Trọng dân, gần dân, vì nhân dân quên mình, chăm lo đến lợi ích của dân, dân chủ với dân, thật sự tôn vinh nhân dân làm chủ xã hội là một tư tưởng lớn, mang tính văn hóa, nhân văn, nhân đạo cao cả và tính cách mạng, tính nhân dân sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng về sự gắn bó mật thiết với nhân dân.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Trung, nguyên trưởng khoa Văn hóa, Học viện Báo Chí và Tuyên truyền cho biết: Tư tưởng thân dân của Bác nó xuyên suốt, bắt đầu từ khi Người tham gia cách mạng cho đến tận cuối đời. Người quan niệm dân mới là lực lượng chính trong xã hội. Người ví dân như nước, nước có thể nâng thuyền cũng có thể lật thuyền. Người thường nhắc trong những cuộc nói chuyện rằng: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Từ những nhận thức như vậy, trong quá trình hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn đề cao tư tưởng gần dân, thương dân và hết lòng vì dân.

Hồ Chí Minh đến với dân luôn chân thành và giản dị, đây là một trong những điều làm nên tình thương mến của các tầng lớp nhân dân đối với Người, làm nên sức hấp dẫn, lôi cuốn, thu hút, thuyết phục của Người đối với bạn bè quốc tế, đến mức thu phục cả nhân tâm ngay ở phía đối phương.

Được gặp Hồ Chủ tịch tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước năm 1966 bà Trương Thị Diên ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình không bao giờ quên được sự ân cần, quan tâm của Hồ Chủ tịch đối với mình và các đại biểu dự đại hội. Bà Diên kể: Khi đó thời tiết Hà Nội rất lạnh, Bác Hồ đã ra chỉ thị phát cho mỗi đại biểu một chiếc áo bông. Khi gặp Người, tôi quá xúc động nói không nên lời, Bác quá gần gũi, quá bình dân và hỏi han cặn kẽ. Bác dặn dò rất nhiều, Bác nói “Sở dĩ dân tộc mình anh hùng là vì có nhân dân anh hùng, các cô, các chú được phong anh hùng là khó rồi cho nên càng phải học tập, trau dồi đạo đức của mình”. Đến bây giờ, chiếc áo bông cùng những lời căn dặn của Bác Hồ đã theo tôi suốt cuộc đời.

Là Chủ tịch nước nhưng lối sống, sinh hoạt của Hồ Chủ tịch không khác gì người dân bình thường. Đi cơ sở, về với dân rất ít khi Người báo trước, không nghi thức rườm rà, không nghi lễ đón tiếp... Vì vậy, dân được đến với Người, được đứng bên Người, được trò chuyện với Người như được trò chuyện với người cha, người thân yêu nhất của mình. Ðến với nông dân, Người mặc quần nâu, áo vải, khăn mặt vắt vai, đầu đội mũ cát. Ðến với công nhân, Người mặc bộ quần áo xanh đã bạc mầu, đi đôi dép cao su. Ðến với trí thức, Người mặc bộ quần áo ka-ki mầu vàng, đi đôi giày vải.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, Bác Hồ đề cao tư tưởng gần dân, thương dân không phải chỉ trong lý thuyết mà Bác có rất nhiều cuộc đến thăm đồng bào, kể cả miền núi, miền xuôi, kể cả đến các xí nghiệp cho đến các hợp tác xã nông nghiệp. Chúng ta được xem rất nhiều bộ phim tư liệu hay những bức ảnh, Bác Hồ còn lội xuống đồng xem lúa mọc lên như thế nào. Đấy chính là những biểu hiện tư tưởng gần dân, thương dân và vì dân. Bác luôn luôn nói, những người làm cách mạng phải là những người sống vì dân chứ không phải quan cách mạng.

Trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh có đầy đủ phẩm chất hội tụ của một lãnh tụ thiên tài, đồng thời Người còn là hiện thân của một lãnh tụ gần dân: Vĩ đại mà không cao xa; thanh cao mà vô cùng giản dị, gần gũi, thân thiết và gắn bó với quần chúng. Bác Hồ là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước nhưng cuộc sống đời thường thực sự gần gũi với mỗi gia đình và mỗi người dân Việt Nam. Bác luôn dành tất cả cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Nhớ đến Người, các thế hệ người Việt Nam mãi mãi tự hào, như Đảng ta đã khẳng định: “Dân tộc ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Mỗi người dân nhớ đến Bác không chỉ là một vị lãnh tụ vĩ đại mà như một người thân thiết, gần gũi của gia đình, đúng như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu "Người là Cha, là Bác, là Anh”.