Mời các bạn bấm nút nghe nội dung:

Chuyện những người làm nghề ở “làng vít đầu thiên hạ”

Rất nhiều hoạt động liên quan đến nghề tóc đã được thế hệ những người thợ, những nghệ nhân của làng Kim Liên xưa, nay là phường Kim Liên tổ chức tại đình Kim Liên (Nam trấn Thăng Long thành). Nào hội thi cắt tóc tạo kiểu, nào giới thiệu về nghề cha truyền con nối, rồi có cả khu vực trưng bày những bộ đồ nghề cắt tóc từng theo chân những người thợ trong làng tỏa khắp Hà Nội làm nghề “vít đầu thiên hạ”. Anh Phạm Ngọc Sơn, chủ thương hiệu tóc Sơn Thúy không nhớ rõ thời điểm ông cha bắt đầu làm nghề nhưng bản thân từ tấm bé đã được học và làm nghề theo cách tự nhiên nhất.

“Các cụ làm nghề cắt tóc từ xa xưa. Tôi lớn lên đã thấy nghề trong làng, trong nhà mình. Thời bé, hằng ngày ra xem bố cắt tóc thì cũng được ông hướng dẫn cầm kéo, cầm lược, cầm dao. Bố dạy cho những điều cơ bản nhất, sau này mình cũng tự học hỏi được nhiều thứ, rồi tìm kiếm thông tin trên mạng”, anh Sơn chia sẻ hành trình đến và làm nghề.

Nhờ những kĩ thuật nền tảng, cơ bản nhất và lại được rèn rũa kĩ lưỡng, huấn thị nghiêm khắc từ bố nên khi nghề tóc nói chung, kĩ thuật cắt tóc nói riêng phát triển, biến hóa và cập nhật theo trào lưu theo anh Sơn "không làm khó người làm nghề".

Nghệ nhân Trịnh Hữu Lợi bước vào tuổi 75, tóc tạo kiểu xoăn nhẹ, lịch lãm trong trang phục áo trắng quần âu. Ông vẫn giữ đầy đủ những bộ đồ nghề từ thời ông cha, thường góp cho các trưng bày tại đình làng dịp giỗ tổ.

“Từ những năm 1954 khi hòa bình lập lại, ngay ở sân đình này năm nào các cụ cũng bỏ đồ nghề ra, vận động trẻ con ra cắt tóc miễn phí. Xưa thật là xưa dân làng Kim Liên, nam thanh niên cầm hòm đồ, đồ rất đơn giản bằng gỗ với cái ghế nhỏ đi lên các phố trong Hà Nội, làng nghề trong phố, mỗi người một khu vực, đi rong, cắt thế ai cũng có khách quen”, nghệ nhân Trịnh Hữu Lợi nhớ lại.

Làm nghề cắt tóc ở làng Kim Liên chỉ dành cho đàn ông, con trai và cũng chỉ tập trung vào cắt tóc tạo kiểu cho nam giới. Phụ nữ trước đây làm nông nghiệp, tập trung vào trồng rau. Nhưng theo như lời nghệ nhân Trịnh Hữu Lợi, bắt đầu từ khi người Pháp sang xâm chiếm và đô hộ, nhiều người vợ theo chồng sang Việt Nam có nhu cầu chăm sóc, cắt tạo kiểu tóc kéo theo công việc làm xoăn, uốn lọn (hay còn gọi là phi dê) du nhập từ thợ tóc Pháp.

Càng về sau, nam nữ bình quyền cộng thêm du nhập của thời trang tóc, đặc biệt tóc nữ khiến người làm nghề và cả khách hàng không chỉ giới hạn ở nam giới. Chị Khúc Thị Tuyết, vợ anh Ngọc Sơn, một trong 9 nghệ nhân của làng nghề cắt tóc lại không phải người làng. Mê công việc cắt tóc tạo kiểu từ bé, năm 1988, chị Tuyết chọn học nghề và bắt đầu khởi nghiệp từ năm 1989.

Mê nghề, ước ao làm nghề rồi yêu và cưới người làng nghề cắt tóc và cũng làm công việc cắt tóc, tạo kiểu, vợ chồng anh chị Tuyết Sơn cùng nhau mở cửa hàng ngay tại nhà, cần mẫn làm và không ngừng tự học hỏi, trau dồi tay nghề và tự sáng tạo thêm. Dù Hà Nội bạt ngàn các salon tóc thời thượng, rực rỡ ánh đèn, sáng bừng quảng cáo, anh chị vẫn giữ không gian làm nghề bình dị, gần gũi với trang thiết bị như khiến người ta lạc vào cửa hàng tóc những năm bao cấp. Ấy vậy mà khách vẫn đông, thậm chí ở xa vẫn tìm về, yêu mến và bền bỉ. Chị Tuyết cho rằng điểm khác biệt nhất giữa thợ cắt tóc xưa và nay nằm ở kĩ thuật. Theo truyền thống, chỉ cần chiếc kéo trong tay, người thợ có thể tạo kiểu cho khách hàng nhưng đến nay, việc cắt chỉ để làm bước đệm cho việc đưa thuốc hóa chất vào tạo kiểu.

Cho đến hôm nay, đã có thêm lớp thợ trẻ ở làng tiếp tục nghề cắt tóc của làng Kim Liên. Họ có thể là con cháu người làng nhưng cũng có những trường hợp ở nơi khác về học và làm nghề ngay tại mảnh đất Kim Liên như anh thợ trẻ Phạm Văn Minh. Mua được căn nhà nhỏ trong làng, nay là phường Kim Liên và mở cửa hàng ngay tại nhà với anh đó được xem như thành tựu của 15 năm gắn bó với nghề tóc.

“Mình có may mắn được gặp các bác, các chú làm nghề cắt tóc trong làng, được học hỏi, truyền dạy kinh nghiệm và được thực hành luôn nên cảm giác khá yên tâm, vững vàng với tay nghề. Mình coi đây như quê hương thứ hai, gắn bó và thân thiết”, Minh chia sẻ.

Anh Phạm Duy Hào, cây kéo vàng đồng thời làm Chủ tịch Hội làng nghề cắt tóc truyền thống Kim Liên cho biết đến năm nay, trải qua những thăng trầm, làng nghề khôi phục tròn 20 năm.

“Làng của chúng tôi từ thời các cụ, đến thời Pháp thuộc đánh dấu những cách tân về nghề. Trải qua chiến tranh rồi đến một giai đoạn rất khó khăn cho người làm nghề. Đến năm 2005, chúng tôi khôi phục lại nghề tóc và đến nay vẫn gìn giữ nghề với mong muốn làm đẹp cho đời. Nghề tóc nói chung, cắt tóc nói riêng mang tính nghệ thuật, đòi hỏi con mắt thẩm mĩ, tay nghề siêu đẳng, tạo được dáng. Thời xưa các cụ làm bằng dụng cụ thô sơ, bây giờ đã có những thiết bị rất hiện đại hỗ trợ. Nhưng quan trọng nhất vẫn phải ở ánh mắt nghệ thuật và kĩ thuật kết hợp trong bàn tay vàng mới tạo được kiểu tóc đẹp”, anh Hào phân tích.

Anh Hào kể như lời các cụ truyền lại, nghề cắt tóc bắt đầu từ ngày hội làng, có thầy địa lý Tả Ao đi ngang, người làng đã nhờ thầy “xem” cho làm thêm nghề. Ông Tả Ao thấy làng có một số người làm nghề cắt tóc liền khuyên mọi người nên phát huy nghề này. Ngày mùng 3 tháng 4 âm lịch hằng năm, dân làng Kim Liên vẫn tìm về Hà Tĩnh, quê hương cụ Tả Ao làm lễ tạ. Và dù xoay vần đến đâu, đổi thay thế nào, nghề cắt tóc vẫn dựa trên nền tảng kĩ thuật cơ bản buộc người thợ phải rèn tay nghề từ thực tế.

Cho đến hôm nay, cùng những salon lung linh, biển hiệu đèn điện rực rỡ thì những tiệm cắt tóc nhỏ trong các đường ngõ hay chỉ đơn giản chiếc ghế, tấm gương và bộ đồ nghề ở một góc vỉa hè, những người thợ cắt tóc làng Kim Liên vẫn cần mẫn “làm đẹp cho đời, làm đẹp cho người”. Và để rồi rằm tháng 3 hằng năm, họ vẫn tìm về đình làng Kim Liên tỏ lòng tri ân những người đặt nền móng, duy trì nghề cắt tóc truyền thống qua những tháng năm dài đầy thăng trầm biến động.

Nghề cắt tóc nhìn từ quá khứ

Nghề cắt tóc và những hoạt động liên quan từ lâu đã giữ vai trò một nhánh nhỏ trong lĩnh vực thời trang với những kiểu dáng, màu sắc, sản phẩm chăm sóc, tạo kiểu theo mùa, theo xu hướng... Công việc của người thợ tóc kết hợp giữa kĩ thuật và nghệ thuật, tạo nên những kiểu dáng, màu sắc tóc phù hợp với từng gương mặt, tính cách, thậm chí cả công việc của khách hàng đồng thời phù hợp xu hướng của ngành thời trang.

Với những nghệ nhân như ông Phạm Duy Cốc, năm nay 88 tuổi, người kế thừa nghề cắt tóc từ những cao niên trong làng và tiếp tục trao truyền cho con trai tiếp nối, việc đến với nghề cắt tóc trở thành lựa chọn duy nhất khi bước vào tuổi thanh niên.

“70,80,90 năm trước, nam thanh niên ở làng Kim Liên lớn lên hầu hết chỉ có thể chọn nghề cắt tóc. Lứa như tôi cả làng có hai anh học lên, còn thì đều học cắt tóc. Thêm nữa các cụ ngày xưa đông con nên phải có nghề để kiếm tiền đỡ bố mẹ. Nhưng hồi ấy để xin được vào học cũng khó vì hồi ấy người Hà Nội cẩn thận lắm, người ta cắt ai hợp và chọn được kiểu tóc rồi thì cả đời chỉ cắt ở thợ ấy thôi”, nghệ nhân Duy Cốc nhớ lại.

Học nghề ở đây như cách mô tả của người nghệ nhân của làng đều theo cách cầm tay chỉ việc. Các thao tác được chỉ dẫn từ lúc khách ngồi lên ghế, tư thế đứng của thợ ra sao hay cách cầm kéo, cầm dao cạo thế nào… Thời đấy không có mô hình, không có tóc giả để thử nên ngoài quan sát thợ cắt tóc, các học viên trẻ buộc phải sử dụng đùi mình để rèn luyện cách sử dụng dao, kéo trong các đường lượn, cắt. Người thầy được xem như khách hàng đầu tiên và cũng mang giá trị của bài sát hạch công nhận tay nghề cho mỗi thợ trẻ.

Thầy dạy như lời ông Duy Cốc chỉ gồm những kĩ thuật cơ bản, suốt hành trình làm nghề, người thợ phải tự rèn luyện, học hỏi và sáng tạo cả những kĩ thuật mới, hướng tới mục tiêu “vừa lòng” khách.

Thường sau 3 tháng học nghề và thực hành ở cửa hàng của thầy, các học viên trẻ sẽ phải tự sắm đồ nghề, bắt đầu “khởi nghiệp”. Một hộp đồ nghề bằng gỗ với dao, kéo, tông đơ cùng dăm đồ nghề khác, các lao động trẻ từ làng nghề cắt tóc truyền thống Kim Liên sẽ tỏa đi khắp thành phố phục vụ khách hàng mọi tầng lớp.

“Cứ đi bộ thôi, ngày cũng phải mười mấy hai chục km đường. Mới làm thì phải ra ngoại thành mới có khách. Hồi ấy mạn như Định Công, làng Tám, bến phà Đen hay khu Lương Yên vẫn thuộc ngoại thành. Cứ dần dần thuần tay rồi mắt mình cũng chỉnh để có được những mái tóc cắt ưng ý. Rồi có tay nghề hơn thì lùi dần vào trong phố như ở Phương Liệt rồi đường Trường Chinh… Cho đến khi có ông chú gọi về làm ở cửa hàng số 3 Hàng Điếu thì đó là giai đoạn đỉnh cao về nghề vì xung quanh toàn thợ giỏi và yêu cầu của khách cũng rất cao”, ông Duy Cốc kể.

Ngày ấy, cắt tóc nam chỉ xoay quanh 6 kiểu gồm cắt bình thường có cắt thấp, trung bình và cắt cao. Ngoài ra còn có cắt tóc cua với ba kiểu: Cua đuổi để hơi chải được đầu, cua tròn dễ nhất và khó nhất thuộc về cua vuông. Riêng đầu cắt cua vuông phải thợ thật cao tay nghề mới thực hiện được để khi hoàn thành, nói như lời nghệ nhân Duy Cốc “để bát nước lên không đổ”.

Nhưng đến hôm nay, nghề tóc nói chung, cắt tóc nói riêng đã phát triển cực thịnh, thiên biến vạn hóa với cả trăm ngàn mẫu. Nghệ nhân Phạm Duy Cốc cho răng có những nguyên tắc, kinh nghiệm cho những người muốn theo nghề. Trước hết phải có tình yêu, đam mê với công việc. Có năng khiếu trở thành lợi thế để đưa một bạn trẻ lên đỉnh cao nghề nghiệp, trở thành “cây kéo vàng”, việc cập nhật xu hướng cũng giữ vai trò quyết định thành bại với người thợ tóc. Kĩ thuật cũng như thiết bị đã hỗ trợ cũng như có những tác động thay đổi hẳn ngành thời trang tóc. Người thợ ngoài cắt tóc buộc phải học và sử dụng thành thạo các phương tiện hỗ trợ cũng như hóa chất nhằm giữ an toàn bản thân cũng như tránh được việc hỏng tóc của khách hàng.