Đây là hoạt động thuộc Đề án Khoa học cấp quốc gia “Phát triển nghệ thuật ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hội thảo quy tụ các chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, người thực hành văn hóa và nghệ thuật ở Việt Nam nhằm tạo nên một diễn đàn thảo luận và chia sẻ các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến phát triển nghệ thuật ở nước ta hiện nay.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Mai Thị Thùy Hương, Phó Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia VN cho biết, nghệ thuật là lĩnh vực rất rộng, luôn chịu tác động sâu sắc từ những thay đổi trong bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và quốc tế. Việc xây dựng và triển khai các chính sách, chương trình phát triển nghệ thuật luôn cần dựa trên một nền tảng lý luận vững chắc và những hiểu biết thấu đáo về yêu cầu và xu thế của từng giai đoạn phát triển cũng như bản chất và động năng của lĩnh vực nghệ thuật. Trong bối cảnh phát triển mới với định hướng trọng tâm là phát triển bền vững, những yêu cầu và đòi hỏi mới được đặt ra, đưa đến những thay đổi trong quan điểm, cách tiếp cận và phương thức vận hành, phát triển của lĩnh vực nghệ thuật.

Nhận diện các yếu tố tác động đến sự phát triển nghệ thuật ở Việt Nam, GS.TS Nguyễn Xuân Tiên nhận định, hoạt động nghệ thuật là một quy trình liên tục, khép kín song hành với tiến trình lịch sử xã hội và tương tác qua lại lẫn nhau không ngừng giữa cuộc sống - nghệ sĩ - tác phẩm - công chúng - cuộc sống, thông qua sự nối kết của đánh giá và phê bình nghệ thuật… Chính những yếu tố này ảnh hưởng mạnh, tác động trực tiếp, gián tiếp đến sự phát triển nghệ thuật ở Việt Nam.

Muốn phát triển bền vững nghệ thuật ở Việt Nam trong bối cảnh đương đại cần có những giải pháp, chiến lược cụ thể về quản lý Nhà nước, về đào tạo chuyên ngành, môi trường hoạt động, về quảng bá tác phẩm, về chính sách và trách nhiệm đối với văn nghệ sĩ, về đánh giá phê bình nghệ thuật, đồng thời nâng cao nhận thức thẩm mỹ của người dân… nhằm tạo động lực cho văn nghệ sĩ sáng tác được những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, được công chúng đón nhận, có tác động mạnh đến sự phát triển của xã hội về kinh tế, văn hóa, giáo dục, thẩm mỹ.

PGS.TS Đoàn Thị Mỹ Hương, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng, nghệ thuật công cộng cung cấp những tác động tích cực đối với cộng đồng. "Các dự án nghệ thuật công cộng sẽ không chỉ dừng ở ý nghĩa biến đổi một không gian cũ thành không gian nghệ thuật mới mẻ, đẹp mắt, thu hút sự tò mò nhất định của dân chúng và rồi dần bị lãng quên. Để những công trình nghệ thuật đó không chỉ đơn thuần là sự trang trí, làm đẹp cho một khu phố, một con đường… cần phải có những chiến lược cụ thể để có thể nâng nghệ thuật công cộng lên một tầm cao mới, xứng với tốc độ phát triển văn hoá - kinh tế toàn cầu hiện nay".

Đề cập đến một chủ đề rất thời thượng là tác động của khoa học công nghệ và trí thông minh nhân tạo (AI) đến phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Đại học Sài Gòn phân tích, nhờ có Trí thông minh nhân tạo, công việc sáng tạo, nhân bản, biến các chủ đề âm nhạc, thậm chí chỉ là tựa đề hoặc ý tưởng trở thành một tác phẩm hoàn chỉnh chỉ bằng vài thao tác, trong vài giây. Nhiều ý kiến cho rằng công nghệ có những mặt tích cực vì đã đóng góp lớn trong sản phẩm âm nhạc. Tất nhiên, công nghệ - trong đó có AI - có những mặt trái, nhưng mặt tích cực của công nghệ là có thể đưa ra những nghiên cứu xã hội học về văn hóa, nghệ thuật để có những chỉ số cụ thể và kịp điều chỉnh những lệch chuẩn xã hội. Công nghệ là xu hướng và nhu cầu, là dấu hiệu hòa nhập và phù hợp xu thế của ngành âm nhạc, mở ra những hướng đi mới cho phát triển âm nhạc trong tương lai.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, hiện vẫn còn không ít những bất cập trong cơ chế hợp tác công tư lĩnh vực điện ảnh. Theo đó, Nhà nước chỉ đầu tư cho sản xuất mà không cho phép đầu tư để phát hành, quảng bá phim. Nhà nước cũng chưa có cơ chế phối hợp giữa đầu tư công và các hình thức xã hội hóa khi huy động vốn sản xuất phim. Vì những cơ chế bất hợp lí nên phim do Nhà nước sản xuất rất khó tìm đường ra các rạp chiếu tư nhân.

"Nhà nước cần đầu tư toàn diện cho điện ảnh, tránh manh mún và cắt khúc như hiện nay. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đầu tư cho các đề tài mà tư nhân không muốn đầu tư, đó có thể là đề tài về lịch sử quảng bá danh nhân, vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam; xây dựng cơ chế hoạt động và quản lý thật sự khoa học và hiệu quả cho Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam", PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú đề xuất.

Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết, trong bối cảnh hiện nay nghệ thuật cần phải là trụ cột vì sự phát triển bền vững. "Hiện còn quá nhiều rào cản để nghệ thuật Việt Nam có thể phát triển. Nghệ thuật có vai trò quan trọng để định vị thương hiệu, tâm thế của một quốc gia, do vậy cần có những giải pháp để nghệ thuật Việt Nam đứng vững trong bối cảnh đương đại, thể hiện bản sắc dân tộc trên trường quốc tế"./.