Tham dự Tọa đàm và giới thiệu sách có tác giả, Họa sĩ Trịnh Lữ- con trai họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc; Họa sĩ Lương Xuân Đoàn- Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Phạm Long; Họa sĩ, Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế.

Cuốn sách "Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc – Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương" là tâm huyết mà họa sĩ Trịnh Lữ viết về sự nghiệp hội họa, thực hành và giảng dạy thiết kế nội thất gỗ của người cha thân yêu: cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - một họa sĩ được đào tạo tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đầu thế kỷ XX, một tên tuổi đã ghi dấu ấn trong hội họa và thiết kế nội thất của Việt Nam.

Cuốn sách dày 400 trang khổ lớn với hơn 600 hình ảnh, tranh vẽ và được trình bày song ngữ. Tác phẩm như một chuyến đi trải nghiệm dành cho độc giả, để có thể khám phá về chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Thông qua cuốn sách, người đọc sẽ thấy sự nghiệp của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc gắn bó chặt chẽ với mỹ thuật ứng dụng. Được đào tạo bài bản về hội họa tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã vận dụng kiến thức và sức sáng tạo cá nhân vào không chỉ cách vẽ tranh, nghiên cứu làm ra vóc sơn ta theo kỹ thuật riêng mà cả các lĩnh vực mỹ thuật khác và lĩnh vực nào cũng gặt hái được những thành công.

Cuốn sách được chia làm ba phần: Cuộc đời và sự nghiệp; Di sản đặc biệt; Bình luận; và tưởng niệm. Phát biểu tại buổi ra mắt sách, họa sĩ Trịnh Lữ cho biết, ông đã từng xuất bản cuốn sách đầu tiền về cha mình năm 2017, nhưng từ đó đến nay ông đã phát hiện thêm nhiều tư liệu mới về sự nghiệp của cha nên trong cuốn sách lần này đã bổ sung rất nhiều câu chuyện, thông tin mới, khái niệm mới về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng mỹ thuật của cụ cũng như hoàn cảnh, xã hội lúc bấy giờ. "Đây không chỉ là cuốn sách dành tặng cho gia đình, bạn bè của tôi mà tôi mong những câu chuyện trong cuốn sách sẽ được lan tỏa nhiều hơn đến với độc giả và góp phần giúp cho các nhà nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật sẽ có thêm nhiều kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này".

Thông qua tác phẩm này, họa sĩ Trịnh Lữ muốn khắc họa không chỉ khí chất, sự tiến bộ về tư tưởng cùng tài trí của cha mình - họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, mà còn nêu bật những đóng góp của cha mình cho quê hương bất chấp những khó khăn và thử thách trong cuộc sống và sự nghiệp riêng.

Đặc biệt, trong giai đoạn nước nhà có nhiều thay đổi, các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc được thiết kế theo lối mới: tiết kiệm diện tích, dễ dàng lắp ghép, phù hợp với nhân trắc học người Việt. Những sáng tạo này của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã đóng góp cho quê hương cả trong chiến tranh lẫn giai đoạn đổi mới, xây dựng đất nước.

"Nói đến phong cách mỹ thuật Đông Dương của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc thì được xem như là một sản phẩm rất đặc biệt của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương bởi mục tiêu giảng dạy của trường là làm thế nào để cho tất cả giá trị thẩm mỹ, cổ điển của phương Tây được truyền đạt đến với những người họa sĩ Việt Nam nhằm giúp họ có một cơ sở vững chắc để phát triển truyền thống mỹ thuật của riêng mình. Vì thế, không chỉ cha tôi mà những người đã học ở trường đó đều có kiến thức rất vững chãi về mỹ thuật phương Tây để vận dụng vào Việt Nam. Từ đó, góp phần vào sự phát triển của ngành mỹ thuật của nước ta" – họa sĩ Trĩnh Lữ cho biết thêm.

Đọc "Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương", độc giả sẽ được chiêm nghiệm không chỉ cách vẽ, tư duy hội họa của Trịnh Hữu Ngọc theo cách nhìn hiện thực thiên về ấn tượng tình cảm, mà còn có cơ hội đối chiếu và so sánh những tác phẩm đó với bút pháp và phong cách của những thầy cô mà ông kính trọng: Victor Tardieu, Joseph Inguimberty hay Alix Aymé... để từ đó hiểu được vì sao họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc xứng đáng là "Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương".