lâu dài. Chúng ta cũng thấy rằng các sản phẩm văn hóa có sức lan tỏa đến các lĩnh vực khác, nó có thể đem lại lợi nhuận cho giao thông, khách sạn, nghề thủ công hay các lĩnh vực khác nữa, và tất cả các lợi ích của các lĩnh vực khác nhau phải được tính cho lĩnh vực văn hóa. Nhìn một cách tổng thể như thế thì chúng ta mới tháo gỡ được các vướng mắc trong lĩnh vực văn hóa".

Du lịch văn hóa không còn xa lạ với nhiều địa phương, nhưng để được thừa nhận đầy đủ với tư cách là một lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, thật sự trở thành động lực phát triển công nghiệp văn hóa thì cần có thêm những cách nhìn nhận và tiếp cận mới. Trải qua 5 năm, “Ký ức Hội An” - show diễn thực cảnh độc đáo giữa sông Hoài cũng như Đảo Ký ức Hội An dần trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ của du khách khi đến Hội An. Dưới bàn tay dàn dựng tỉ mỉ và sự trình diễn thăng hoa của gần 500 diễn viên, show diễn tiếp tục hành trình miệt mài mang văn hóa Việt ra thế giới, kể câu chuyện của một vùng đất di sản bằng những gì tinh túy nhất của nghệ thuật nước nhà. Theo chị Thân Thị Thu Huyền - Giám đốc điều hành Đảo Ký ức Hội An, việc phát triển du lịch văn hóa sẽ góp phần truyền tải ý nghĩa văn hóa, câu chuyện lịch sử của Hội An góp phần đào tạo cho thế hệ trẻ của Việt Nam để hiểu về vùng đất mình và đất nước mình. Do đó, phát triển du lịch văn hóa không chỉ là góp phần phát triển du lịch mà còn là góp phần đào tạo thế hệ trẻ.

Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 cũng xác định mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 du lịch văn hóa chiếm 15 - 20% trong tổng số 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch. Trên thực tế, du lịch chính là phương thức, là con đường mà nhiều quốc gia đang đầu tư, khai thác tối đa yếu tố của các giá trị văn hóa để phát huy sức mạnh “mềm” của văn hóa. Đồng thời, tài nguyên văn hóa cũng chính là nguồn lực để phát triển du lịch ở mỗi địa phương.

Ông Firmin Eduoard Matoko - Trợ lý Giám đốc UNESCO về ưu tiên Châu Phi và quan hệ đối ngoại cho biết: "Chúng ta cần có cơ chế chính sách rất đặc thù cho những khu vực đô thị để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn phát huy giá trị của di sản. Chúng ta nhìn thấy quá trình di cư thì nhu cầu của mọi người là có việc làm, đặc biệt là thế hệ trẻ. Vì thế, chính sách phải áp dụng khác nhau giữa khu vực đô thị và nông thôn. Đối với khu vực đô thị có di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thì chúng ta phải nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về những giá trị của khu di sản, đồng thời phải để họ nhận thức được đây không phải di sản của riêng cộng đồng họ mà là của cộng đồng cả thế giới".

Hiện nay, Việt Nam đang bước đầu khai thác du lịch văn hóa nên vẫn cần những giải pháp mang tính gắn kết chặt chẽ để thực sự xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa có tính bền vững, có uy tín và được ghi nhận.

Mời nghe bài viết tại đây: