Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành đề án "Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm". Đề án được triển khai nhằm phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao.

Theo đó, Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, các địa bàn: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu có tối thiểu 1 mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. Hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh.

Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Đề án là cơ sở để ngành du lịch Thủ đô xây dựng sản phẩm riêng đặc thù để đáp ứng nhu cầu của du khách. Với vị thế Thủ đô của cả nước, sản phẩm du lịch đêm của Hà Nội cần đậm yếu tố văn hóa, truyền thống. Thời gian qua, Hà Nội là địa phương xây dựng thành công các sản phẩm du lịch đêm, trong đó nổi bật là tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour đêm giải mã Hoàng thành Thăng Long, tour Văn học tại Bảo tàng Văn học Việt Nam... Trong thời gian tới, ngành Du lịch Hà Nội sẽ ra mắt một sản phẩm du lịch đêm với tên gọi “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những cảm xúc”, tổ chức cuộc thi review online “Đêm Hà Nội chào đón bạn”, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác tốt tiềm năng kinh tế đêm, thúc đẩy việc mua sắm, chi tiêu của khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, kinh tế đêm mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng gặp phải những rủi ro tiềm ẩn khác như vấn đề an ninh, an toàn giao thông, ô nhiễm tiếng ồn, rác thải, áp lực về cung cấp hệ thống hạ tầng thiết yếu. Trong đó, các vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, giá cả hàng hóa... cũng là vấn đề cần quan tâm. Vì vậy ông Thắng cho rằng, quan trọng nhất vẫn là cần có cơ chế chính sách phù hợp, đặc thù cho hoạt động kinh tế đêm. Từ đó, Hà Nội có thể xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù như: Du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực về đêm, du lịch mua sắm. Điểm thuận lợi là tại Hà Nội, khu vực có thể tập trung cho kinh tế đêm là khu phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm bởi đây là trung tâm thủ đô, quy tụ nhiều khách sạn, dịch vụ và khách du lịch...

PGS. TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch khẳng định: kinh tế đêm là bộ phận không tách rời của nền kinh tế. Phát triển kinh tế đêm nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch. Với thủ đô Hà Nội, mặc dù có lợi thế để phát triển kinh tế đêm nhưng các dịch vụ chủ yếu hiện nay là ăn uống, nhiều dịch vụ văn hóa nghệ thuật, giải trí chưa tạo được nhiều cơ hội để khách trải nghiệm, hầu hết các dịch vụ ban đêm đều là quy mô trung bình và nhỏ, chưa có sự kết nối các dịch vụ để tạo ra các chương trình hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, thời gian mở cửa dịch vụ về đêm còn quá ngắn, do đó, cần sớm hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển kinh tế ban đêm trong hoạt động du lịch.

Xây dựng cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế đêm cần tập trung vào hoàn thiện các cơ chế để quản lý tốt hoạt động kinh tế đêm gắn với phát triển du lịch, đặc biệt tại các trung tâm du lịch và khai thác tối đa tiềm năng của mô hình này, bao gồm: loại hình kinh doanh; khu vực kinh doanh, khu vực hạn chế; giờ giới nghiêm; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; tiêu chuẩn hoạt động (tiếng ồn, ánh sáng); chính sách về giao thông ban đêm; cơ sở hạ tầng công cộng tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế đêm; chính sách về an ninh, trật tự; chính sách khuyến khích, hỗ trợ người tiêu dùng, khách du lịch tham gia hoạt động kinh tế đêm; và phân cấp mạnh cho địa phương trong việc quản lý và phát triển kinh tế đêm.