Từ sau Hiệp định Giơnevơ 1954, đế quốc Mỹ nhanh chóng nhảy vào miền Nam, thế chân thực dân Pháp, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới. Năm 1968, sau hàng loạt những thất bại nặng nề của chiến lược "chiến tranh cục bộ" và chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, cuộc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) và Chính phủ Hoa Kỳ đã chính thức diễn ra ở Paris.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 1964-1967 Mỹ đề nghị đàm phán rất nhiều, chủ yếu thông qua Liên Xô. "Mỹ sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với điều kiện là VNDCCH không được đưa thêm quân từ miền Bắc vào miền Nam, không được tiến công các vị trí quân Mỹ ở miền Nam. Tất nhiên với điều kiện đó thì chúng ta không thể chấp nhận được...".

Tại Hội nghị Paris, phái đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Xuân Thuỷ đứng đầu đã khẳng định lập trường không thay đổi của Việt Nam. Đó là trước tiên Mỹ phải chấm dứt không điều kiện các cuộc ném bom bắn phá và mọi hoạt động chiến tranh khác chống nước VNDCCH, sau đó mới bàn các vấn đề có liên quan của hai bên.

"Đó là cả một quá trình đấu tranh không ngừng nghỉ trên cả mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. Đảng đã kịp thời chỉ đạo lực lượng vũ trang, quân giải phóng miền Nam mở những cuộc tiến công mang tính quyết định, tạo ra những "cú hích" về quân sự để gây sức ép trên bàn đàm phán đối với Mỹ và đủ trọng lượng để đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ Qua đó từng bước thực hiện phương sách mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào". PGS.TS Trần Ngọc Long, Viện Lịch sử Quân sự nhấn mạnh.

Diễn ra từ năm 1968, đến năm 1973 Hiệp định Paris mới được ký kết. Trong thời gian khoảng 5 năm ấy, Hiệp định Paris đã trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và đã có hàng nghìn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam.

Hiệp định Paris là thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh vô cùng to lớn của quân và dân ta trên mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ Đồng khởi Bến Tre năm 1960, đến Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, tiến công chiến lược xuân-hè năm 1972 và chiến thắng vang dội 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Hiệp định Paris nêu rõ: Hoa Kỳ và các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Hoa Kỳ phải hoàn toàn chấm dứt chiến tranh xâm lược, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam. Rút hết quân đội của Mỹ và của các nước khác, cố vấn và nhân viên quân sự, vũ khí và dụng cụ chiến tranh, hủy bỏ tất cả các căn cứ quân sự. Tôn trọng quyền tự quyết và bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam. Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ.

GS.TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng Hiệp định Paris đã tạo ra bước ngoặt lớn cho cách mạng nước ta lúc bấy giờ. Đây có thể xem là một mốc lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Không chỉ là vấn đề ngoại giao mà nó còn là một phần trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

"Khi mà chúng ta tiến hành cuộc kháng chiến này thì một mặt dốc toàn lực để đưa cuộc chiến tranh nhân dân có thể nói rằng là rộng lớn nhất chưa từng có để tiến hành cuộc kháng chiến phải có cách nào đó để buộc đối thủ của mình là đế quốc sừng sỏ ấy phải từng bước giảm ý chí xâm lược. Rồi là từ chỗ làm nản làm giảm đi thì phải làm sao đó để tăng thế và lực của mình trên trường quốc tế. Và tất cả những cái đó nó tạo thành một cái gọi là sức mạnh tổng hợp để đẩy vị thế của nhân dân Việt Nam lên đỉnh cao".

Hiệp định Paris được ký kết đã khiến cho hình thái chiến trường thay đổi theo hướng có lợi cho cách mạng. Đảng ta nhận định, sau Hiệp định Paris, chúng ta đã có những nhân tố thắng lợi và khả năng mới do Hiệp định Paris đưa lại, đó là chính quyền và lực lượng vũ trang cách mạng, vùng giải phóng, lực lượng chính trị và phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng trong vùng địch kiểm soát và những quyền cơ bản được Hiệp định thừa nhận. Do đó, phải tận dụng những nhân tố và khả năng ấy để “tiến lên hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Hiệp định Paris đã mở đường, tạo nên bước chuyển chiến lược cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Để rồi từ đó quân và dân ta đã làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển.