Chia sẻ với phóng viên VOV2, các nghệ sĩ của Hãng Phim truyện Việt Nam đều thể hiện sự thất vọng tràn trề dù trước đó đã tràn trề hy vọng khi trong Thông báo số 101/TB-VPCP nêu rõ: “Giải quyết dứt điểm việc này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25 tháng 4 năm 2023”. Do đó, các nghệ sĩ rất mong chờ những lời hứa sẽ được cụ thể hóa bằng hành động và có kết quả rõ ràng theo mốc thời gian chính phủ chỉ đạo. Tuy nhiên, cho đến nay, ngày 25/4/2023 đã trôi qua gần 2 tháng vẫn không có thông tin nào từ phía các đơn vị liên quan. NSƯT, đạo diễn Bùi Trung Hải bức xúc: “Cho tới hiện tại, anh em nghệ sĩ, cán bộ của Hãng phim chưa nhận được bất cứ thông tin gì từ Bộ VH-TT&DL cũng như thông báo về kết quả thanh tra việc thực hiện giải quyết vấn đề cổ phần hóa của Hãng phim truyện VN. Mọi người đang rất mong chờ và hi vọng đây sẽ lần giải quyết dứt điểm vụ việc này. Việc này đã kéo dài quá lâu, 6-7 năm nay rồi mà mọi thứ vẫn “im hơi lặng tiếng”... Niềm tin của chúng tôi lại tiếp tục bị tổn thương

Cũng như gần 40 anh chị em nghệ sĩ khác của Hãng phim truyện Việt Nam sau cổ phần hóa, NSƯT, nhà quay phim Vũ Đức Tùng, người đã từng quay những bộ phim nổi tiếng như "Mùa ổi" cũng ngậm ngùi: “Hiện nay theo cảm nghĩ của tôi, tất cả anh em văn nghệ sỹ của Hãng gần như “chết lâm sàng”. Vì sao? Vì chúng tôi chờ đợi từ 6-7 năm nay rồi, không công ăn việc làm, không lương, không cả được đóng BHXH, không tất cả mọi chế độ. Chúng tôi đã mòn mỏi chờ đến 25/4. Chờ mãi cuối cùng cũng không thấy một kết quả gì, chúng tôi không biết chờ đến bao giờ?”.

Nhớ lại những ngày đầu khi mới cổ phần hóa, cũng như nhiều anh chị em nghệ sĩ khác, nhà quay phim Vũ Đức Tùng kỳ vọng Hãng phim truyện Việt Nam sẽ phát triển khi có nhà đầu tư mới, nhưng niềm tin đổ vỡ khi thực tế ngược lại hoàn toàn. Đơn vị đầu tư chiến lược Tổng công ty Vận tải Thủy (Vivaso) đã "bỏ mặc" cho hàng trăm cuốn phim quý mục nát, trang thiết bị sản xuất phim trở thành phế liệu, cán bộ diễn viên thất nghiệp, các dãy nhà làm việc hoang tàn, cũ bẩn.

Mốc thời gian 25/4 đã qua. Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 ở tiểu mục d thuộc mục số 11 quyết nghị đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch "Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền để xử lý dứt điểm vướng mắc, tồn tại tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Hãng phim truyện Việt Nam”. Thế nhưng cho đến nay, Vivaso vẫn không hợp tác tích cực để giải quyết vụ việc. Các nghệ sĩ tâm huyết với nền điện ảnh nước nhà đều hết sức xót xa bởi thời gian không chờ đợi ai, trong khi mọi việc chưa được xử lý dứt điểm thì những trang thiết bị làm phim cũng như cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật ở trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khuê – Hà Nội vẫn đang không ngừng bị thời gian bào mòn và càng xuống cấp trầm trọng, tới mức không thể cứu vãn được nữa. Đặc biệt là kho 300 phim đang bị hỏng hóc nặng nề do không được bảo quản, bảo tồn. Nhiều nghệ sĩ vô cùng lo ngại bởi nếu kho phim này mà mất cũng có nghĩa là Hãng phim cũng mất: “Gần 300 bộ phim bị hỏng khiến nghệ sĩ chúng tôi ai cũng đau xót. Gửi đơn kiến nghị lên Bộ VH-TT&DL mới đây, chúng tôi đã giải thích: Những bản phim dương bản gốc (positive) này, trong chuyên môn điện ảnh, chính là bản gốc, và là một trong hai bản gốc còn lại của những bộ phim cũ, kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam. Dạng bản phim positive gốc chính là tác phẩm điện ảnh hoàn chỉnh, để được trình chiếu cho công chúng thưởng thức. Ngoài ra, khác với ở Việt Nam, trên thế giới người ta vẫn sử dụng rộng rãi phim nhựa song song với phim kỹ thuật số, các liên hoan phim (LHP), sự kiện điện ảnh lớn quốc tế luôn sẵn sàng chiếu bản phim nhựa. Như vậy, khoảng 300 bản phim nhựa ở Hãng phim Truyện Việt Nam bị hỏng, ngoài việc là di sản văn hóa, những bản phim này đều có thể được sử dụng trong những hoạt động điện ảnh trong nước và quốc tế. Vì vậy, tổn thất của việc hỏng 300 bản phim positive xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm và thiếu hiểu biết về nghề nghiệp điện ảnh của Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso) là rất lớn.” – Đạo diễn NSƯT Bùi Trung Hải phân tích.

Hãng phim truyện Việt Nam từng có hơn 600 văn nghệ sĩ, cán bộ, công nhân viên làm việc. Hãng nổi tiếng với dòng phim cách mạng, trong đó có những tác phẩm đã đi vào lòng người như: Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội… Năm 2017, Vivaso trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Hãng phim truyện Việt Nam sau khi Hãng này hoàn tất quá tình cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam. Sau khi cổ phần hóa, Vivaso giữ 65% cổ phần, Nhà nước 28%, còn lại nghệ sĩ, cán bộ, công nhân của Hãng có khoảng 7% cổ phần. Tuy nhiên, sau khi giữ vai trò điều hành Hãng phim "hậu" cổ phần hóa, Vivaso đã khiến cho các nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên, người lao động trong Hãng bức xúc vì đã không đảm bảo công việc, đời sống cho mọi người, không đưa ra định hướng làm phim cụ thể nào. Năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ VH-TT&DL xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục theo đúng quy định để Vivaso xin rút vốn trước thời hạn. Nhưng từ đó đến nay việc thoái vốn của Vivaso vẫn chưa diễn ra.

Đáng chú ý, để tháo gỡ khó khăn trong việc giải quyết các vướng mắc tại Hãng phim truyện Việt Nam, tại một cuộc họp, Vivaso đã đề xuất được đầu tư sản xuất phim và văn hóa điện ảnh. Về việc này nhiều nghệ sĩ không đồng tình, bởi “Một sự bất tín, vạn sự bất tin”: “Tôi hoàn toàn không đồng tình. Vì nếu có tâm, có tầm với điện ảnh thì Vivaso đã làm cách đây hơn 6 năm rồi. Nếu tâm huyết với điện ảnh thì Vivaso phải biết giữ những tư liệu lịch sử của điện ảnh chứ không bỏ mặc không đảm bảo điều kiện bảo quản khiến cho 300 bộ phim bị hỏng, rồi bao nhiêu đạo cụ cũng bị coi như đống rác. Vậy thì liệu họ có đủ tư cách để tiếp tục làm phim?”- NSƯT, nhà quay phim Vũ Đức Tùng bày tỏ.

Gần 7 năm đã trôi qua, số phận và tương lai của Hãng phim vẫn là vấn đề nổi cộm, nhức nhối chưa được giải quyết dứt điểm, khiến nhiều nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên đã và đang phải chịu biết bao thiệt thòi khi không có lương hàng tháng, không có bảo hiểm xã hội, nhiều cán bộ đến tuổi nghỉ hưu chỉ được hưởng chế độ thấp và nhiều người còn đang không biết tương lai sẽ đi về đâu. Công chúng trông chờ và hy vọng các cấp có thẩm quyền sớm quan tâm giải quyết dứt điểm những tồn tại như hiện nay tại Hãng phim truyện Việt Nam.