Nhằm xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc sắc, chuyên nghiệp, mang thương hiệu riêng của Hà Giang, “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030” đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cấp sản phẩm du lịch hiện có (du lịch cộng đồng, văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, mạo hiểm) và phát triển sản phẩm du lịch mới như: thương mại, biên giới; mạo hiểm (loại hình thể thao khinh khí cầu, cáp treo, dù lượn, đua thuyền, cưỡi ngựa)…

Đặc biệt, chiến lược phát triển sản phẩm du lịch phải phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Phát triển sản phẩm du lịch gắn với 3 không gian du lịch dựa trên giá trị văn hóa của 19 dân tộc và các giá trị di tích, di sản, danh thắng. Trong đó, tập trung ưu tiên cho khu vực Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn và Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; Phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị; Khai thác văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc Hà Giang thành sản phẩm du lịch độc đáo gắn với du lịch cộng đồng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch Hà Giang đã nhanh chóng phục hồi, đón 1,5 triệu lượt khách (tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019), tạo 12.000 việc làm, trong đó có 6.000 việc làm trực tiếp cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đặc biệt, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11 về phát triển du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025, trong đó xác định: Phát triển du lịch phải phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế gắn với nâng cao nhận thức và đời sống cho nhân dân, giảm nghèo bền vững. Bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.

Tại buổi Hội thảo các đại biểu đã được nghe đại diện các nhà quản lý, các doanh nghiệp du lịch trình bày một số ý kiến tham luận về các vấn đề cụ thể như: đề xuất giải pháp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp tỉnh Hà Giang; xây dựng mô hình du lịch dược liệu dưỡng sinh tại huyện Bắc Quang; vấn đề, giải pháp việc làm trong ngành du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số; giải pháp phát triển du lịch mạo hiểm dưới góc độ doanh nghiệp; kinh nghiệp tổ chức tour và đánh giá điểm đến du lịch… Nhiều ý kiến đề xuất giải pháp thiết thực phát triển du lịch Hà Giang trong thời gian tới nhằm khai thác hiệu quả và phù hợp với tiềm năng riêng có của tỉnh.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ ký kết chương trình hợp tác giữa tỉnh Hà Giang với Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường (Hà Nội) về các dự án đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Giang; ký kết hỗ trợ khôi phục hoạt động du lịch giữa tỉnh Hà Giang với Hiệp hội Du lịch Việt Nam.