Như vậy, sau khi Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực thiết kế vào năm 2019, giờ đây Việt Nam cùng lúc có thêm 2 thành phố nữa được nhận danh hiệu này. Cụ thể, Đà Lạt là Thành phố sáng sáng tạo âm nhạc và Hội An là Thành phố sáng tạo thủ công và nghệ thuật dân gian.

Đà Lạt và Hội An nằm trong Đề án phát triển hệ thống các thành phố sáng tạo Việt Nam thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng, thực hiện. Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) là cơ quan chủ trì triển khai Đề án, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam giữ vai trò tư vấn chuyên môn, phối hợp với các địa phương xây dựng hồ sơ, thực hiện các cam kết gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN)… Theo lộ trình từ nay đến năm 2030, mỗi hai năm sẽ có tối đa hai thành phố Việt Nam xây dựng và nộp hồ sơ ứng cử gia nhập UCCN với mục tiêu sẽ có từ 4 đến 6 thành phố được công nhận là Thành phố sáng tạo UNESCO.

Đối với Đà Lạt, trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc là một tin vui ý nghĩa trong bối cảnh năm 2023, thành phố kỷ niệm 130 năm hình thành và phát triển. Thành phố mong muốn bên cạnh du lịch, tiềm năng của các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là âm nhạc sẽ đóng vai trò cốt lõi để thúc đẩy hội nhập quốc tế, phát triển đô thị bền vững, gắn kết các nhóm xã hội, dân tộc và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong khi đó, với nguồn vốn văn hóa giàu có, đa dạng, độc đáo được kết tinh từ lịch sử hàng trăm năm, là điểm giao thoa của nhiều nền văn hóa, Hội An được coi là nơi nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo của cộng đồng. Phát huy truyền thống kết nối Đông - Tây, tích cực sử dụng các giải pháp sáng tạo nhằm định vị thương hiệu quốc tế. Trong vai trò mới là Thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian, Hội An sẽ trở thành một trong những tiêu điểm ở châu Á lan tỏa sự bình yên từ sức sáng tạo bền vững.

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố có chung mục tiêu coi sáng tạo là yếu tố chiến lược cho phát triển đô thị bền vững, đặt các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo vào trung tâm của các kế hoạch phát triển cấp địa phương, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế. Mạng lưới hiện có 350 thành phố từ hơn 100 quốc gia, tập trung vào 7 lĩnh vực sáng tạo gồm Thiết kế, Văn học, Âm nhạc, Thủ công và Nghệ thuật dân gian, Ẩm thực, Điện ảnh và Nghệ thuật truyền thông.

Các Thành phố sáng tạo mới được UNESCO công nhận sẽ nỗ lực thực hiện những cam kết đã nêu ra trong hồ sơ gia nhập, đồng thời hợp tác với các thành viên khác của Mạng lưới để thúc đẩy các biện pháp đối phó với những thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng gia tăng, tốc độ đô thị hóa quá nhanh…