Hòa Bình là tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng với địa hình núi cao, rừng rậm, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thảm thực vật và quần thể động vật phong phú, quê hương của nền văn hóa Hòa Bình với những nét bản sắc vô cùng độc đáo. Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã phát huy thế mạnh, tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới.

Với điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn đa dạng, phong phú, tỉnh Hoà Bình thời gian qua đã và đang phát huy rất tốt tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng.

Xóm Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc nằm trong thung lũng Mường Bi còn lưu giữ được hơn 80 nhà sàn cổ và những phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo. Năm 2014, sau khi được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận là điểm du lịch cộng đồng, môi trường, cảnh quan của xóm Ải đã có bước chuyển tích cực.

"Chỉ mỗi làng mình là còn giữ được nguyên vẹn như thế này, làng khác cũng có nhưng mà chỉ lác đác thôi. Được Nhà nước công nhận làng Mường cổ phải giữ lấy cái bản sắc của người Mường, phải giữ lấy cái nhà gác của người Mường ngày xưa…"- Ông Đinh Công Lon, người cao tuổi trong xóm, chủ một hộ gia đình làm dịch vụ du lịch cộng đồng giới thiệu.

Bước chân vào xóm Ải, du khách sẽ được chào đón bởi cảnh sắc thiên nhiên vô cùng trong lành và bình yên. Tuy nhiên, điều thú vị hơn cả là du khách còn được chào đón bởi những tiếng cồng chiêng vang vọng bốn bề.

"Người dân chúng tôi thực sự rất là giàu tình cảm, chân chất, sống gần gũi, gắn bó với nhau và có một điều đặc biệt tự hào đó là được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho rất nhiều cảnh đẹp, du khách trong và ngoài nước cũng biết đến ngày càng nhiều…", chị Bùi Thị Him, thành viên đội văn nghệ của xóm chia sẻ.

Ở xóm Ải, du khách được bố trí ăn, nghỉ trên nhà sàn với đầy đủ tiện nghi. Chị Bùi Thị Thảo, là nhân viên của Homestay xóm Ải cho biết, thời gian qua, chính quyền địa phương đã hỗ trợ bà con trong xóm đầu tư hạ tầng giao thông, đào tạo kỹ năng làm du lịch để nâng cao năng lực phục vụ khách: " Du khách được trải nghiệm những nét văn hóa, chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của bản Ải, hòa mình vào những giai điệu như cò ke ông sáo, những tiết mục thể hiện công việc ngày mùa hoặc là những công việc của người con gái Mường đi dệt thổ cẩm, đi cấy hoặc là trồng bông, dệt vải…".

Để thu hút du khách, xóm Ải tập trung mở rộng, đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ nhưng vẫn mang đậm tính truyền thống đặc trưng để du khách trải nghiệm. Đặc biệt là giới thiệu nền ẩm thực vô cùng phong phú và độc đáo của dân tộc Mường.

"Ăn uống, ẩm thực thì gia đình cũng tư vấn cho khách. Ở đây đặc trưng nhất là thịt gà nấu măng chua hay là cá măng chua cũng rất là thơm, khách rất thú vị, thích ăn lắm. Hay rau rừng của mình các cụ truyền lại tổng hợp 7-8 thứ, khách cũng rất thích ăn…", ông Đinh Công Lon cho biết.

Thời gian qua, để giúp người dân xóm Ải khai thác hiệu quả hoạt động du lịch cộng đồng, tỉnh Hòa Bình triển khai nhiều chương trình hỗ trợ. Thông qua các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hướng tới các đối tượng du khách quốc tế, khách từ các thành phố lớn, nhóm gia đình nghỉ dưỡng cuối tuần, học sinh - sinh viên dã ngoại, khách tìm hiểu văn hoá.

Ông Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết, hoạt động du lịch cộng đồng đã có những đóng góp quan trọng vào tổng thu từ khách du lịch toàn tỉnh. Để tiếp tục phát huy thế mạnh, lợi ích từ du lịch cộng đồng, tỉnh Hòa Bình đã và đang triển khai các nội dung của Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2030. Trong đó, trọng tâm là tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, nhân rộng mô hình, cơ sở, kỹ thuật đồng bộ, hoàn thiện các điều kiện phục vụ du khách tại các điểm đến, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa bản địa.

"Chúng tôi xác định với tiềm năng, với bản sắc văn hóa như vậy thì việc mà xây dựng những sản phẩm du lịch cộng đồng là thế mạnh. Chính vì thế mạnh đó cho nên chúng tôi phối hợp với các đơn vị lữ hành dàn dựng những chương trình để vừa bảo tồn văn hóa cũng là để phục vụ du khách khi mà đến với mình..."- Ông Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết.

Thực tế tại tỉnh Hòa Bình thời gian qua cho thấy, các mô hình du lịch cộng đồng phát triển đã đem lại cơ hội phục hồi, phát triển một số nghề truyền thống, phong tục, các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội. Đồng thời, du lịch cộng đồng đã đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội cho người dân địa phương, tạo ra công ăn việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cộng đồng; góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.

Xin mời nghe chi tiết tại đây: