Phát biểu khai mạc Lễ hội, bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đánh giá cao ý nghĩa của lễ hội khi các hoạt động được tổ chức hướng về người dân, lan toả nguồn lực sáng tạo đến từ cộng đồng, do chính các Nghệ nhân, nhân dân tham gia và trình diễn, nhận được sự ủng hộ tham gia của các bạn bè quốc tế.

Trở thành thành viên “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO” sau gần 5 năm thực hiện, Hà Nội đã có nhiều hoạt động cụ thể hóa những cam kết xây dựng Thành phố sáng tạo, đã và đang từng bước khẳng định vị thế của một trong những Thành phố, Thủ đô năng động sáng tạo của châu Á.

Hà Nội đã đẩy mạnh các hoạt động thiết kế sáng tạo, kết nối cơ hội hợp tác giữa các thành phố cùng Mạng lưới. Đặc biệt trong năm 2024, Thành phố đã thành lập Hội đồng chuyên gia tư vấn, xây dựng các không gian hoạt động sáng tạo, xây dựng tiêu chí và các không gian hoạt động sáng tạo; Chuẩn bị các điều kiện ra mắt Trung tâm điều phối hoạt động sáng tạo Hà Nội nhằm kết nối các đơn vị tổ chức cá nhân, chuyên gia, nghệ sỹ, nhóm cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo; Thu hút kết nối các nguồn lực sáng tạo ở địa phương và quốc tế; giới thiệu, chia sẻ, hỗ trợ triển khai thí điểm các ý tưởng mới, bước đầu hình thành trung tâm ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo, hoạt động thiết kế sáng tạo đỉnh cao là tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội thường niên hàng năm.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Jonathan Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, năm 2024 là năm có nhiều dấu mốc quan trọng trong quan hệ đối tác giữa UNESCO và Việt Nam nói chung và giữa UNESCO và Hà Nội nói riêng. Đặc biệt, chuyến thăm của Tổng bí thư Tô Lâm tới trụ sở UNESCO tại Paris vào tháng 10 vừa qua là một khoảnh khắc lịch sử trong quan hệ đối tác giữa UNESCO và Việt Nam, vốn đã phát triển mạnh mẽ kể từ khi đất nước Việt Nam thống nhất và trở thành thành viên của UNESCO vào năm 1976, một năm trước khi Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo là một trong nhiều sáng kiến ​​đa dạng mà thành phố đã cam kết thực hiện với tư cách là Thành phố sáng tạo về Thiết kế của UNESCO, đồng thời là một ví dụ điển hình về cách Hà Nội đang đạt được tiến bộ chưa từng có trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Việt Nam và là trung tâm sáng tạo trong khu vực. Thông qua quan hệ hợp tác công tư toàn diện nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đầy năng động, Hà Nội đã chứng minh văn hóa là động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội bằng cách huy động sức mạnh của năng lượng trẻ cho sự đổi mới và tạo ra một môi trường sống tốt đẹp hơn cho tất cả người dân.

Chủ đề của lễ hội năm nay là "Giao lộ Sáng tạo", nêu bật cách các tài năng của Hà Nội hội tụ để cộng hưởng tinh thần sáng tạo. "Lễ hội năm nay là cơ hội đưa những công trình kiến ​​trúc nổi bật gắn liền với lịch sử Hà Nội đến gần hơn với cuộc sống của người dân. Theo đó, Nhà khách Chính phủ sẽ lần đầu tiên mở cửa đón du khách và các tour tham quan cũng sẽ được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Cung Thiếu nhi và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Tôi khuyến khích bạn hãy tận dụng cơ hội tuyệt vời này để khám phá những viên ngọc quý của Hà Nội trong tất cả sự lộng lẫy của mình. Với hơn 1000 năm di sản văn hóa quý báu cũng như vô số cư dân sáng tạo, năng động, Hà Nội đã luôn có tiềm năng trở thành lực lượng tiên phong trên mọi lĩnh vực phát triển", ông Jonathan Baker - Trưởng đại điện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh

Theo Đạo diễn Nguyễn Quốc Hoàng Anh, lễ khai mạc được chia thành 2 chương, mang đến trải nghiệm nghệ thuật độc đáo và sâu sắc cho người tham gia. Chương I: "Long Vân Khánh Hội" với các tác phẩm phối hợp nhiều loại hình âm nhạc, nghệ thuật thể hiện sự tao nhã và những cảm xúc tiềm ẩn của tiếng Việt trong những làn điệu cổ truyền của người Việt xưa. Ngôn ngữ là ký ức của một cộng đồng, và sự giao thoa giữa các ký ức của cộng đồng định hình văn hóa và là nền tảng của sáng tạo, phát triển. Chương II: Diễu hành phố Chợ sẽ là điểm nhấn thị giác mạnh mẽ với người xem qua nhiều chuyển động "ngôn ngữ hình ảnh" đa dạng. Những biểu tượng như cờ lọng, kiệu, cổ phục… đến hình tượng ngựa mang đôi cánh phiêu bồng... nhằm tôn vinh văn hóa Việt Nam qua góc nhìn đương đại.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề “Giao lộ sáng tạo” sẽ được hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội với hơn 100 hoạt động sáng tạo thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hoá, tiêu biểu như kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, xuất bản... Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 còn là nơi để hơn 500 đơn vị, nhà sáng tạo, kiến trúc sư, nghệ nhân, đặc biệt là nhiều nghệ sĩ trẻ trong các lĩnh vực thiết kế thăng hoa trong cảm xúc, thể hiện những ý tưởng sáng tạo thông qua tư duy và hành động đổi mới đem tới lợi ích trực tiếp cho cộng đồng dân cư.